Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phẫu thuật thay thuỷ tinh thể

Phẫu thuật thay thuỷ tinh thể là phẫu thuật được thực hiện để lấy bỏ thuỷ tinh thể bị đục ra khỏi mắt và đặt một thuỷ tinh thể nhân tạo vào để thay thế.

Mục đích[sửa]

Đây là một phẫu thuật an toàn và ít biến chứng, mục đích là khôi phục lại thị lực, được chỉ định ở bệnh nhân đục thuỷ tinh thể có giảm thị lực nhiều đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Gần như tất cả các ca phẫu thuật thuỷ tinh thể đều được thực hiện ở người già. Khi cơ thể già đi, thuỷ tinh thể dần bị vẩn đục, gây nhìn mờ, đặc biệt là khi nhìn vào đèn sáng và các vấn đề thị lực khác. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là người lớn tuổi có các vấn đề khác về mắt, ví dụ như thoái hoá điểm vàng, tình trạng này rất khó điều trị khi kèm theo đục thuỷ tinh thể. Trong trường hợp này, người bệnh được khuyến khích phẫu thuật thay thuỷ tinh thể sớm để thuận lợi cho việc điều trị thoái hoá điểm vàng.

Mô tả[sửa]

Có hai loại phẫu thuật thay thuỷ tinh thể bị đục: phẫu thuật trong bao và phẫu thuật ngoài bao.

Phẫu thuật thay thuỷ tinh thể trong bao là phẫu thuật loại bỏ cả thấu kính và bao xơ bao quanh, hiện nay được thay thế bằng phẫu thuật thay thuỷ tinh thể ngoài bao do loại bỏ bao xơ cần đường rạch lớn và không tạo thuận lợi cho việc đặt thấu kính nhân tạo.

Có hai kĩ thuật thay thuỷ tinh thể ngoài bao:

- Kỹ thuật thông thường là kỹ thuật Pha-co: rạch một đường nhỏ khoảng 3mm cạnh giác mạc, sau đó sử dụng đầu dò siêu âm để phá vỡ thuỷ tinh thể bị đục thành nhiều mảnh nhỏ, các mảnh nhỏ này được hút ra ngoài, kết thúc phẫu thuật có thể khâu hoặc không khâu để đóng đường rạch.

- Kĩ thuật lấy bỏ ngoài bao: khi thuỷ tinh thể quá cứng để tán nhỏ, kĩ thuật này yêu cầu vết mổ lớn hơn khoảng 9mm và toàn bộ thuỷ tinh thể không bao gồm bao xơ được lấy ra qua đường rạch này, sau đó vết mổ cần được khâu lại.

Cả hai kĩ thuật đều để lại bao sau thuỷ tinh thể, do đó thấu kính nhân tạo sau khi được đặt vào sẽ được cố định tốt ở vị trí trùng khớp với thuỷ tinh thể ban đầu.

Chuẩn bị trước mổ[sửa]

Bệnh nhân phải được khám mắt kĩ trước khi phẫu thuật bao gồm cả siêu âm mắt để đảm bảo võng mạc còn nguyên vẹn và cũng để đo độ cong của mắt để dự kiến thuỷ tinh thể phù hợp để thay thế, bệnh nhân cũng sẽ được khám toàn thân và được nhỏ mắt kháng sinh hoặc bôi thuốc mỡ một ngày trước khi phẫu thuật để dự phòng nhiễm khuẩn. Các thuốc bệnh nhân đang dùng có thể phải tạm dừng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật nhất là các thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi phẫu thuật.

Chăm sóc sau phẫu thuật[sửa]

Chăm sóc hậu phẫu đúng cách đặc biệt quan trọng: không nên cúi xuống hoặc nâng vật nặng trong vòng vài ngày, không làm việc vất vả trong vòng ít nhất hai tuần sau mổ, không nên chà sát hoặc ấn vào mắt, nên đeo kính bảo vệ, duy trì kháng sinh, thuốc chống viêm trong vòng 2 đến 3 giờ. Nếu bị viêm, tấy đỏ hoặc đau, bệnh nhân cần đi khám ngay lập tức để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Nếu không có biến chứng xảy ra, bệnh nhân vẫn cần đến gặp bác sĩ trong vài ngày sau phẫu thuật, lần 2 là sau một tuần và cuối cùng sau một tháng. Sau khoảng tám tuần, mắt bên phẫu thuật sẽ hồi phục hoàn toàn.

Kết quả[sửa]

Khoảng 95% bệnh nhân đều có sự cải thiện về thị lực và khả năng phân biệt màu sắc.

Các nguy cơ[sửa]

Phẫu thuật thay thuỷ tinh thể được coi là phẫu thuật an toàn, trên 90% các trường hợp phẫu thuật không xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, các biến chứng là có thể xảy ra và cần được lưu ý bao gồm nhiễm khuẩn nội nhãn (viêm nội nhãn), viêm võng mạc trung tâm (phù hoàng điểm), tăng nhãn áp sau phẫu thuật, bong võng mạc, chảy máu dưới võng mạc (xuất huyết màng mạch) và sót các mảnh thuỷ tinh thể nhỏ phần sau nhãn cầu, các biến chứng này đều có thể dần mất thị lực.

Cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức khi có một trong các triệu chứng sau đây:

- Buồn nôn hoặc ho nhiều

- Mất thị lực ở mắt

- Đỏ mắt

- Đau quá mức, dai dẳng

- Thấy loé sáng hoặc có đốm đen ở mặt trước của mắt

Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, một số bệnh nhân có thể phát triển đục thủy tinh thể ở bao sau. Biến chứng này xảy ra khi bao sau của thủy tinh thể được để lại bị đục từ đó gây giảm thị lực. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra, bệnh nhân có thể được thực hiện cắt đốt bằng tia laser (yttrium-aluminumgarnet (YAG) laser capsulotomy). Thủ thuật này cho phép ánh sáng đi qua bao sau thủy tinh thể đã bị đục, từ đó khôi phục thị lực trở lại.

Những điểm lưu ý[sửa]

Cần lưu ý không thực hiện phẫu thuật thay thuỷ tinh thể bị đục trên cả hai mắt trong cùng một thời điểm để tránh nguy cơ mù cả hai mắt trong trường hợp nhiễm trùng hoặc tai biến khác, do đó sau khi bên mắt này được thay thuỷ tinh thể đầu tiên đã liền thì mới phẫu thuật thay thuỷ tinh thể bên còn lại. Thuỷ tinh thể bị đục có thể làm che lấp các vấn đề về mắt khác như tổn thương võng mạc, dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực vẫn tiến triển sau phẫu thuật, do đó mức độ hồi phục sẽ phụ thuộc vào các bệnh lý đi kèm khác của mắt.

Phương pháp thay thế[sửa]

Khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, có thể cải thiện thị lực trong một khoảng thời gian bằng các phương tiện hỗ trợ thị giác. Ở giai đoạn đầu chưa cần thiết phải phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cho bổ sung một số vitamin như C, A, E… và một số hoạt chất khác để làm chậm lại tiến trình đục thủy tinh thể. Tăng cường ánh sáng trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khói bụi.

Nếu bắt buộc thường xuyên ra ngoài nên có những biện pháp bảo vệ mắt như đeo kính râm hoặc đội mũ rộng. Cho đến nay các thuốc tổng hợp hóa dược rất khó có thể làm trong thủy tinh thể trở lại, phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Cataract Removal, Nonpenetrating Glaucoma Surgery Can Be Combined.” Biotech Week September 13, 2003: 133.
  2. Groves, Nancy. “Advances in Cataract Surgery Driven by Technology; Surgeons Able to Achieve Better Outcomes with New IOL, Viscoadaptive Devices.” Ophthalmology Times April 1, 2004: 39.
  3. Mayer, E., et al. “A 10-year Retrospective Survey of Catatact Surgery and Endophthalmitis in a Single Yey Unit: Injectable Lenses Lower the Incidence of Endophthalmitis.” British Journal of Ophthalmology July 2003: 867-873.
  4. American Academy of Ophthalmology (AAO), P. O. Box 7424, San Francisco, CA, 94120-7424, (415) 561-8500,Fax: (415) 561-8500, http://www.aao.org.
  5. American Society of Cataract and Refractive Surgery, 4000 Legato Road, Suite 700, Fairfax, VA, 22033, (703) 591-2220, Fax: (703) 591-0614, http://www.ascrs.org.
  6. Bộ y tế. Hướng dẫn quy trình kĩ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành nhãn khoa, Nhà xuất bản y học, 2015.