Phá tề trừ gian là phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam phối hợp với các tổ chức bí mật của Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, nhân dân địa phương thực hiện trong vùng địch tạm chiếm thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bằng cách dùng sức mạnh tổng hợp làm tan rã, sụp đổ bộ máy chính quyền cơ sở nông thôn của địch.
Sau thất bại của cuộc tiến công lên Việt Bắc (1947), thực dân Pháp chuyển từ chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh kéo dài, quay về bình định củng cố vùng đã chiếm đóng, đồng thời mở rộng lấn chiếm vùng tự do, xây đồn bốt, tổ chức lập hội tề làm chỗ dựa và công cụ trực tiếp để thi hành các chính sách của địch ở thôn xã. Trước những chuyển biến của tình hình, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng (15-17.1.1948), nhận địch: cuộc kháng chiến có một chuyển biến lớn, chiến tranh sẽ thực sự diễn ra khắp nước, địch sẽ càn quét dữ dội hơn ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Nam Bộ, tìm cách củng cố các hội tề, các hội đồng an dân; chúng sẽ tổ chức thêm các chính quyền bù nhìn địa phương, âm mưu lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt. Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn hoạt động của thực dân Pháp trong việc lập chính quyền bù nhìn ở cơ sở, từng bước bình định địa bàn mà địch đã và sẽ chiếm đóng, ngày 19.1.1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị Phá hội tề, nêu rõ: hội tề là một tổ chức hành chính bù nhìn của giặc Pháp lập ra ở các làng trong vùng chúng kiểm soát. Chủ trương của Đảng đối với hội tề cũng như đối với các tổ chức bù nhìn khác của địch là phải tìm cách phá, đi đôi với củng cố chính quyền cách mạng trong vùng địch tạm chiếm. Phá tề phải được thực hiện khôn khéo và mềm mỏng. Khi thực dân Pháp chuẩn bị lập hội tề, cần ly gián những phần tử tay sai có khả năng theo Pháp, chọn những người trung kiên với cách mạng, kháng chiến “đồng chí càng hay” ra nhận lập hội tề. Khi hội tề được lập, trước tiên là thuyết phục sau là cảnh cáo, nếu không có kết quả thì sử dụng vũ lực, ngoài ra chính quyền kháng chiến phải bí mật tồn tại trong vùng địch kiểm soát và được củng cố để thực thi nhiệm vụ, lãnh đạo quần chúng giữ vững lòng tin.
Với quyết tâm “Đánh đổ chính quyền bù nhìn, củng cố cộng hòa dân chủ”, Phá tề trừ gian đã được các lực lượng vũ trang kết hợp với chính quyền và nhân dân các địa phương vận dụng sáng tạo, linh hoạt như: giáo dục thuyết phục những người trong ban hội tề không làm cho địch, bỏ trốn ra vùng giải phóng hoặc lợi dụng hội tề làm việc cho kháng chiến; tổ chức diệt trừ các phần tử tề, điệp gian ác; tuyên truyền, thuyết phục, lôi kéo những người phải nhận làm cho địch trở về với kháng chiến; tổ chức vũ trang tuyên truyền, tiến công đánh địch ở các làng tề phản động, phá tan hội tề, diệt lực lượng thân binh, làm trật tự xã hội ở cơ sở của địch bị rối loạn; phát động nhân dân nổi dậy chiếm trụ sở, giải tán các ban hội tề, thiết lập chính quyền kháng chiến; trong vùng địch tạm chiếm, lợi dụng hình thức hợp pháp của hội tề, để đưa cán bộ cách mạng, quần chúng cốt cán nhận lập hội tề để hoạt động kháng chiến, tạo điều kiện cho bộ đội, du kích tác chiến…
Phá tề trừ gian được tiến hành thường xuyên, liên tục, thực hiện thành từng đợt, tập trung và đồng loạt trên phạm vi toàn huyện, toàn tỉnh hoặc toàn miền. Trên địa bàn Liên khu 3, trong năm 1948 và đầu năm 1949 đã diễn ra hai đợt tổng phá tề trên quy mô toàn liên khu. Có đợt diễn ra trên 9 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (12.1948-1.1949), riêng Hà Nội đã phá 631 ban hội tề, bắt 1.429, diệt 64 phần tử tề, điệp gian ác, bức rút một số đồn bốt. Cuối năm 1948, các tỉnh Bình - Trị - Thiên tổ chức phá tề lần hai, giải tán 95% hội tề. Ngày 4.4.1949 và ngày 19.8.1949, tỉnh Quảng Nam đã mở đợt phá tề trong toàn tỉnh, bắt Tỉnh trưởng Hồ Ngận, diệt và bắt hơn 1.000 tề điệp, phá vỡ hệ thống chính quyền cơ sở của địch. Đến đầu năm 1949, đã có 693 xã trong tổng số 1.024 xã toàn Nam Bộ có chính quyền do nhân dân làm chủ. Kết hợp tiến công quân sự của lực lượng vũ trang với phong trào quần chúng, nhiều bộ máy ngụy quyền ở cơ sở bị phá vỡ, nhiều sinh lực địch bị tiêu diệt, hệ thống chiếm đóng của Pháp bị thu hẹp, vùng tự do được mở rộng, hậu phương kháng chiến được xây dựng, phát triển vững mạnh, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Phá tề trừ gian được lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam Việt Nam kế thừa, phát triển ở trình độ cao hơn với những hình thức và phương pháp phong phú như: đồng khởi; diệt ác, phá kìm; phá ấp chiến lược… thúc đẩy phong trào nổi dậy của nhân dân, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, 1992, tr. 92.
- Bộ Quốc phòng, Lịch sử Kháng chiến chống Pháp, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 313-317.
- Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Việt Nam thời kỳ kháng chiếng chống Pháp 1945-1954, những sự kiện, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1997.
- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb Sách Giáo khoa Mác- Lênin, 1998.
- Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002.
- Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2005, tr. 162-169 và 240-261;
- Trần Văn Thức: Phá hội tề, chỉ thị quan trọng của Đảng đối phó với chính quyền cơ sở của địch, Tạp chí Lịch sử quân sự Việt Nam.