Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Park Chung-hee
Park Chung-hee(1917 - 1979)
Kim Chae-gyu

Park Chung-hee (1917 - 1979) là Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc, giữ bốn nhiệm kỳ Tổng thống (từ 17.12.1963 đến 26.10.1979), là người sáng lập nền Cộng hòa thứ Ba của Hàn Quốc. Park Chung-hee là Tổng thống trẻ tuổi nhất và giữ cương vị này lâu nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại. Ông sinh năm 1917 tại Gumi, mất năm 1979 tại Seoul.

Park Chung-hee tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Deagu và trở thành giáo viên ở Trường Mungyeong. Sau khi Nhật Bản phát động xâm lược toàn Trung Quốc (1937), Park Chung-hee quyết định gia nhập Học viện Quân sự Changchun thuộc Quân đội Hoàng gia Mãn Châu. Thời gian này ông lấy tên Nhật là Takagi Masao. Tốt nghiệp năm 1942, ông tiếp tục theo học tại Học viện Quân đội Hoàng gia Nhật Bản và kết thúc khóa học vào năm 1944. Sau đó, ông được cử đến Quân đoàn Bộ binh Mãn Châu số 8 với quân hàm Thiếu úy.

Khi Nhật Bản rút khỏi Triều Tiên, ông đến Bắc Kinh và cùng với những người lính Triều Tiên khác tạo thành một đơn vị trong lực lượng quốc phòng của Nam Triều Tiên. Tháng 9.1946, ông là học viên khóa 2 của Học viện Quân sự Triều Tiên và trở thành sĩ quan của quân đội Nam Triều Tiên mới được thành lập dưới sự chỉ huy của Quân đội Mỹ. Tháng 10.1948, ông được cử đi trấn áp cuộc bạo loạn Yoesu-Suncheon của quân đội nhưng bị bắt và trở thành mục tiêu trừng phạt, vì từng là thành viên chính thức của Đảng Công nhân Triều Tiên. Ông bị kết án tử hình, sau đó giảm xuống 20 năm tù và được tha bổng vì cung cấp các thông tin liên quan đến đảng này. Sau khi ra tù, ông được bổ nhiệm Giám đốc các hoạt động quân sự và tình báo ở trụ sở chính của quân đội.

Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ đã tạo cơ hội thăng tiến trong quân đội của ông: được phong Trung tá (tháng 9.1950), Đại tá (tháng 4.1951), Chuẩn tướng (cuối năm 1953), được đi huấn luyện sáu tháng tại căn cứ Fort Sill (Mỹ). Sau khi về nước, ông đứng đầu Trường Pháo binh của Quân đội và chỉ huy Sư đoàn 5 và Sư đoàn 7 trước khi được phong Thiếu tướng (năm 1958). Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Quân đoàn số 1 và trở thành người đứng đầu Bộ Tư lệnh Quận 1 và Quận 6 của Hàn Quốc, nơi được giao trọng trách bảo vệ Seoul. Năm 1960, Park Chung-hee giữ chức chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hậu cần Pusan, Tham mưu trưởng Tác chiến của Quân đội Hàn Quốc, Phó Tư lệnh của Tập đoàn quân số 2. Do đó, thời điểm này, ông là một trong những nhân vật quyền lực và có ảnh hưởng nhất trong quân đội. Ngày 19.4.1960, cuộc cách mạng của sinh viên phản đối gian lận trong bầu cử đã tạo cơ hội cho Park Chung-hee thực hiện đảo chính.

Ngày 16.5.1961, dưới danh nghĩa Trung tướng Chang Do-young, ông thực hiện cuộc đảo chính và chuyển kiểm soát của chính quyền dân sự sang Hội đồng tối cao của chính quyền quân sự do ông Chang đứng đầu. Khi chiếm được Seoul và ổn định tình hình quân sự, Park Chung-hee tìm cách đảm bảo sự ủng hộ của Mỹ và bắt đầu loại trừ các lãnh đạo trong chính quyền quân sự, thanh trừng các chính trị gia dân sự “tha hóa” để thâu tóm quyền lực. Tháng 7.1961, ông thay thế Chang Do-young giữ chức Chủ tịch Hội đồng tối cao, trở thành “nhà độc tài thực tế” của Hàn Quốc. Dưới sức ép của Tổng thống Mỹ Kennedy, Park Chung-hee phải khôi phục chính quyền dân sự. Sau khi Tổng thống Yun Bo-seon từ chức, ông trở thành quyền Tổng thống vào tháng 3.1962. Ngày 26.12.1962, cuộc trưng cầu dân ý để thông qua Hiến pháp thành lập nền Cộng hòa thứ Ba diễn ra. Park Chung-hee giải ngũ, thành lập Đảng Dân chủ Cộng hòa và đủ tư cách tranh cử dân sự trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 10.1963. Ông đã chiến thắng và trở thành Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 17.12.1963, chính thức thành lập nền Cộng hòa thứ Ba. Tuy nhiên, Chính phủ này thực chất là sự tiếp nối của chế độ độc tài quân sự thời kỳ trước, do thành phần chủ yếu là các thành viên cũ của Hội đồng Tối cao. Park Chung-hee tái đắc cử Tổng thống vào các năm 1967, 1971. Năm 1972, ông cho tiến hành cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc tán thành sửa đổi Hiến pháp lần thứ bảy, cho phép Park Chung-he nắm quyền Tổng thống suốt đời.

Trong thời gian giữ cương vị Tổng thống (gần 18 năm tính cả thời gian tạm quyền từ 1962 đến 1963), Park Chung-hee có đóng góp lớn nhất trên phương diện kinh tế. Ông là “tác giả”, người đã trực tiếp khởi xướng và dẫn dắt Hàn Quốc tạo ra “Kỳ tích sông Hán”. Đây là thời kỳ Hàn Quốc phát triển nhanh chóng về mọi mặt, từ một đất nước bị tàn phá sau Chiến tranh Triều Tiên và trì trệ dưới thời Cộng hòa thứ Hai, trở thành một trong những con Rồng kinh tế của châu Á. Tốc độ phát triển này được duy trì cho đến khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997. Park Chung-hee đã học tập mô hình kinh tế của Liên Xô, đưa ra các Kế hoạch 5 năm vào các năm 1962, 1967, 1972, 1977, thực hiện xây dựng nền kinh tế Hàn Quốc qua hai giai đoạn: công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu và công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu. Ông đã đặt nền móng căn bản cho nền công nghiệp hiện đại của Hàn Quốc với trọng tâm là công nghiệp hóa chất và thép, xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích sự phát triển của các tập đoàn lớn (cheabol), tăng GDP đầu người từ 83 USD (năm 1962) lên 1.000 USD (năm 1977), cải thiện nhanh chóng đời sống của nhân dân Hàn Quốc. Về đối ngoại, đóng góp lớn nhất của Park Chung-hee là việc bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản (tháng 6.1965) và thiết lập quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ thông qua Hiệp ước tháng 7.1966.

Bên cạnh đó, Park Chung-hee là Tổng thống bị chỉ trích nhiều nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại: xây dựng chế độ độc tài mà ông gọi là “dân chủ được hướng dẫn” hay “dân chủ hạn chế” và “sự cai trị kiên quyết”, loại bỏ và đàn áp các phong trào đấu tranh dân chủ, thủ tiêu nhiều quyền con người. Về đối ngoại, ông bị chỉ trích chủ yếu vì hai vấn đề: thứ nhất, chấp nhận bình thường hóa quan hệ trong khi chính phủ Nhật Bản chưa đưa ra lời xin lỗi chính thức về các tội gây ra trong thời kỳ chiếm đóng, đặc biệt là vấn đề “phụ nữ giải khuây”; thứ hai, gửi quân đội sang tham chiến ở Việt Nam với tư cách đồng minh của Mỹ, gây ra các tội ác chiến tranh, tiêu biểu là các vụ thảm sát ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Ngày 26.10.1979, Park Chung-hee bị Kim Chae-gyu - Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc bắn chết, kết thúc nền Cộng hòa thứ Ba. Ông được tổ chức lễ tang cấp quốc gia lần đầu tiên ở Hàn Quốc vào ngày 3.11.1979. Ông được tôn vinh là “Tổng thống vĩ đại nhất” trong lịch sử Hàn Quốc trong một cuộc khảo sát vào năm 2015. Park Chung-hee nhận được rất nhiều giải thưởng và vinh danh ở trong nước và nước ngoài. Con gái của ông Park Geun-hye trúng cử vào năm 2012 và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. You Yong-tae, Park Jin-woo, Park Tea-gyun, Một góc nhìn Đông Á cận hiện đại, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011.
  2. Kim Byung-kook, Ezra F. Vogel, Kỷ nguyên Park Chung-hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.
  3. Lê Tùng Lâm, Hàn Quốc dưới chế độ độc tài phát triển Park Chung-hee (1961 - 1979), NXB Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, 2020.
  4. Lee Byeong-Cheon, Developmental Dictatorship and The Park Chung-hee Era: The Shaping of Modernity in the Republic of Korea, Homa & Sekey Books, 2005. (Lee Byeong-Cheon, Chế độ độc tài phát triển và Kỷ nguyên Park Chung-hee: Định hình tính hiện đại của Hàn Quốc, Homa & Sekey Books, 2005)
  5. Kim Hyung-a, Clark W. Sorensen, Reassessing the Park Chung Hee Era, 1961-1979: Development, Political Thought, Democracy, and Cultural Influence, Center For Korea Studies Publications, 2011. (Kim Hyung-a, Clark W. Sorensen, Nhìn lại Kỷ nguyên Park Chung-hee, 1961 – 1979: Sự phát triển, tư duy chính trị, dân chủ và ảnh hưởng văn hóa, Trung tâm Xuất bản Nghiên cứu Hàn Quốc, 2011)
  6. Lee Chong-sik, Park Chung-Hee: From Poverty to Power, KHU Press, 2012. (Lee Chong-sik, Park Chung-hee: Từ nghèo đói đến quyền lực, KHU, 2012).