Mục từ này cần được bình duyệt
Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu văn học

phương pháp luận có hai nét nghĩa: 1. Hệ thống luật lệ, nguyên tắc, thao tác cụ thể được áp dụng trong một hình thức hoạt động nào đó (khoa học, chính trị, nghệ thuật v.v.); 2. Học thuyết về hệ thống nói trên, lý thuyết chung về phương pháp.

Phương pháp theo nghĩa rộng nhất là “con đường nhắm tới một cái gì đó”, là phương thức hoạt động xã hội của chủ thể trong mọi hình thức của nó, không riêng gì lĩnh vực nhận thức. Chữ “phương pháp” - “methodos” trong tiếng Hy Lạp cổ đại thường được nhắc tới với nghĩa như vậy. Trong nghiên cứu khoa học, phương pháp là hướng tiếp cận có mục đích rõ ràng, là phương thức, là con đường giúp nhận thức hiện thực một cách khách quan. Đó là hệ thống tiếp cận và phương thức chiếm lĩnh tri thức khoa học phù hợp với đối tượng và nhiệm vụ của một khoa học cụ thể.

Chức năng của phương pháp là tổ chức và điều chỉnh quá trình nhận thức, hoặc quá trình cải tạo khách thể trong hoạt động thực tiễn của con người. Với ý nghĩa như thế, F.Bacon từng so sánh phương pháp với ngọn đèn pha soi sáng đường đi cho lữ khách trong đêm tối. Ông cho rằng, nghiên cứu bất kỳ vấn đề nào, nếu đi sai đường người ta không thể hi vọng sẽ thành công. Ông muốn tìm ra một phương pháp có thể trở thành "khí cụ" nhận thức, giúp con người làm chủ tự nhiên. Phương pháp mà ông tìm ra được gọi là phép “quy nạp”: khoa học phải bắt đầu từ sự phân tích trực quan, từ quan sát và thử nghiệm rồi dựa vào đó để phát hiện các nguyên nhân và khái quát các quy luật. R.Descartes gọi phương pháp là những “quy tắc chính xác và đơn giản” góp phần làm gia tăng tri thức và giúp phân biệt cái đúng với cái sai. Ông cho rằng, nếu không có phương pháp thì tốt nhất là đừng nghĩ tới việc tìm kiếm chân lý.

Về nội dung, có thể quy phương pháp về tổng thể các luật lệ, thủ pháp, phương thức, chuẩn mực nhận thức và tác động. Nó là một hệ thống luật lệ, nguyên tắc, yêu cầu định hướng của chủ thể trong việc giải quyết một vấn đề cụ thể nhằm đạt được một kết quả nhất định trong lĩnh vực hoạt động định trước. Nó đưa việc tìm kiếm khám phá chân lý vào kỷ cương, giúp tiết kiệm thời gian và công sức, đạt tới mục đích bằng con đường ngắn nhất. Cho nên, cả kết quả nghiên cứu lẫn cách thức được áp dụng để đạt được kết quả ấy đều phải đích đáng.

Về mặt cấu trúc, phương pháp là sự thống nhất biện chứng giữa bình diện chủ quan, khách quan và lý thuyết về đối tượng. Phương pháp khoa học nào cũng được xác lập trên nền tảng của một lý thuyết cụ thể. Lý thuyết này chính là tiền đề của phương pháp này. Lý luận là hiện thực được trừu tượng hóa, nó được cải tạo, biến đổi thành phương pháp thông qua việc nhào nặn, hình thành những nguyên tắc, luật lệ, thủ pháp rút ra từ đó, những nguyên tắc, luật lệ, thủ pháp này sẽ biến thành lý thuyết (và thông qua đó đi vào thực tiễn), bởi vì chủ thể có thể vận dụng chúng như công cụ điều chỉnh trong quá trình nhận thức và biến đổi thế giới xung quanh theo quy luật riêng của nó. Sức mạnh và hiệu quả của mỗi phương pháp được quyết định bởi nội dung và chiều sâu của lý thuyết đã được “nén thành phương pháp”. Đến lượt mình, “phương pháp sẽ mở rộng thành hệ thống”, tức là được sử dụng để tiếp tục đào sâu và mở rộng tri thức, biến nó thành hiện thực vật chất trong thực tiễn.

F.Engels thường nhấn mạnh phương pháp là “cái tương đồng với đối tượng”. Nghĩa là phương pháp không áp đặt cho đối tượng mà thay đổi cho phù hợp với đặc trưng của nó. Nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải có tri thức nghiêm túc về thực tế và các dữ liệu khác liên quan tới đối tượng. Nó hiện hữu như là sự vận động trong một chất liệu cụ thể, như là sự nghiên cứu các đặc điểm, các hình thức phát triển, các mối liên hệ và quan hệ của nó. Cho nên, nội dung đối tượng (khách thể) nghiên cứu sẽ quyết định sự đích đáng của phương pháp.

Phương pháp không phải là tập hợp các liệu pháp, quy tắc, thủ pháp suy đoán chủ quan được rút ra tùy tiện không gắn với thực tại vật chất, thực tiễn đời sống, bên ngoài các quy luật phát triển khách quan của nó. Bởi vậy, phương pháp chỉ tồn tại và phát triển trong quan hệ biện chứng phức tạp giữa nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan mà nhân tố khách quan giữ vai trò quyết định. Bình diện chủ quan của phương pháp được thể hiện không chỉ ở chỗ: các nguyên tắc, luật lệ, cỗ máy hiệu chỉnh được hình thành trên cơ sở của bình diện khách quan. Tính chủ quan của mỗi phương pháp còn được hiểu theo nghĩa: cá nhân, chủ thể cụ thể mà phương pháp nào đấy có ý nghĩa với nó chính là nhân tố đại diện cho phương pháp.

Sự phong phú của các dạng hoạt động của con người quy định sự đa dạng của phương pháp mà người ta có thể phân loại theo những tiêu chí khác nhau. Dựa vào sự tương đồng, tầm bao quát và khả năng ứng dụng rộng rãi tới đâu, người ta thường chia các phương pháp khoa học thành 3 cấp độ:

1. Phương pháp triết học (quy định những nguyên tắc chung nhất, ví như phép biện chứng, phép siêu hình, hiện tượng luận, thông diễn luận…);

2. Phương pháp khoa học phổ quát (các phương pháp này chủ yếu phụ thuộc vào cấp độ và chiều sâu chiếm lĩnh khoa học, ít lệ thuộc vào đặc trưng của đối tượng và loại hình vấn đề nghiên cứu, ví như phương pháp suy đoán logic, phương pháp nghiên cứu trực quan, phương pháp nghiên cứu lý thuyết (lý tưởng hóa, hình thức hóa, diễn dịch - quy nạp…), phương pháp hệ thống hóa);

3. Phương pháp khoa học chuyên ngành (các phương pháp này chỉ vận dụng trong khuôn khổ của những lĩnh vực khoa học riêng lẻ, đặc trưng của đối tượng nghiên cứu và các nhiệm vụ khoa học cần giải quyết sẽ quy định đặc trưng của chúng). Phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu văn học thuộc cấp độ thứ ba này.

Là phương pháp luận khoa học chuyên ngành, đặc trưng, nội dung và cấu trúc của phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu văn học phụ thuộc vào đặc trưng của văn học nghệ thuật. Chẳng hạn, nếu khoa học là kinh nghiệm về đối tượng, thì văn học nghệ thuật là kinh nghiệm quan hệ giữa con người với thế giới, trước hết là quan hệ xã hội của con người. Cho nên, phương pháp nghiên cứu văn học vừa là phương pháp phân tích, giải thích đối tượng, vừa là hệ thống nguyên tắc, thao tác, thủ pháp định các hiện tượng được nó nghiên cứu. Đặc trưng của văn học không phải là cái gì nhất thành bất biến. Mỗi trường phái nghiên cứu văn học, thậm chí, mỗi nhà nghiên cứu đều có quan niệm riêng về đặc trưng văn học. Vì thế, không có phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu văn học nói chung, mà chỉ có phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu văn học của các trường phái khoa học cụ thể tùy thuộc vào lý thuyết của họ về đặc trưng và quy luật phát triển của văn học. Chẳng hạn, xu hướng nghiên cứu theo quan điểm mỹ học Mác - Lênin từng thống trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước kia bao giờ cũng dựa vào lý thuyết phản ánh để giải thích văn học như là hình thái ý thức đặc thù chịu sự chi phối của nền tảng kinh tế xã hội và đối chiếu hình tượng nghệ thuật với hiện thực có thật ngoài đời để đánh giá mức độ điển hình và giá trị của tác phẩm văn học.

Dựa vào các xu hướng, trường phái khoa học xuất hiện trong tiến trình lịch sử, có thể liệt kê một số hệ thống phương pháp luận nghiên cứu văn học hiện đại như sau:

Một trong những hệ thống phương pháp luận nghiên cứu văn học ra đời sớm nhất là phương pháp tiểu sử do Ch.Sainte-Beuve (1804 - 1869) đề xướng. Đối tượng nghiên cứu của phương pháp này là quan hệ “nhà văn - tác phẩm”. Nó xem nhà văn là con người cụ thể, có thật, không phân biệt tác giả tiểu sử với tác giả - người sáng tác. Nó xem gia đình (mẹ, anh em trai, chị em gái), môi trường, quan điểm tôn giáo, địa vị xã hội, thói hư tật xấu, sự yếu đuối, tật bệnh là nhưng yếu tố quyết định đặc điểm của nhà văn và sáng tác của ông ta. Phương pháp tiểu sử ảnh hưởng quan trọng tới sự ra đời của phương pháp phân tâm học và phương pháp văn hóa - lịch sử sau này.

Vào những năm 1860, H.Taine đề xướng phương pháp văn hóa - lịch sử. Phương pháp này hòa văn học vào văn hóa, tiếp cận văn hóa và văn học trên quan điểm lịch sử. Nó diễn giải văn học như là dấu ấn của dân tộc trong đời sống lịch sử ở những thời kỳ khác nhau. “Chủng tộc”, “môi trường”, “thời điểm” là ba phạm trù then chốt được Taine sử dụng để phân tích các quy luật hình thành của văn hóa. Phương pháp phân tâm học gắn với tên tuổi của S.Freud và C.G.Jung, được sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới suốt từ thế kỷ XIX cho tới nay.

Phương pháp thông diễn học có nguồn cội từ thời cổ đại gắn với các thủ pháp diễn giải Kinh thánh và các văn bản văn hóa cổ xưa, đến thời hiện đại, từ cuối thế kỷ XVIII, qua thế kỷ XIX, XX, các học giả tên tuổi người Đức F.D.Schleiermacher, W.Dilthey, H.G.Gadamer, và E.D.Hirsch - người Mỹ đã phát triển thành một xu hướng nghiên cứu văn hóa, văn học có ảnh lớn lao tới khoa học xã hội - nhân văn trên toàn thế giới. Phương pháp nghiên cứu so sánh - lịch sử văn học được xác lập vào cuối thế kỷ XIX (J.G.Herder, T.Benfey). Dựa vào quan điểm của phương pháp nghiên cứu so sánh - lịch sử văn học, A.N.Veshelovski phát triển các tư tưởng của thi pháp học lịch sử và những nguyên tắc phương pháp luận trong nghiên cứu văn học theo xu hướng này.

Từ những năm 30 của thế kỷ XX, phương pháp xã hội học (V.M.Fritsche, G.V.Plekhanov, G.Lukács, A.V.Lunacharski, V.F.Pereverzev…) chi phối toàn bộ sự phát triển của khoa học về văn học trong mỹ học và nghiên cứu văn học chính thống của Liên Xô và ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Phương pháp này phân tích văn học theo lý thuyết phản ánh của V.Lênin, xem văn học là hình thái ý thức đặc thù thuộc thượng tầng kiến trúc chịu sự chi phối của nền tảng kinh tế xã hội. Nó đề xướng các khái niệm “nguyên tắc tính đảng” và “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” làm công cụ điểu khiển cả nghiên cứu lẫn sáng tác văn học nghệ thuật. Nó đối sánh hình tượng văn học với quan niệm về hiện thực theo quan niệm lý tưởng hóa để xem xét giá trị của tác phẩm. Cũng vào những năm đầu của thế kỷ XX, trường phái hình thức Nga (J.N.Tynhianov, V.Shklovski, B.M.Eikhenbay, V.Propp, B.V.Tomashevski…) đề xướng phương pháp hình thức, nghiên cứu văn học từ quan điểm “thủ pháp luận” và “hình thái luận”. Phương pháp “phê bình mới” của Anh - Mỹ ở những năm 1930 – 1940 và phương pháp cấu trúc luận sau này (V.Matesius, J.Mukarzhovski, N.S.Trubetskoi, R.Jakobson, P.G.Bogatyrev, G.O.Vinokur, E.D.Polivanov, R.Barthes, A.J.Greimas, G.Genette, J.Kristeva) có nguồn cội từ phương pháp hình thức của trường phái hình thức luận Nga. Các học giả thuộc trường phái Tartus - Moskva (đứng đầu là J.M.Lotman) nghiên cứu văn học từ góc độ ký hiệu học - văn hóa, đề xướng hệ thống phương pháp có họ hàng với cấu trúc luận, được gọi là phương pháp cấu trúc - hệ thống. Từ nửa sau của những năm 1970, các nhà cấu trúc luận hàng đầu như R.Barthes, J.Kristeva chuyển qua lập trường hậu cấu trúc luận, tuyên bố những nguyên tắc phương pháp giải cấu trúc và liên văn bản học.

Đến nửa sau thế kỷ XX, phương pháp loại hình học phát triển rộng rãi và được ứng dụng có hiệu quả. Nếu phương pháp nghiên cứu so sánh - lịch sử văn học tập trung nghiên cứu tác động qua lại giữa các hiện tượng văn học có sự tiếp xúc với nhau, thì các đại diện của phương pháp loại hình học lại dựa vào sự tương đồng của các điều kiện trong đời sống văn hóa để lý giải sự tương đồng và dị biệt của các hiện tượng văn học không có quan hệ tiếp xúc trực tiếp. Phương pháp chức năng - lịch sử nghiên cứu đặc điểm hành chức của tác phẩm văn học trong đời sống xã hội và phương pháp di truyền - lịch sử nghiên cứu nguồn gốc của các hiện tượng văn học cũng phát triển rầm rộ trong thời kỳ này.

Từ những năm 1980, xuất hiện vô số phương pháp nghiên cứu văn học có thể gọi bằng cái tên chung là các phương pháp hậu hiện đại. Chúng thường được vận dụng để nghiên cứu các tác phẩm văn học hậu hiện đại. Giữa chúng có một số nguyên tắc chung, ví như tác phẩm văn học được xem là một diễn ngôn, một hệ thống thiếu ổn định, phi trung tâm, phi tuyến tính luôn tự điều chỉnh trong quan hệ với môi trường ngoài văn học, tác giả được xem là một chức năng, là người mang cho vô số “mặt nạ”, giải cấu trúc được sử dụng như hướng chính yếu của việc phân tích văn bản.

Ngày nay ai cũng nhận ra không một phương pháp nghiên cứu văn học nào có giá trị phổ quát. Cho nên những năm gần đây hướng tiếp cận tổng hợp và tiếp cận liên ngành trở thành những nguyên tắc phương pháp luận được vận dụng rộng rãi nhất.

Tài liệu tham khảo:

1. Bakhtin M.M, Các hình thức thời gian và chronotope trong tiểu thuyết. Lược khảo về thi pháp học lịch sử, “Văn học nghệ thuật”, Moskva, 1975.

2. Alekseev M.P, Nghiên cứu so sánh văn học, Nxb. Khoa học, Moskva, 1983.

3. Broitman S.N, Thi pháp học lịch sử, Nxb. RGGU, Moskva, 2001

4. Barthes R, Các huyền thoại, Nxb. Sabashnikovs, Moskva, 2004.

5. Eco Umberto, Làm thế nào để viết một luận văn tốt nghiệp. Các khoa học nhân văn, St. Petersburg, 2004.