Phi đội không quân là phân đội chiến thuật cơ bản của không quân, gồm một số biên đội, thường được trang bị các máy bay, máy bay trực thăng hoặc máy bay không người lái cùng loại để thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật; có thể hoạt động độc lập hoặc hiệp đồng với các lực lượng khác.
Phi đội không quân thường được tổ chức biên chế tương đương cấp tiểu đoàn. Trong quân đội các nước, phi đội không quân tổ chức không thống nhất, phụ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử, nhiệm vụ chiến thuật và tiềm lực quân sự mỗi nước. Phi đội không quân trực thuộc biên chế của trung đoàn (lữ đoàn, liên đội, sư đoàn) không quân hoặc bộ tư lệnh cấp quân khu và tương đương trở lên. Tuỳ theo trang bị, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, phi đội không quân thường gồm 2-3 biên đội, trang bị 6-20 máy bay và gọi tên theo chủng loại đó (phi đội không quân tiêm kích, tiêm kích - bom, vận tải, trinh sát, tiếp dầu...).
Phi đội không quân hình thành từ Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, được tổ chức thành các tiểu đoàn máy bay, trực thuộc các tập đoàn quân, quân khu hoặc bộ quốc phòng; chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát và thông tin liên lạc. Giai đoạn này, các đơn vị không quân biên chế số lượng, chủng loại máy bay đa dạng, trực thuộc nhiều thành phần lực lượng: hải quân (Anh), lục quân, pháo binh (Liên Xô). Sau Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, quân đội nhiều nước tập trung phát triển mạnh lực lượng không quân độc lập và không quân hải quân. Giữa thập kỉ 20 của thế kỉ 20, Quân đội Liên Xô tổ chức các phi đội không quân trực thuộc liên đội không quân, biên chế 18 máy bay các loại; trực thuộc bộ tư lệnh quân khu và bộ quốc phòng. Từ những năm 30 của thế kỉ 20, quân đội các nước Đức, Anh, Liên Xô, Mỹ, Nhật Bản... chuyên nghiệp hóa các phi đội không quân, trực các cấp trung đoàn (và tương đương trở lên) không quân chuyên trách (tiêm kích, ném bom, chống ngầm...) hoặc hỗn hợp (trinh sát - vận tải, tiêm kích - trinh sát...), biên chế trong các lực lượng lục quân, không quân, hải quân. Trong lực lượng hải quân và không quân, phi đội không quân thường được tổ chức gồm chỉ huy, 2-5 biên đội bay; trang bị từ 4-15 máy bay. Trong lực lượng lục quân, phi đội không quân thường được tổ chức gồm chỉ huy, 2-5 biên đội bay và bộ phận bảo đảm (thông tin liên lạc, dẫn đường, công binh sân bay, hậu cần, kĩ thuật...). Đến Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, quân đội Anh, Mĩ, Pháp, Đức, Liên Xô, Nhật Bản... tổ chức các phi đội không quân tương đối thống nhất, thời kì đầu, phi đội gồm 2-3 biên đội, có chức năng chuyên trách cao; trong chiến tranh, biên chế phi đội không quân phụ thuộc vào nhiệm vụ chiến thuật, phi đội không quân ném bom thường gồm 2-3 biên đội, phi đội không quân trinh sát gồm 2 biên đội, phi đội không quân tiêm kích gồm 3-5 biên đội... Sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, quân đội nhiều nước phát triển mạnh lực lượng không quân, có không quân chiến thuật và không quân chiến lược. Phi đội không quân chiến thuật được tổ chức thành các phi đội máy bay chuyên trách (tiêm kích, cường kích, chống ngầm, vận tải, trinh sát...), trực thuộc các trung đoàn, liên đội không quân (hoặc tương đương); biên chế số lượng biên đội phụ thuộc vào nhiệm vụ chiến thuật. Phi đội không quân tiêm kích hoặc tiêm kích bom thường biên chế 2-3 biên đội. Phi đội không quân vận tải, trực thăng, trinh sát, máy bay không người lái biên chế 3-5 biên đội. Phi đội không quân chiến lược thường trực thuộc các bộ tư lệnh cấp chiến lược, biên chế 2-3 biên đội. Hiện nay, quân đội các nước tổ chức các phi đội không quân chiến thuật thuộc cấp trung đoàn và tương đương trở lên; các phi đội không quân chiến lược trực thuộc các bộ tư lệnh chiến lược. Quân đội Mĩ tổ chức các phi đội không quân tiến công, PĐ tác chiến chống ngầm, PĐ tác chiến điện tử, PĐ trinh sát mặt đất... ; phi đội không quân tiêm kích trang bị máy bay F/A-18 có 12 chiếc, phi đội không quân chống ngầm trang bị máy bay S-3B có 8 chiếc, phi đội không quân trực thăng chống ngầm trang bị máy bay SH-60 có 6 chiếc, phi đội không quân tác chiến điện tử trang bị máy bay EA-6B có 4 chiếc, phi đội không quân chỉ huy báo động sớm trang bị máy bay E-2C có 4 chiếc... Trong không quân Pháp, các phi đội không quân trực thuộc bộ tư lệnh không quân chiến đấu hoặc trực thuộc các lữ đoàn không quân cơ động. Không quân Nga, Trung Quốc, các phi đội không quân thường thuộc biên chế trung đoàn, lữ đoàn không quân, mỗi trung đoàn không quân được biên chế thành 3-5 phi đội, mỗi phi đội biên chế 10-15 máy bay; phi đội không quân chiến lược được tổ chức độc lập, trực thuộc bộ lệnh chiến lược.
Trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, phi đội không quân là cấp tổ chức tương đương tiểu đoàn, trực thuộc trung đoàn không quân; mỗi trung đoàn không quân thường biên chế 3 phi đội. Phi đội không quân đầu tiên được thành lập năm 1963, trực thuộc Trung đoàn Không quân 921. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Không quân Nhân dân Việt Nam lâm thời thành lập phi đội Quyết thắng, gồm 5 máy bay A-37 thu được của địch, tổ chức huấn luyện chuyển loại và tập kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều máy bay và phương tiện quân sự của địch, cắt đứt cầu hàng không, góp phần cùng các lực lượng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổ chức biên chế phi đội không quân phụ thuộc vào từng giai đoạn nhất định, có phi đội không quân gồm 2-3 biên đội bay, có phi đội không quân gồm 2-3 biên đội bay và bộ phận bảo đảm.
Trong tương lai, để đáp ứng yêu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, không quân nhân dân Việt Nam tiếp tục kiện toàn tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn và đa năng, đổi mới vũ khí, trang bị tương đối thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao khả năng tác chiến và xử lí các nhiệm vụ khác do tình hướng đặt ra.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004. tr.793.
- Bách khoa toàn thư quân sự Nga, Maxcơva, 2004, quyển 8, tr.516.
- Học viện Phòng không - Không quân, Giáo trình chiến thuật không quân chung, Hà Nội, 1999.
- Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, Thông báo lực lượng vũ trang nước ngoài, Hà Nội, 2020.
- The International Institute for Strategic Studies, The Military Balance 2017.
- Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam (1955-1977), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.
- Lịch sử Sư đoàn Không quân 370 (1975-2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
- Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, Kiến thức quân sự quân đội Trung Quốc, Hà Nội, 2016.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự (Liên Xô), Tập 1, Hà Nội, 1986.