Mục từ này cần được bình duyệt
Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam

Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm toàn bộ tài liệu lưu trữ được hình thành trong quá trình hoạt động của các tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), các tổ chức tiền thân của Đảng, các tổ chức chính trị xã hội; các nhân vật lịch sử, tiêu biểu của Đảng và của các tổ chức chính trị xã hội .

Phông lưu trữ ĐCSVN được bảo quản trong các kho lưu trữ cấp ủy từ Trung ương đến địa phương theo Quyết định 20-QĐ/TW ngày 23.9.1987 của Ban Bí thư trung ương Đảng (BBTTW) khóa VI. Thành phần Phông lưu trữ bao gồm toàn bộ tài liệu lưu trữ của Đảng và 6 tổ chức chính trị xã hội hình thành trong quá trình hoạt động của các cấp ủy, cơ quan Đảng và Đoàn các cấp .

1. Tài liệu lưu trữ Đảng ở Trung ương gồm có: các sưu tập lưu trữ; phông tài liệu cá nhân của các lãnh tụ và các lãnh đạo của Đảng và phông tài liệu của các tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam.

1.1. Về các sưu tập lưu trữ:

Sưu tập “Các tổ chức tiền thân của Đảng (1924-1930)”: sưu tập tài liệu về Việt Nam cách mạng thanh niên (thời gian từ 1925 – 2.1930), tài liệu về Đông Dương cộng sản Đảng (10.1929 – 2.1930), tài liệu về An Nam cộng sản Đảng, tài liệu về Đông Dương cộng sản liên đoàn và tài liệu về Tân Việt cách mạng Đảng (từ 1925 – 2.1930).

Sưu tập “Xứ ủy Bắc kỳ”, Xứ ủy Trung kỳ”“Xứ ủy Nam kỳ”: tài liệu trong các sưu tập có thời gian từ năm 1930 đến1945 phản ánh tình hình hoạt động của các Xứ uỷ ba miền Bắc Trung Nam sau ngày thành lập Đảng (03.02.1930). Hầu hết là những tài liệu rời, lẻ, thiếu hệ thống.

Sưu tập “Sách, báo chí, truyền đơn của Đảng” có thời gian từ năm 1925 đến năm 1945 của các tổ chức cách mạng, phản ánh về mọi mặt của cuộc đấu tranh cách mạng và đời sống của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội;

Sưu tập “Chính quyền cũ (1925 - 1945)”: về khối lượng gồm 61 cặp tài liệu bao gồm tài liệu của Sở Mật thám Pháp ở Đông Dương, các Sở Mật thám ở Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Lào, Miên, Pháp và các nước khác về hoạt động của các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, những tài liệu của Đảng mà chúng thu được, các thông tư, chỉ thị của Chính quyền thuộc địa về việc đối phó với phong trào cách mạng ở Việt Nam.

Sưu tập tài liệu “Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Đại hội I, Ban lãnh đạo Trung ương (1930-1945)”: trong sưu tập, có một số tài liệu văn kiện phản ảnh sự ra đời và hoạt động của Đảng trong cao trào cách mạng đầu tiên của lịch sử Việt Nam hiện đại. Đó là cương lĩnh, chánh cương, đường lối chiến lược, sách lược và điều lệ vắn tắt của Đảng; tài liệu văn kiện phản ánh về tổ chức, phương hướng hoạt động của các đoàn thể chính trị và Mặt trận dân tộc thống nhất do Đảng lãnh đạo;

1.2. Phông tài liệu cá nhân của các lãnh tụ và các lãnh đạo của Đảng: Tài liệu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài liệu của các lãnh tụ tiền bối của Đảng: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Hà Huy Tập...; Tài liệu của các lãnh đạo trong BCT, BBTTW ĐCSVN: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Trân, Xuân Thủy, Lê Văn Lương, Nguyễn Lam, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Anh, Phạm Hùng, Tố Hữu... và Hồi ký của các lãnh đạo chủ chốt và cán bộ lão thành của Đảng tham gia vào các sự kiện lịch sử quan trọng của Đảng.

'1.3.Tài liệu của các tổ chức ĐCSVN ở TW gồm giai đoạn trước ngày 02 tháng 9 năm 1945 và giai đoạn từ sau 02 tháng 9 năm 1945.

1.3.1. Tài liệu hình thành trước cách mạng Tháng Tám 1945: Trong kho Lưu trữ TW Đảng, ngoài các sưu tập lưu trữ còn có nhiều tài liệu của TW Cục miền Nam và Xứ ủy Nam bộ có nội dung khá phong phú, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo của TW Đảng, TW Cục miền Nam trong việc lãnh đạo Cách mạng miền Nam; Tài liệu của các tổ chức và đoàn thể quần chúng do ĐCSVN trực tiếp lãnh đạo thuộc thời kỳ trước 1945: Công hội đỏ, Tổng Nông hội Đông Dương, Cộng sản thanh niên đoàn, Hội Cứu tế Đỏ Đông Dương, Hội Phản đế Đồng Minh, v.v...

1.3.2. Tài liệu sau cách mạng Tháng Tám 1945, từ khi có Chính quyền cách mạng do Đảng lãnh đạo bao gồm các nhóm chủ yếu nhưtài liệu của các Đảng bộ trực thuộc Ban Bí thư TW (hiện nay đã giải thể) gồm: tài liệu của Xứ uỷ Nam kỳ từ 1945-1950; tài liệu của TW Cục miền Nam từ 1951-1954; tài liệu của Xứ uỷ Nam bộ từ 1954-1960 và tài liệu của TW Cục miền Nam từ 1961-1975. Nội dung các nhóm tài liệu trên phản ánh quá trình tổng kết các chiến dịch và những cuộc nổi dậy của quần chúng, các hoạt động của cấp uỷ và tình hình đời sống của quân và dân ta, hoạt động của Xứ ủy Nam bộ và TW Cục miền Nam.

Phông Lưu trữ ĐCSVN còn bao gồm tài liệu của: Liên khu ủy Việt bắc (1946-1956); Khu ủy Khu tự trị Việt bắc (1956-1975); Khu ủy Khu tự trị Tây Bắc (1972-1975); Liên khu ủy III (1948-1953); Khu ủy Tả Ngạn (1952-1958); Liên khu ủy IV (1946-1958); Khu ủy Trị thiên - Huế (1966-1975); Liên khu ủy V (1949-1975); Khu ủy VI (1961-1975); Khu ủy VII (1947-1975); Khu ủy VIII (1947-1976); Khu ủy IX (1945-1975) và Ban Cán sự Đảng khu Lao - Hà - Yên (1956 - 1958).

Từ khối tài liệu trên có thể khai thác nhiều thông tin về việc củng cố và xây dựng lực lượng quân sự, tiến hành các chiến dịch lớn: Chiến dịch Thu đông 1947, chiến dịch Biên giới 1950, các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Điên Biên phủ (1951-1954), về quá trình Đảng ta lãnh đạo nhân dân củng cố và gìn giữ hòa bình, tình hình nông dân trong phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất, sửa sai trong cải cách ruộng đất, về đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển Đảng.

Ngoài ra, sau ngày 02.9.1945 cần phải kể đến các khối tài liệu quan trọng sau:Khối tài liệu Đại hội Đảng toàn quốc và BCHTW Đảng; Tài liệu về hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá I đến khoá XII; Khối tài liệu các Ban tham mưu, giúp việc Trung ương và Tài liệu của các Đảng uỷ trực thuộc TW;

Phông lưu trữ Đại hội Đảng toàn quốc và phông lưu trữ BCHTW Đảng là các phông lưu trữ riêng biệt. Các phông tài liệu này đang được lưu giữ tại Kho lưu trữ lịch sử và Kho lưu trữ hiện hành VPTW Đảng. Thành phần tài liệu bao gồm: tài liệu chuẩn bị Đại hội do BCHTW đương nhiệm chuẩn bị; tài liệu do Đại hội, Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội ban hành; tài liệu của các Tiểu ban văn kiện, nhân sự Đại hội chuẩn bị; tài liệu của các cấp ủy địa phương, ban, ngành, đoàn thể TW gửi Đại hội; các bài diễn văn chào mừng của khách quốc tế; các tham luận của các đại biểu Đại hội; đơn thư, kiến nghị của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức, quần chúng trong và ngoài nước. Về nội dung tài liệu phản ánh quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện của BCHTW trình tại Đại hội, quá trình chuẩn bị nhân sự của BCHTW Đảng khoá tới, hoạt động của Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội, các đoàn đại biểu trong nước dự Đại hội, hoạt động của các đoàn đại biểu của các đảng anh em và các tổ chức quốc tế dự Đại hội, v.v.

Tài liệu về hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá I đến khoá XII. Đây là khối tài liệu có khối lượng lớn và rất quan trọng. Thành phần tài liệu gồm: hồ sơ Hội nghị của BCHTW, BCT, Thường vụ BCT, BBT, Hội nghị cán bộ do BBT triệu tập; tài liệu do TW ban hành (chỉ thị, nghị quyết, quyết định, thông báo, báo cáo); tài liệu phản ánh các vụ việc điển hình có sự chỉ đạo xử lý của TW,…Nội dung của tài liệu phản ánh:Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và kết quả thực hiện qua các giai đoạn của lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, kinh tế, xã hội, khoa học giáo dục, vận động quần chúng, v.v...;Các sự kiện trọng đại, những thành công to lớn của đất nước ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng; Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, lý luận trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng HCM để đảm bảo cho Đảng ngày càng vững mạnh và thực hiện được sứ mạng cao cả của mình.

Khối tài liệu các Ban tham mưu, giúp việc Trung ương: Bao gồm tài liệu cơ quan Văn phòng TW, Ban Tổ chức TW, Ủy ban Kiểm tra TW, Ban Tuyên giáo TW, Ban Nội chính TW, Ban Dân vận, Dân tộc TW, Ban Kinh tế TW, Ban Đối ngoại TW, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Nội dung tài liệu phản ánh chức năng nhiệm vụ của các Ban trên các mặt hoạt động để tham mưu cho TW về những lĩnh vực được TW phân công, theo dõi, kiểm tra, quán triệt thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của TW; nghiên cứu tổng hợp tình hình, hướng dẫn các ngành các cấp thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn thuộc phạm vi theo dõi của Ban.

Do thực hiện chức năng tham mưu giúp việc BCHTW nên khối tài liệu hình thành trong lĩnh vực hoạt động của các cơ quan này có một giá trị đặc biệt quan trọng. Nó phản ánh đầy đủ mọi sắc thái từ cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức Đảng trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Tài liệu của các Đảng uỷ trực thuộc TW: Đảng ủy Quân sự TW, Đảng ủy Công an TW, Đảng uỷ Dân Chính Đảng TW, Đảng uỷ khối các cơ quan TW, Đảng ủy khối các cơ quan kinh tế TW, Đảng ủy khối các cơ quan đối ngoại TW, Đảng uỷ các cơ quan khoa giáo TW, Đảng uỷ khối các cơ quan Dân vận TW, Đảng uỷ khối các cơ quan tư tưởng TW.

2. Tài liệu lưu trữ của Đảng ở địa phương Phông lưu trữ cấp ủy địa phương gồm một số loại khác nhau hình thành trước và sau ngày 02.9.1945 (đối với các cấp ủy phía bắc) và tài liệu hình thành trước và sau 1975 (đối với các cấp ủy phía nam). Thành phần bao gồm: Những tài liệu phản ánh hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; nội dung phản ánh tinh thần đấu tranh anh dũng của đảng viên và nhân dân ta trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước; phản ánh các mặt hoạt động của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố; sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, an ninh và quốc phòng, đối ngoại... tại địa phương.

2.1. Ở các Kho lưu trữ tỉnh, thành ủy có các phông lưu trữ sau:phông cơ quan lãnh đạo đảng cấp tỉnh (gồm tài liệu đại hội đại biểuđảng bộ tỉnh và tài liệu tỉnh ủy); các phông cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh, thành ủy; các phông đảng ủy trực thuộc tỉnh, thành ủy; các phông tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh; phông trường chính trị tỉnh; phông báo đảng tỉnh; phông tỉnh ủy, thành ủy đã giải thể; các phông cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh, thành ủy; các đảng ủytrực thuộc tỉnh, thành ủy; trường Đảng tỉnh đã giải thể và phông liên hợp các ban cán sự đảng cấp tỉnh.

2.2. Ở các kho lưu trữ huyện, quận, thị, thành ủy trực thuộc tỉnh, thành ủycó các phông lưu trữ sau:phông cơ quan lãnh đạo đảng cấp huyện (bao gồm tài liệu đại hiệu đạibiểu đảng bộ huyện, tài liệu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện); các phông cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy; phông trường chính trị huyện; phông liên hợp các đảng ủy (khối cơ quan) trực thuộc huyện ủy; các phông đảng bộ, chi bộ cơ sở (xã, phường, thị trấn); các phông tổ chức chính trị xã hội cấp huyện; phông đảng bộ huyện đã giải thể và các phông liên hợp các tổ chức chính trị xã hội cấp cơ sở trực thuộc.

Tóm lại, tài liệu Phông lưu trữ ĐCSVN có nội dung phong phú phản ánh lịch sử hoạt động của Đảng ta từ khi ra đời, lãnh đạo dân tộc ta hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và lãnh đạo công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước; phản ánh chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, giúp việc BCHTW, các Đảng ủy, Đảng Đoàn, Ban Cán sự Đảng các cơ quan nhà nước và đoàn thể TW.

Tài liệu lưu trữ Đảng là những tài liệu có giá trị nhiều mặt được hình thành trong quá trình hoạt động của Đảng ta, là di sản vô cùng quý giá của Đảng và của dân tộc. Đó là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, là nguồn sử liệu phong phú và quan trọng cho nghiên cứu lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc. Những thông tin quá khứ trong tài liệu lưu trữ của Đảng có thể giúp cho việc tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn phong phú của Đảng ta trong hơn 90 năm qua.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp. T.1, 2. NXB Sự thật, H., 1981.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4, 5, 6, 7. NXB Sự thật. Hà Nội – 1976 - 1991
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội - 1996.
  4. Hồ sơ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11 đến ngày 19.02.1951. Kho lưu trữ Trung ương Đảng. Phông số 5, MLHS số 1.
  5. Hồ sơ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III họp từ ngày 5 đến12.9.1960. Kho lưu trữ Trung ương Đảng. Phông số 7, MLHS số 1.
  6. Luật Lưu trữ - Luật số 01/2011/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 11.11.2011
  7. Quyết định số 270-QĐ/TW ngày 06.12.2014 của Ban Chấp hành trung ương quy định về Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam
  8. Văn bản hiện hành về công tác văn thư và công tác lưu trữ. NXB Lao động, H., 1996.