Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phòng ngừa loại ba

Phòng ngừa loại ba là tổng hợp các biện pháp chữa trị và phục hồi chức năng cho những bệnh nhân mắc phải căn bệnh mãn tính, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sống bình thường, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách giảm thiểu khuyết tật, hạn chế hoặc trì hoãn các biến chứng và tái hồi chức năng cơ quan bị tổn thương cho họ.

Phân Loại[sửa]

Phòng ngừa, (prophylaktikos - tiếng Hy Lạp cổ - bảo vệ) một tập hợp của nhiều loại biện pháp nhằm ngăn chặn một hiện tượng, hoặc loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Trong y học, dựa theo lịch sử phát triển của một căn bệnh, người ta phân ra năm giai đoạn: ủ bệnh, nhiễm bệnh, cận lâm sàng, lâm sàng và phục hồi (hay tàn tật, tử vong). Các biện pháp y tế dự phòng tương ứng được nhóm hợp thành các loại phòng ngừa khác nhau tương ứng với các giai đoạn phát triển nhất định của bệnh, nhằm ngăn ngừa sự phát triển của nó. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ bệnh hoặc mức độ bệnh lý, trong khoa học người ta phân ra ba loại phòng ngừa bệnh tật sau đây.

Phòng ngừa loại một[sửa]

Phòng ngừa loại một: hệ thống các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện và tác động của các yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh tật (tiêm chủng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, chất lượng dinh dưỡng, hoạt động thể lực, bảo vệ môi trường, v.v.). Phòng ngừa loại một nhằm mục đích ngăn ngừa bệnh tật hoặc thương tích trước khi nó xảy ra. Điều này được thực hiện bằng cách ngăn ngừa phơi nhiễm với các mối nguy hiểm gây ra bệnh tật hoặc thương tích, thay đổi các hành vi không lành mạnh hoặc không an toàn có thể dẫn đến bệnh tật hoặc thương tích và tăng khả năng chống lại bệnh tật hoặc thương tích.

Phòng ngừa loại hai[sửa]

Phòng ngừa loại hai: một tập hợp các biện pháp nhằm loại bỏ các yếu tố nguy cơ rõ rệt, trong những điều kiện nhất định (căng thẳng, suy yếu hệ thống miễn dịch, căng thẳng quá mức đối với bất kỳ hệ thống chức năng nào khác của cơ thể) có thể dẫn đến khởi phát, đợt cấp và tái phát bệnh. Phòng ngừa loại hai nhấn mạnh vào việc phát hiện bệnh sớm và mục tiêu của nó là những cá nhân đang có biểu hiện khỏe mạnh với các dạng cận lâm sàng của bệnh. Điều này được thực hiện bằng cách phát hiện và điều trị bệnh hoặc chấn thương càng sớm càng tốt để ngăn chặn hoặc làm chậm tiến trình của nó, khuyến khích các hành vi cá nhân để ngăn chặn tái phát.

Thực hiện các chương trình phục hồi chức năng đưa mọi người trở lại sức khỏe và chức năng ban đầu, ngăn ngừa bệnh chuyển sang mãn tính.

Phòng ngừa loại ba[sửa]

Phòng ngừa loại ba: một tập hợp các biện pháp để phục hồi chức năng cho những bệnh nhân đã có bệnh mãn tính nào đó làm giảm hoặc mất chức năng sống bình thường của họ. Phòng ngừa loại ba khác so với hai loại đầu tiên vì nó liên quan đến việc giảm tác dụng lâu dài của bệnh bằng cách giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng và các triệu chứng mãn tính có ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống người bệnh. Về thời gian, phòng ngừa loại ba nhằm vào cả giai đoạn lâm sàng và sau điều trị bệnh, nó hướng tới những bệnh nhân có triệu chứng sau điều trị và nhằm mục đích giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như bất kỳ di chứng nào liên quan tới bệnh. Các hình thức phòng ngừa loại ba thường là những nỗ lực phục hồi chức năng, các chương trình giúp người bệnh quản lý các vấn đề sức khỏe và chấn thương lâu dài, thường phức tạp (bệnh mãn tính, suy giảm chức năng vĩnh viễn) để cải thiện khả năng hoạt động, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của họ. Phòng ngừa loại ba cùng lúc nhằm đến nhiều mục đích:

  • Mục đích xã hội (xây dựng niềm tin vào sự phù hợp với xã hội của bản thân)
  • Mục đích lao động (khả năng khôi phục kỹ năng làm việc)
  • Mục đích tâm lý (phục hồi hoạt động, hành vi)
  • Mục đích y tế (phục hồi chức năng của các cơ quan và hệ thống cơ thể).

Nội dung[sửa]

Nội dung phòng ngừa loại ba bao gồm các công việc: dạy cho bệnh nhân và người nhà của họ kiến thức và kỹ năng liên quan đến một bệnh hoặc nhóm bệnh cụ thể; kiểm tra y tế cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và người khuyết tật, bao gồm kiểm tra y tế với mục đích đánh giá sự thay đổi của tình trạng sức khỏe và tiến trình của bệnh; thực hiện theo dõi thường xuyên và thực hiện các biện pháp phục hồi và cấp thuốc đầy đủ; tiến hành thích ứng y tế và tâm lý với các tình huống thay đổi của tình trạng sức khỏe, hình thành nhận thức và thái độ đúng đắn đối với các khả năng và nhu cầu thay đổi của cơ thể; thực hiện các hoạt động mang tính chất nhà nước, kinh tế, y tế và xã hội, nhằm giảm mức độ ảnh hưởng của các yếu tố rủi ro có thể thay đổi; bảo tồn khuyết tật còn sót lại và khả năng thích ứng trong môi trường xã hội; tạo điều kiện hỗ trợ cuộc sống tối ưu cho bệnh nhân và người khuyết tật (ví dụ: sản xuất dinh dưỡng y tế, thực hiện các quyết định về kiến trúc và quy hoạch, tạo điều kiện thích hợp cho người khuyết tật, v.v.).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Institute of Medicine, Reducing risks for mental disorders, Washington, DC: National Academy Press, 1994.
  3. Kottke T.E., Solberg L.I., Brekke M.L., Cabrera A., Marquez M.A., Delivery rates for preventive services in 44 midwestern clinics, Mayo Clin. Proc, 72 (6), 515 - 23, 1997.
  4. Last, J. M., A dictionary of epidemiology (4th ed.), New York: Oxford University Press, 2000.
  5. Smith R.A., Andrews K.S., Brooks D., Fedewa S.A., Manassaram-Baptiste D., Saslow D., Brawley 9.OW, Wender R.C., Cancer screening in the United States: A review of current American Cancer Society guidelines and current issues in cancer screening, CA Cancer J. Clin, 67 (2), 2017, pp. 100 - 121.
  6. Chung S., Romanelli R.J., Stults C.D., Luft H.S., Preventive visit among older adults with Medicare's introduction of Annual Wellness, Prev Med. Oct; 115, [PMC free article] [PubMed], 2018, pp. 110 - 118.