Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phòng trò chuyện

Phòng trò chuyện (hay Phòng chat,tiếng Anh Chat room) là không gian điện tử trên mạngInternet, nơi người dùng tham gia cuộc tròchuyện, chia sẻ ý tưởng hay thực hiện các hành động giao tiếp khác trong thời gian thực. Nói cách khác phòng trò chuyện là một phần của Internet, nơi mọi người có thể trò chuyện với nhau về chủ đề cụ thể, thông qua gửi tin nhắn.

Vào những năm 1990, phòng trò chuyện làm việc trong môi trường văn bản để mọi người cùng thảo luận về một chủ đề chung. Với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, vào cuối những năm 1990 cũng như nhiều công cụ truyền thông khác như mạng xã hội, email và IM (nhắn tin tức thời), v.v., phòng trò chuyện sử dụng các định dạng khác nhau, bao gồm khả năng chia sẻ video, chia sẻ tài liệu và bảng tương tác. Ngày nay, phòng trò chuyện còn được nhúng trong các ứng dụng trực tuyến khácnhau, bao gồm cả trong nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, v.v.

Phòng trò chuyện hoạt động như thế nào?[sửa]

Phòng trò chuyện làm việc trên hệ thống theo mô hình khách-chủ. Giao thức kết nối trực tuyến có thể là giao thức Internet Relay Chat (IRC), hỗ trợ trao đổi văn bản giữa khách-chủ.

Để có thể tham gia phòng trò chuyện, cần phải có chương trình nhắn tin trên máy người dùng (máy khách)như Yahoo! Messenger, AOL Instant Messenger (AIM). Các dịch vụ nhắn tin tức thời (xt. Nhắn tin tức thời) ngày nay thường bao gồm cả phòng trò chuyện. Cách tham gia khác, người dùng có thể tìm kiếm phòng trò chuyện phù hợp ý muốn trên Internet bằng trình duyệt web trên máy khách. Các dịch vụ Web (trên máy chủ) thường có tùy chọn phòng trò chuyện để người dùng lựa chọn. Khu vực phòng trò chuyện được chia thành các nhóm theo sở thích của người dùng, chủ đề của nó bao phủ hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, từ chủ đề thể thao, âm nhạc, sửa chữa xe oto, hỗ trợ kỹ thuật đến các vấn đề về tình cảm.

Hầu hết phòng trò chuyện đòi hỏi đăng nhập bằng tên người dùng (hoặc userID) và mật khẩu trước khi sử dụng. Sau khi đăng nhập, người dùng có thể nhập tin nhắn để bắt đầu hội thoại với những người khác trong phòng trò chuyện. Lần đầu tiên bước vào phòng trò chuyện, người dùng nên đọc những gì người khác đang nói để khỏi lạc đề và tuân thủ các qui tắc ứng xử. Với sự tiến bộ của công nghệ, nhiều phòng trò chuyện đã bổ sung các tính năng mới, cho phép sử dụng không chỉ văn bản theo cách truyền thống. Ví dụ phòng trò chuyện AIM cho phép người dùng thiết lập cuộc trò chuyện bằng âm thanh hay video với từng thành viên trong nhóm, hay gửi trực tiếp tin nhắn đến người dùng khác, kể cả người ngoài phòng trò chuyện.

Trong một số phòng trò chuyện có người điều hành để theo dõi nội dung của cuộc trò chuyện để tránh vi phạm các quy tắc ứng xử. Họ có thể tắt cuộc trò chuyện nếu nội dung được cho là không phù hợp. Ví dụ với phòng trò chuyện AOL, người điều hành đã phải đóng cửa cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề chính trị ở Ailen giữa hai người dùng để họ trở lại bình tĩnh. Họ có thể trừng phạt người sử dụng nếu vi phạm các qui tắc ứng xử.

Quy tắc ứng xử trong phòng trò chuyện[sửa]

Hầu hết phòng trò chuyện đều có qui tắc ứng xử để người dùng tuân theo. Các qui tắc thường được thông báo trước khi bước vào phòng chat hoặc trên trang web, biểu ngữ. Các qui tắc cơ bản bao gồm:

1. Không sử dụng ký tự được xem như là rác trong tin nhắn. Ví dụ khi vào phòng chat hãy gõ “Hi. ”, không gõ “Hi!!!”

2. Không sử dụng ngôn ngữ xúc phạm hay thô tục với ai đó về chủng tộc, tôn giáo, chính trị hay giới tính

3. Sử dụng các ký tự thông thường, không chỉ sử dụng các ký tự viết hoa (thể hiện tức giận) trong thông điệp. Ví dụ viết “Hello” thay “HELLO!”

4. Không độc quyền, chiếm giữ liên tục cuộc trò chuyện, hãy để mọi người cùng tham gia vì phòng trò chuyện là của mọi người . 5. Không mổ sẻ, bình luận các trang web hay phòng trò chuyện khác khi đang tham gia phòng trò chuyện

6. Không sử dụng phòng trò chuyện để quảng cáo thương mại hoặc gửi lặp đi lặp lại đầy màn hình cùng một tin nhắn

7. Không sử dụng đồng thời nhiều username, không mạo danh người dùng khác trong phòng trò chuyện.

Những người vi phạm các quy tắc trên có thể bị mời ra khỏi phòng chat hoặc bị cấm vĩnh viễn sử dụng phòng trò chuyện.

Phòng trò chuyện đã đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển của giao tiếp giữa các cá nhân qua mạng máy tính.

Lịch sử hình thành và phát triển[sửa]

Hệ thống chat đầu tiên với tên EMISARI do Murray Turoff phát triển tại đại học Berkeley, được chính phủ Hoa Kỳ sử dụng vào năm 1971.

Hệ thống trò chuyện trực tuyến công cộng đầu tiên với tên Talkomaticđược Doug Brown và David R. Woolley tạo ra vào năm 1973 tại Đại học Illinois. Nó được sử dụng rộng rãi vào giữa những năm 1980. Đến năm 2014, Talkomatic có phiên bản trên Web.

Năm 1980, giám đốc điều hành CompuServe Alexander Trevor đã phát triển CompuServe CB Simulator tại đại học Columbus (Ohio), một dịch vụ trò chuyện thời gian thực chuyên dụng đầu tiên và được phổ biến rộng rãi.

Vào giữa những năm 1980, công ty PlayNet đưa ra phần mềm kết hợp giữa trò chuyện trực tuyến và trò chơi trực tuyến. PlayNet đã cấp phép phần mềm của mình cho công ty Quantum Link (cg. Q-Link), là tiền thân của America Online (AOL). Vào những năm cuối 1990, phòng trò chuyện của AOL là phổ biến nhất thế giới.

Năm 1988, Jarkko Oikarinen tạo ra giao thức truyền tin mở Internet Relay Chat (IRC). Nó cho phép người sử dụng máy trạm IRC (vd. MIRC) kết nối với chat server (vd. Firefox) để trao đổi thông điệp dạng văn bản trong thời gian thực trên Internet.

Theo thống kê của Pew Internet & American Life Project thì có 55% tuổi vị thành niên và 28% người trưởng thành đang trên mạng Internet thì sử dụng phòng trò chuyện vào năm 2000. Nhưng đến năm 2005 những con số đó giảm xuống còn 18% tuổi vị thành niên và 17% người trưởng thành [4]. Với sự xuất hiện của nhiều dịch vụ trực tuyến dựa trên đồ họa, việc sử dụng phòng trò chuyện đang trở nên ít phổ biến hơn đặc biệt là đối với giới trẻ.

Cơ hội và thách thức[sửa]

Phòng trò chuyện tạo ra cơ hội gặp gỡ những người mới, với quan điểm khác nhau, dễ dàng tìm ra bạn bè cùng trang lứa, cùng sở thích và cùng mục đích. phòng trò chuyện cung cấp một cách thức học hỏi, trò chuyện và giao tiếp xã hội, nhưng nó cũng có nhiều mặt trái. Việc dễ dàng ẩn danh trong phòng trò chuyện dẫn đến việc người dùng lạm dụng hệ thống để thực hiện những hành vi sai trái, ví dụ, người dùng dễ dàng lăng mạ ai đó chỉ bởi một bất đồng nhỏ trong phòng chat. phòng trò chuyện được giới trẻ vị thành niên ưa thích, nhưng đây lại là môi trường dễ dẫn đến lạm dụng tình dục. Theo tạp chí Pediatrics, có đến 15% trẻ em từ 10 đến 15 tuổi nhận được "chào mời tình dục trực tuyến không mong muốn" vào năm 2007 [4]. Do vậy, bậc cha mẹ cần lưu ý con cái trò chuyện với ai trong các phòng trò chuyện. Hơn nữa, nếu người sử dụng có một thời gian dài trong phòng trò chuyện dẫn tới kỹ năng giao tiếp ngoài xã hội của họ sẽ kém đi.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Barney Warf, Encyclopedia of the Internet, SAGE Publications, 2018.
  2. George A. Barnett, Encyclopedia of social networks, SAGE Publications, 2011.
  3. Reda Alhajj, Jon Rokne, Encyclopedia of Social Network Analysis and Mining, Second Edition, Springer, 2014.