Mục từ này cần được bình duyệt
Phụ tử liên danh

hình thức lấy phần cuối tên bố đặt thành phần đầu tên con, là một tập quán văn hóa, ghi nhận mối quan hệ huyết thống giữa các nhóm thành viên,... Nó ra đời vào thời kỳ thị tộc phụ hệ, trên nguyên tắc con sinh ra được xác nhận theo huyết thống của cha. Theo đó, chỉ có con trai mới đặt tên theo qui luật phụ tử liên danh, còn con gái thì đặt tên gì cũng được, không cần tuân theo theo hệ thống. Phụ tử liên danh cũng là một trong những điểm để phân biệt sự khác nhau giữa thị tộc phụ hệ và thị tộc mẫu hệ.

Tài liệu Giản sử Dân tộc Di do Tổ điều tra dân tộc, xã hội các dân tộc thiểu số Vân Nam, Sở Nghiên cứu dân tôc thuộc Viện Khoa học Trung quốc, công bố năm 1963 cho biết, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X sau Công Nguyên tổ tiên các dân tộc thuộc ngữ hệ Tạng - Miến đã lập nhà nước Nam Chiếu hùng mạnh ở Tây - Nam Trung Quốc. Trong các đời vua của nước Nam Chiếu, cũng thấy hình thức Phụ tử liên danh. Thí dụ vào thế kỷ thứ IX, Nam Chiếu có các đời vua như: Thế Long, Long Thuấn (con của Thế Long), Thuấn Hòa Trinh (con trai của Thuấn). Cũng theo nguồn tài liệu vừa đề cập. Người Đê Khương cổ đại mà nhiều người nghiên cứu dân tộc ở Trung Quốc cho rằng có thể là tổ tiên của các dân tộc thuộc ngữ chi Di ngày nay cư trú ở vùng Tây-Nam Trung Quốc cũng có hình thức phụ tử liên danh.

Trường hợp người Cọ ở Bắc Lào

Cho đến nay, hình thức phụ tử liên danh vẫn còn hiện hữu trong đời sống của nhiều tộc người nhóm Tạng-Miến, đặc biệt điễn hình ở người Cọ tại Bắc Lào. Không chỉ tập trung sinh sống ở Lào mà người Cọ (cũng gọi là người Akha) còn có mặt ở miền Bắc Thái Lan, ở Nam Trung Quốc. Tại Việt Nam tộc người Cống được cho là có nguồn gốc gần gủi với người Cọ. Hệ thống phụ tử liên danh của người Cọ ở bắc Lào đã được các nhà dân tộc học mô tả khá chi tiết và rất thú vị. Theo các tác giả trên, về mặt hình thức, hệ thống phụ tử liên danh giống như một cuốn gia phả bất thành văn, truyền miệng từ đời này qua đời khác. Theo đó mà biết được chính xác hệ thống tổ tiên theo một cây phả hệ từ 50-60 đời (1200 năm). Về ý nghĩa khoa học, hệ thống phụ tử liên danh của người Cọ đã cung cấp về một hệ thống xã hội cổ xưa, dạng xã hội mà tài liệu kinh điển gọi là Công xã thị tộc. Hệ thống phụ tử liên danh có vai trò quan trọng trong việc giử gìn mối liên hệ huyết thống giữa các thế hệ. Nó cũng cung cấp tư liệu về quá trình phát triển của các tông tộc. Cụ thể, hệ thống phụ tử liên danh, của người Cọ, giúp nhận biết được quan hệ giữa 5 nhóm Cọ (Chia Pia, Ồ Ma, Cô Phê, Mu Chi,Pu Ly) đều xuất phát từ một ông tổ chung đã tồn tại rất nhiều đời (50-60). Ở mức độ khác, tài liệu cũng cho biết, mỗi một tông tộc đã phát triển thành một nhóm địa phương của dân tộc Cọ.

Trong đời sống thực tiễn, hệ thống phụ tử liên danh là những chỉ dẫn tốt để người Cọ thực hành hình thức hôn nhân ngoại tộc hôn, tránh quan hệ hôn nhân tránh cận huyết. Khi có người chết thì linh hồn người chết được thầy cúng dẫn ngược theo các đời trong hệ thống phụ tử liên danh để về với tổ tiên …

Ngoài người Cống, ở các tộc người thuộc nhóm Tạng Miến ở miền Bắc Việt Nam, vẫn còn tàn tích của hệ thống phụ tử liên danh.

Tài liệu tham khảo

1. Angghen, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1961.

2. Lâm Thanh Tòng, “Vấn đề Phụ tử liên danh của dân tộc Koj ở Bắc Lào”, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1976.

3. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

4.Nguyễn Duy Thiệu, “Generalogical tree of Co (Akha) in Northern Lao. Bài trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất về văn hóa Hà Nhì - Akha - Chieng Mai - Chieng Rai”, 1996. In trong Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (bản tiếng Anh), 2005.

5. Kha na ban da Phau, List of ethnic population in order of provinces, Vientiane, Laos, 1986.