Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phật giáo dân gian
Tượng Phật ở chùa Long Sơn Nha Trang, dựng năm 1963. Pho tượng này có đặc điểm là khuôn mặt của Đức Phật được tạc theo nét mặt người Việt

Phật giáo dân gian - Phật giáo được dân gian hoá khi du nhập vào Việt Nam. Ngay từ buổi đầu Công nguyên, các nhà sư Ấn Độ đã mang đạo Phật mang màu sắc Tiểu thừa Nam tông đến Việt Nam qua đường biển. Do Phật giáo đã được truyền trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha trong tiếng Phạn đã được phiên âm sang tiếng Việt thành Bụt . Sang thế kỉ IV - V, Phật giáo Đại thừa Bắc tông từ Trung Hoa tràn vào, lấn át và thay thế dần Phật giáo Tiểu thừa Nam tông; từ Phật (tiếng Hán) dần dần thay thế cho từ Bụt.

Lịch sử[sửa]

Do thâm nhập một cách hòa bình, lại được truyền bá trong bối cảnh đất nước đang bị đặt dưới ách thống trị của nền quân chủ chuyên chế phương Bắc, Phật giáo (với tinh thần từ bi hỉ xả) đã được người dân Việt Nam (vốn trọng đạo lý “Thương người như thể thương thân”) tiếp nhận và phổ biến rộng khắp. Luy Lâu, thủ phủ quận Giao Chỉ, đã sớm trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng. Sách vở Trung Hoa còn để lại nhiều trang viết về Phật giáo Việt Nam thời kì Bắc thuộc. Đến thời Lý - Trần, Phật giáo Việt Nam phát triển tới mức cực thịnh. Phật giáo được coi là quốc giáo, được triều đình lấy làm nền tảng tư tưởng để xây dựng trật tự xã hội, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền. Sử sách Trung Hoa đời Minh truyền tụng nhiều về bốn công trình nghệ thuật Phật giáo lớn của thời Lý - Trần mà họ gọi là An Nam tứ đại khí: Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, Vạc Phổ Minh. Sang đời Lê, Nho giáo chiếm địa vị độc tôn, Phật giáo suy thoái dần. Đầu thế kỉ XVIII, vua Quang Trung quan tâm chấn hưng đạo Phật, cho dựng các chùa to, chọn các tăng nhân có học thức và đạo đức coi chùa, song vì vua mất sớm nên việc này ít thu được kết quả. Đầu thế kỉ XX, trước trào lưu Âu hóa, phong trào chấn hưng Phật giáo lại được dấy lên một lần nữa, khởi đầu từ các đô thị miền Nam. Những năm 30 của thế kỉ trước, các hội Phật giáo ở Nam Kì, Trung Kì và Bắc Kì lần lượt ra đời. Đến nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất ở Việt Nam. Đạo Phật thân thiết đến nỗi, dường như một người Việt Nam, nếu không phải là tín đồ của một tôn giáo nào khác, thì ắt là theo Phật, hoặc ít nhiều có cảm tình với đạo Phật .

Phật giáo dân gian Việt Nam là sự kết tinh, tổng hợp của đạo Phật với tín ngưỡng dân gian của người Việt bản địa. Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã tiếp xúc và cộng sinh với tín ngưỡng thờ các vị thần tự nhiên (Mây, Mưa, Sấm, Chớp,...) của cư dân nông nghiệp Việt cổ để hình thành nên tín ngưỡng thờ Tứ Pháp, gồm bốn vị Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện - vừa là Phật lại vừa là thần. Sự kết hợp đó còn thể hiện ở lối cấu trúc phổ biến của ngôi chùa Việt Nam là “tiền Phật hậu thần” (hay “tiền Phật hậu thánh”) với việc đưa các vị thần, thánh, thành hoàng, thổ địa, anh hùng dân tộc vào thờ trong chùa. Không ít chùa còn thờ cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, sự giao lưu giữa đạo Phật với tín ngưỡng phồn thực đã phản chiếu qua kiến trúc Liên hoa đài (chùa Một Cột) mô phỏng hình bông sen ở trên và trụ đá tròn trong hồ vuông ở dưới. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng sâu sắc của tín ngưỡng thờ mẹ (thờ Mẫu) đối với Phật giáo cũng đã góp phần tạo nên đặc điểm/khuynh hướng thiên về nữ tính của Phật giáo dân gian. Một số vị Phật Ấn Độ vốn là đàn ông, sang Việt Nam, lại biến thành Phật bà. Bồ tát Quan Thế âm xuất thân nam giới đã trở thành Phật bà Quan âm nghìn tay nghìn mắt - vị thần hộ mệnh của cư dân vùng sông nước (vì thế còn được gọi là Phật bà Quan âm Nam Hải). Ở một số nơi, ngay cả Phật tổ cũng được coi là phụ nữ, chẳng hạn, người Tày - Nùng gọi Phật Thích Ca là Mẹ Pựt Xích Ca. Không chỉ vậy, dân gian còn sáng tạo ra những vị Phật Bà của riêng mình: Đó là nàng Man Nương, cô gái làng Dâu (Bắc Ninh) - một trong những đệ tử đầu tiên của đạo Phật - đã trở thành Phật Mẫu của Phật giáo Việt Nam; còn người con gái của nàng với thiền sư Khâu Đà La, hóa thân vào đá rồi trở thành Phật Tổ mà ngày sinh mồng 8 tháng 4 đã được lấy làm ngày Phật đản. Đó còn Phật bà Quan Âm Thị Kính, Phật bà chùa Hương (Quan Âm Diệu Thiện) - những vị Phật đã bước ra từ truyện kể dân gian để đi vào tâm thức của người dân Việt. Ngoài ra, Việt Nam còn có khá nhiều ngôi chùa mang tên các bà, như: chùa Bà Dâu, chùa Bà Đậu, chùa Bà Tướng, chùa Bà Đanh, chùa Bà Đá… Tuyệt đại bộ phận Phật tử tại gia cũng đều là các bà. Tục ngữ có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa” là nói tới cảnh các bà vãi lên chùa tụng kinh niệm Phật.

Những biểu hiện[sửa]

Đạo Phật, với tinh thần khoan dung, khi đến Việt Nam, đã sẵn sàng dung nạp các yếu tố văn hóa bản địa để “nhập gia tùy tục”. Mặt khác, người Việt Nam nông nghiệp, ngay từ buổi đầu tiếp xúc với Phật giáo, cũng đã nhập tâm và thực hành đạo Phật theo cách của riêng mình. Với đầu óc thực tế, người Việt Nam đề cao việc sống thiện lương, tích đức hơn là đi chùa (“Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”; “Dù xây chín bậc phù đồ/Không bằng làm phúc cứu cho một người”). Người Việt Nam cũng coi trọng truyền thống thờ tổ tiên, ông bà hơn là thờ Phật (“Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu”); thậm chí còn đồng nhất cha mẹ, ông bà với Phật (“Phật trong nhà không thờ lại đi thờ Thích Ca ngoài đường”). Trên cơ sở tổng hợp, cải biến linh hoạt giữa đạo Phật với đạo ông bà (thờ cúng tổ tiên), một tôn giáo mới đã được khai sinh: đạo Hòa Hảo.

Những biểu hiện của Phật giáo dân gian Việt Nam còn được phản ánh qua những quan niệm, thực hành và hiện tượng rất độc đáo. Chẳng hạn, tục cúng sao giải hạn vốn không phải thuộc về Phật giáo mà khởi nguồn từ Đạo giáo, nhưng sau đó được dân gian hóa, và nay được tổ chức như một nghi lễ tại rất nhiều ngôi chùa từ Bắc chí Nam. Tục đi chùa cầu tự, tục mời sư về nhà làm lễ cầu siêu, việc lập sổ phổ khuyến nhằm quyên giáo, kêu gọi đóng góp tu bổ, đúc chuông, tô tượng cho chùa… cũng chính là những biểu hiện của Phật giáo dân gian. Độc đáo hơn, dân gian có lúc còn dám phá cả giới luật để giữ cho Phật ở mãi bên mình (!). Có nơi, vì muốn ràng buộc ông sư, để sư giữ chùa, cúng lễ cho làng mà dân làng đã tổ chức cưới vợ cho sư, khiến cho ngôi chùa gần như trở thành một gia đình.

Sự hiện diện của Phật giáo dân gian còn được nhìn thấy qua thiết kế của ngôi chùa và thần thế của các pho tượng Phật. Chùa được xây dựng mô phỏng theo phong cách ngôi nhà người Việt cổ truyền với hình thức mái cong, ba gian hai chái, năm gian hai chái. Các pho tượng mang dáng vẻ hiền hòa với những tên gọi rất đỗi dân gian: ông Nhịn ăn mà mặc (Tuyết Sơn gầy ốm), ông Nhịn mặc mà ăn (Di Lặc to béo), ông Bụt Ốc (Thích Ca tóc quăn)… Nhiều pho tượng được tạc trong tư thế không phải trên tòa sen mà là chân co chân duỗi rất dân dã, bình dị. Trên đầu tượng Phật Bà chùa Hương còn lấp ló cả lọn tóc đuôi gà truyền thống của phụ nữ Việt. Phật giáo dân gian Việt Nam là sản phẩm của quá trình giao lưu, cộng sinh, dung hợp giữa Phật giáo với các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Thông qua con đường bản địa hóa, dân gian hóa, Phật giáo dân gian - với một bề dày lịch sử đầy thăng trầm - vẫn luôn sống trong tâm thức, trong những thực hành, sinh hoạt của người dân Việt Nam bao thế hệ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học, 1979.
  2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản, 1992.
  3. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1, Ngô Đức Thọ dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb. Khoa học xã hội, 1993.
  4. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, 1999.
  5. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục. 1999.
  6. Minh Chi, Truyền thống Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2003.
  7. Huệ Thiên, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nxb. Trẻ, 2004.
  8. Trần Quốc Vượng, “Vài nét về Phật giáo dân gian Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 7 năm 2005.
  9. Nguyễn Duy Hinh, Triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2006.