Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Otto Đại đế
Otto the Great.jpg

Otto Đại đế (912 - 973) một trong những vị vua lừng lẫy nhất Tây Âu trung đại sau thời kỳ của Charlemagne. Ông là vua Đức từ năm 936 và Hoàng đế La Mã Thần thánh từ năm 962 cho đến khi ông qua đời năm 973, cg. Otto I.

Otto sinh ngày 23.11.912, là con trai cả của Công tước xứ Sachsen, Henry the Fowler và người vợ thứ hai Matilda, con gái của Dietrich of Ringelheim, một bá tước người Saxon ở Westphalia. O có bốn anh chị em là Hedwig, Gerberga, Henry và Bruno.

Ông thừa kế Công quốc Sachsen và vương quyền của người Đức sau cái chết của cha mình vào năm 936. Ông tiếp tục công việc của cha mình là thống nhất tất cả các bộ tộc Đức thành một vương quốc duy nhất và mở rộng đáng kể quyền lực của nhà vua. Thông qua các cuộc hôn nhân chiến lược, Otto đã gài các thành viên trong gia đình mình vào các công quốc quan trọng nhất của vương quốc. Đến năm 947, ông đã đưa công quốc Franconia dưới quyền cai trị trực tiếp của mình và giao Lorraine, Swabia và Bavaria cho các thành viên trong gia đình. Điều này đã làm giảm các công tước, những người trước đây đồng cấp với nhà vua, xuống còn các thần dân dưới quyền của ông.

Bắt đầu từ cuối những năm 940, Otto đã chuyển đổi Giáo hội Công giáo La Mã ở Đức để củng cố quyền lực hoàng gia và đặt các giáo sĩ dưới sự kiểm soát của ông. Liên quan đến "quyền thiêng liêng" của mình để cai trị, ông xem mình như người bảo vệ của Giáo hội. Một yếu tố quan trọng của việc tái tổ chức hành chính là việc bố trí các giáo sĩ vào các văn phòng thế tục, chủ yếu là các giám mục và tu viện trưởng. Otto ban cho các giám mục và tu viện trong vương quốc của mình nhiều đặc ân, bao gồm đất đai và các đặc quyền của hoàng gia, chẳng hạn như quyền đánh thuế và duy trì quân đội. Trên những vùng đất của Giáo hội này, các nhà chức trách thế tục không có quyền đánh thuế cũng như quyền tài phán pháp lý. Điều này đã nâng nhà thờ lên trên các công tước và cam kết các giáo sĩ của mình phục vụ với tư cách là chư hầu riêng của nhà vua. Để ủng hộ Giáo hội, Otto đã bắt buộc tất cả người dân nước Đức phải nộp thuế thập phân.

Sau khi dập tắt một cuộc nội chiến ngắn giữa các công quốc nổi loạn, Otto đã đánh bại quân Magyars trong trận Lechfeld vào năm 955, do đó kết thúc các cuộc xâm lược của Hungary vào Tây Âu. Chiến thắng chống lại Magyars ngoại giáo đã mang lại cho Otto danh tiếng như một vị cứu tinh của Kitô giáo và đảm bảo quyền lực của mình trên vương quốc. Đến năm 961, Otto chinh phục Vương quốc Italia. Theo gương Charlemagne đăng quang "Hoàng đế của người La Mã" vào năm 800, Otto được Giáo hoàng John XII phong ngôi Hoàng đế La Mã Thần thánh vào năm 962 tại Rome. Đế quốc Thần thánh tuy mang danh nghĩa là kế tục đế quốc Charlemagne, nhưng không thể so sánh được với đế quốc Charlemagne. Lãnh thổ của đế quốc Thần thánh chỉ gồm có Vương quốc Đức, Italia, Bohemia, Burgundy, nó không hề có một có một chính quyền tập trung, hoàng đế không bao giờ khống chế được các lãnh chúa địa phương, hoàng đế chỉ giữ chức vị tôn chủ tối cao một cách hình thức.

Từ năm 965, sự nghiệp của Otto được đánh dấu bằng những cuộc xung đột với Giáo hoàng và những cuộc đấu tranh để ổn định quyền cai trị của ông ở Italia. Otto tìm cũng cách cải thiện quan hệ với Đế chế Byzantine, nơi phản đối việc ông tuyên bố trở thành hoàng đế và việc mở rộng lãnh thổ của ông về phía nam. Để giải quyết xung đột này, công chúa Byzantine Theophanu kết hôn với con trai của ông là Otto II vào tháng 4.972. Cuối cùng Otto trở về Đức vào tháng 8.972 và qua đời tại Memleben vào tháng 5.973. Otto II kế vị ông làm Hoàng đế La Mã Thần thánh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đặng Đức An (chủ biên), Lại Bích Ngọc, Đại cương Lịch sử thế giới Trung đại, Tập 1, Phương Tây, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.
  2. Kay Slocum (Vĩnh Khoa dịch), Văn minh Trung Cổ, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012.
  3. Dictionaire de langue francaise Encycloédie et Noms propres (Từ điển tiếng Pháp Bách khoa toàn thư và tên riêng), Hachette, pour les oeuvres d’art, France, 1989.
  4. https://www.britannica.com/biography/Otto-I ngày truy cập 15 tháng 11 năm 2020.
  5. https://www.encyclopedia.com/people/history/modern-greek-history-biographies/otto-i-holy-roman-empire ngày truy cập 30 tháng 11 năm 2020.