Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phương tiện chiến đấu

Phương tiện chiến đấu phương tiện kỹ thuật quân sự cơ bản dùng để trực tiếp tiêu diệt sinh lực, phương tiện kỹ thuật quân sự và các mục tiêu khác của đối phương.

Phương tiện chiến đấu bao gồm: phương tiện sát thương (đạn, tên lửa, bom, mìn...), phương tiện bắn, phóng (súng, pháo, bệ phóng tên lửa...), khí tài điều khiển vũ khí, phương tiện mang (máy bay, xe tăng, tàu chiến...) và các tổ hợp vũ khí (tổ hợp tên lửa phòng không, tổ hợp pháo - tên lửa, tổ hợp trinh sát - tiến công, tổ hợp tên lửa chống tăng...), phương tiện tác chiến điện tử. Có các loại Phương tiện chiến đấu trên bộ, trên biển, trên không và trên vũ trụ, được biên chế cho các quân chủng, binh chủng: lục quân, hải quân, không quân, tên lửa, pháo binh, công binh, hóa học…

Chiến tranh thời cổ đại chỉ có vũ khí lạnh, cung, nỏ, máy bắn đá... Khi có thuốc nổ, bắt đầu xuất hiện hỏa khí với một số loại súng nòng trơn, bắn phát một, pháo thần công... Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất xuất hiện nhiều loại Phương tiện chiến đấu mới: máy bay chiến đấu cánh quạt, xe tăng, tàu chiến, pháo hạng nặng, súng máy... Đến Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội các nước tham chiến đã được trang bị các Phương tiện chiến đấu hiện đại hơn với tính năng chiến - kỹ thuật vượt trội và một số Phương tiện chiến đấu mới: máy bay phản lực, tên lửa V1, V2 (của Quân đội Đức), tàu ngầm, tàu sân bay, xe tăng T34 (LX) và xe tăng "Con cọp" (Đức), máy bay ném bom hạng nặng và bom nguyên tử lần đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh, pháo phản lực nhiều nòng của Liên Xô...

Các hình thức tác chiến điện tử cũng ra đời dựa trên cơ sở kỹ thuật vô tuyến điện tử như các đài rađa cảnh giới, rađa ngắm bắn và điều khiển hỏa lực cho pháo phòng không và máy bay ném bom... Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong thời kì chiến tranh lạnh đối đầu giữa 2 phe TBCN và XHCN, cuộc chạy đua vũ trang đã thúc đẩy sự phát triển đột biến của các loại Phương tiện chiến đấu. Lần lượt xuất hiện bom khinh khí, bom nơtrôn, vũ khí hóa học hai thành phần, tên lửa đường đạn chiến lược phóng từ mặt đất và tàu ngầm hạt nhân, tên lửa hành trình, tên lửa phòng không, tên lửa chống rađa, tên lửa chống tên lửa, máy bay chiến đấu phản lực siêu âm, máy bay tàng hình, tàu sân bay hạt nhân, vệ tinh quân sự , vũ khí lade, hệ thống trinh sát và dẫn đường vũ trụ, hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không (AWACS), hệ C3I, các loại Phương tiện chiến đấu điện tử mới (rađa cảnh giới, dẫn đường, điều khiển hỏa lực, rađa vượt chân trời, rađa lade...).

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-75), Quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều Phương tiện chiến đấu hiện đại nhất thời gian đó (chỉ trừ vũ khí hạt nhân): 12 loại tên lửa, 17 loại pháo (2.500 khẩu các loại với cỡ lớn nhất 175 mm), 18 loại tăng, thiết giáp (2.750 chiếc các loại), 52 loại bom mìn (tổng số tới 7.850.000 t bom, trong đó có 21.973 quả thủy lôi và bom từ trường), 41 loại máy bay chiến đấu (hơn 5.000 chiếc, có 197 chiếc B-52 và nhiều nhất là máy bay trực thăng với số lượng tới 4.000 chiếc các loại), đặc biệt là sử dụng vũ khí hóa học với quy mô lớn (những năm 1961-71 đã rải 77 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 45 triệu lít chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam). (638 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục kỹ thuật, Đặc trưng công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua các thời kì cách mạng, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994
  2. ALmanach những nền văn minh thế giới, Nxb Văn hóa và thông tin, Hà Nội, 1999
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  4. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007