Pharaoh là tước hiệu chỉ các vị vua của Ai Cập cổ đại từ Vương triều thứ nhất cho đến khi bị Đế quốc La Mã thôn tính (năm 30 TCN). Trên thực tế, tước hiệu này chỉ được sử dụng chính thức từ thời kỳ Tân Vương quốc, nhất là Vương triều thứ 18, nhưng đã trở nên thông dụng trong việc dùng để chỉ các vua Ai Cập cổ đại.
Pharaoh trong tiếng Ai Cập cổ có nghĩa là “ngôi nhà vĩ đại”. Ban đầu, từ này được dùng để chỉ cung điện của vua, nhưng dưới triều đại của vua Thutmose III (1479 – 1425 TCN), sau sự cai trị của người Hyksos, đã trở thành cách gọi nhà vua (“kẻ ngự trị trong cung điện”) và con trai của Thần Ra (Thần Mặt Trời).
Theo quan niệm của người Ai Cập cổ, vị thần Mặt Trời Ra được xem là cha của mọi Pharaoh, vì thế họ coi các Pharaoh là trung gian giữa thần linh và thế giới loài người. Pharaoh bảo vệ trật tự do thần ban cho, được gọi là maat. Pharaoh được coi là một vị thần sống, có quyền lực vô hạn: bất cứ thường dân hay quý tộc, mọi người đều phải quỳ lạy trước nhà vua. Quý tộc muốn tâu với nhà vua điều gì thì phải cúi đầu, úp mặt sát đất bên cạnh nhà vua, chứ không được phép hôn chân vua. Tên vua cũng như tên thần là húy kỵ không được gọi tới, cho nên phải gọi vua là Pharaoh. Do lúc đó chưa có pháp luật hoàn chỉnh nên vua tự đặt ra luật lệ, những người không tuân theo ý muốn của vua sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Sứ mệnh của các Pharaoh là đảm bảo trật tự, công lý và sự thịnh vượng của đất nước mà ông là chúa tể. Vua có uy quyền tuyệt đối trên tất cả các mặt của đời sống xã hội như kinh tế, hành chính, quân sự, tôn giáo. Vua nắm quyền sở hữu tối cao về ruộng đất. Nhờ đó, các Pharaoh bóc lột sức lao động của nông dân công xã và nô lệ. Nông dân công xã là những người lao động chính, sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống tầng lớp quý tộc. Ngoài ra, họ còn phải đi lao dịch, đắp đường sá, đào sông, xây dựng kim tự tháp, cung điện, tham gia chiến trận… Để tiến hành thu thuế, nhà nước đặt ra sổ địa bạ. Thông thường, cứ hai năm một lần, Pharaoh cho điều tra lại tình hình ruộng đất để ấn định mức thuế cho thích hợp.
Vua có quyền bổ nhiệm và thuyên chuyển các quan lại, định ra thuế má, cử quân đội đi chinh phạt. Thậm chí, vua có quyền tịch thu tài sản của thần dân, kết án tử hình thần dân mà không cần phán xử. Vua cũng được coi là hiện thân của công lý.
Ngoài chức năng cai trị thần dân, các Pharaoh còn là các giáo chủ tối cao, là người duy nhất có thể thông đạt với thần linh. Do đó, Pharaoh có quyền bổ nhiệm các giáo sĩ, tăng lữ vào các chức vụ tôn giáo quan trọng, có thể nhân danh nhà vua cử hành các cuộc tế lễ. Điều này cho thấy sự tập trung quyền lực vô hạn vào nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền, dưới cái vỏ thần bí hóa ở Ai Cập cổ đại.
Để cai trị dân chúng, các P đã dựa vào một tổ chức hành chính khá nặng nề nhưng chặt chẽ. Đứng đầu bộ máy cai trị ở trung ương là một vị tể tướng, gọi là Tali hay Vizier. Ngoài quyền hành chính, vị tể tướng này còn là tư lệnh quân đội và thẩm phán tối cao của quốc dân. Tất cả các vấn đề như thuế má, thủy lợi, bổ nhiệm hay thuyên chuyển các chức vụ cao cấp, việc bang giao với nước ngoài phần lớn đều do Vizier quyết định. Dưới Vizier là một bộ máy quan lại cao cấp gồm đông đảo các thư lại (sribe) – tầng lớp có học vấn thời bấy giờ, chuyên lo về tài chính, công chính và quốc phòng.
Dưới thời kỳ Tân vương quốc, uy quyền của các P bị suy giảm đi nhiều vì sự khống chế của các tầng lớp tu sĩ, tăng lữ và tầng lớp quân nhân chuyên nghiệp có thế lực trong xã hội.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
- Lương Ninh (chủ biên), Đinh Ngọc Bảo, Đặng Quang Minh, Nguyễn Gia Phu, Nghiêm Đình Vỳ, Lịch sử thế giới cổ đại, (Tái bản lần thứ tư), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000.
- David P.Silverman (General ediotor), Ancient Egypt (Ai Cập cổ đại), Oxford University Press, 1997.
- Redford, Donald B., From Slave to Pharaoh: The Black Experience of Ancient Egypt (Từ chế độ nô lệ đến Pharaoh: Trải nghiệm đen tối của Ai Cập cổ đại), The Johns Hopkins University Press Baltimore and London, 2004.
- https://www.britannica.com/topic/pharaoh (Last Updated: Aug 3, 2021)