Phái Girondin là tên gọi của một nhóm chính trị quan trọng từng tham gia nắm quyền Quốc hội Cách mạng Pháp trong giai đoạn 1791-1793, nhưng cuối cùng thất bại bởi sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng Pháp.
Hoạt động và chiếm số đông trong Quốc hội Lập pháp (Legislative Assembly 1.10.1791 – 20.9.1792), và sau đó là Quốc ước/Hiệp hội dân tộc (National Convention 1792 – 20.6.1795). Cùng với phái Jacobin và phái Montagnards/The Mountain (nhóm Núi), họ tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại chế độ quân chủ ở Pháp. Là những người tranh chấp quyền lực với phái Núi trong việc khống chế Quốc ước từ mùa thu năm 1792 đến cuối tháng 5.1793. Không được coi là một đảng phái chính trị đúng nghĩa khi thiếu tính kỷ luật nghị trường và sự gắn kết chính trị cần thiết.
Lãnh đạo gồm Jacques Pierre Brissot, Jean Marie Roland, Madame Roland và Thomas Paine. Mục tiêu của phái là tiến hành một kế hoạch quân sự tham vọng để đưa cách mạng Pháp phát triển lên một tầm cao mới mang tính quốc tế. Kết cục là Brissot và Madame bị xử tử bởi phái Jacobin, Jean tự vẫn và Paine bị cầm tù sau khi phái Girondin thất thế.
Tên gọi ban đầu của phái đa dạng, khác nhau do chính những người lãnh đạo muốn nhóm chính trị này phải theo tên họ, bao gồm các tên phái Brissotins, phái Rolandins, và phái Buzotins. Girondins được biết đến rộng rãi hơn cả bởi các nhà sử học. Tên gọi Girondins được lấy từ nơi các thành viên chính của phái khởi xướng hoạt động là vùng Gironde của Bordeaux ở phía Tây Nam nước Pháp.
Ban đầu, phái này chỉ bao gồm một nhóm chính trị Brissotins trong Quốc hội Lập pháp (1791 - 9.1792), được lãnh đạo bởi Jacques-Pierre Brissot de Warville (1754 - 1793) cùng một số nhà chính trị khác đến từ vùng Girondin (Bordeaux). Phais có ảnh hưởng lớn trong câu lạc bộ Jacobin và cùng hợp tác với phái Jacobin để chống lại chế độ chuyên chế. Tháng 9.1792, các lãnh đạo phái Girondin đã thuyết phục những người đứng đầu việc thảm sát tù nhân ở Paris - lãnh đạo phái Núi (Maximilien Robespierre (1758 - 1794), Georges-Jacques Danton (1759 - 1794) và Jean-Paul Marat (1743 - 1793)) về việc cần xét xử công bằng cho những tù nhân này.
Được coi là những người thiên về lý thuyết và lý luận hơn là hành động thực tiễn, khó nắm bắt được những thời cơ và chuyển biến nhanh của cách mạng Pháp. Sau sự kiện bắt giam vua Louis XVI tháng 8.1792 và cuộc thảm sát tháng 9.1792, phái Girondin đã tách rời so với phái Jacobin và dần dần không còn nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân đang sục sôi cách mạng. Khi liên minh Áo - Phổ chuẩn bị tấn công Pháp để giải cứu Louis XVI, phái Girondin chủ trương tuyên bố chiến tranh nhằm giải phóng con người khỏi chế độ chuyên chế và kiểm chứng lòng yêu nước của vua Louis XVI. Phái Girondin ủng hộ cuộc cách mạng dân chủ ở Pháp, đồng thời muốn thực hiện các cuộc chiến tranh để thể hiện lòng yêu nước và phô trương sức mạnh của Pháp trước các cường quốc châu Âu.
Đề xuất tạm giam nhà vua và triệu tập Quốc ước nhưng phái Girondin không muốn lật đổ chế độ quân chủ. Lo lắng việc nền Cộng hòa được thiết lập sẽ thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng, khiến phái không kiểm soát nổi và mất dần quyền lực. Không muốn xử tử vua Louis XVI, nhưng phái Girondin không đủ số phiếu bầu trong Quốc hội để có thể thông qua một Hiến pháp mới xây dựng chế độ quân chủ lập hiến. Từ phái cấp tiến trong Quốc hội Lập pháp, Girondin đã trở thành nhóm bảo thủ trong Quốc ước (1792 - 1795). Chiếm đa số trong Quốc ước, phái Girondin cho rằng họ không thể bị đánh bại. Thắng lợi trong chiến tranh với Áo - Phổ giúp phái Girondin có thể giải tán công xã Paris. Họ chuẩn bị một bản hiến pháp mới, được gọi là dự án hiến pháp Girondin và trình trước Quốc ước tháng 3.1793 nhưng bất thành.
Bản kế hoạch của phái Girondin về việc thành lập đội quân bảo vệ Quốc ước (nhằm trấn áp ủy ban cách mạng và nhóm Jacobin) không được chấp nhận. Việc trừng phạt những người phản đối vụ thảm sát tháng 9.1792 bị từ chối. Tháng 10.1792, Bộ trưởng Bộ chiến tranh, Pache từ bỏ nhóm Girondin và gia nhập nhóm Jacobin. Phái Jacobin gắn liền với sự đi lên của cách mạng và tìm cách trục xuất phái Girondin khỏi Quốc hội. Được sự ủng hộ của Công xã Paris, các ủy ban cách mạng và lực lượng bảo vệ quốc gia của Paris, phái Jacobin đã trục xuất nhóm Girondin khỏi câu lạc bộ Jacobin.
Việc xét xử vua Louis XVI làm suy yếu nhóm Girondin khi họ muốn thương lượng với nhà vua để thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. Ngược lại, phía Jacobin muốn xử tử Louis XVI nên nhận được sự ủng hộ của quần chúng. Phái Girondin thành lập một ủy ban nhằm điều tra những âm mưu chống lại Quốc ước, thực chất là chống lại phái Jacobin. Phái Jacobin và công xã Paris đã giải tán ủy ban này ngày 31.5.1793, ép Quốc ước ban hành lệnh bắt 22 nghị sĩ phái Girondin ngày 2.6. Một loạt nhân vật trong phái Girondin bị bắt, một số khác trốn thoát khỏi Paris và tiến hành cuộc nội chiến bất thành. Tháng 7.1793, vụ ám sát Marat (thuộc phái Jacobin) dẫn đến sự suy yếu của phái Girondin. Ngày 28.7.1793, Quốc ước ra sắc lệnh trục xuất 21 nghị sĩ vì tội phản quốc, trong đó có 5 người Girondin. Họ bị đưa ra xét xử và chém đầu vào tháng 10.1793. Những người còn lại của phái Girondin cố gắng trở lại Quốc ước sau khi Robespierre bị ám sát ngày 27.7.1794, nhưng phải đến ngày 5.3.1795 nhóm này mới được tái thiết.
Tài liệu tham khảo[sửa]
1. A. Patrick, The Men of the first French Republic: Political Alignments in the National Convention of 1792 (Những quý ông trong nền cộng hòa đầu tiên của Pháp: Nền chính trị trong Quốc ước 1792), London, 1972. 2. G. Best, The Permanent Revolution: The French Revolution and its legacy, 1789-1989 (Cuộc cách mạng vĩnh cửu: Cách mạng Pháp và di sản của nó, 1789 – 1989), Chicago, 1989. 3. J. Israel, Revolutionary Ideas: An intellectual History of the French Revolution from the rights of Man to Robespierre (Những ý tưởng cách mạng: Lịch sử của những tinh hoa trong cách mạng Pháp từ Tuyên ngôn về nhân quyền cho đến Robespiere), Princeton, 2014.