Mục từ này cần được bình duyệt
Nha tổng giám đốc bưu điện

Nha tổng giám đốc bưu điện cơ quan Trung ương của ngành Bưu điện Việt Nam (thời kỳ 1945-1948), thuộc Bộ Giao thông Công chính; có hai giai đoạn chuyển đổi căn bản về tổ chức và phương thức hoạt động.

Từ 8.1945 đến 6.1947: sau khi thu nhận, giữ nguyên hình thức tổ chức cũ của Nha Tổng Giám đốc Bưu điện Đông Dương,nhằm tạo điều kiện để ngành Bưu điện sớm đi vào hoạt động ổn định, kịp thời phục vụcác cơ quan công sở và nhân dân, bảo vệ chính quyền cách mạng. Ở cấp Trung ương có Nha Tổng Giám đốc Bưu điện; cấp vùng,miền, có Nha Giám đốc Bưu điện Bắc Bộ và Nha Giám đốc Bưu điện Nam bộ; cấp tỉnh, thành phố, cóTy Bưu điện. Tại Bưu cục Sài Gòn-Chợ Lớn (8.1945), có 100 người; Bưu cục Hải Phòng có 50 người; Bưu cục Nam Định, Vinh, mỗi nơi có 20 người. Các bưu điện tỉnh lỵ, thị xã, có từ 10 người trở xuống. Sở Vô tuyến điện Đông Dươngcủa chế độ cũ, có nhiệm vụ thu tin, phát tin và là một ngành riêng, không nằm trong ngành Bưu điện. Sau khi chính quyền cách mạng thu nhận (phần thuộc Việt Nam), được hợp nhất vào ngành Bưu điện; đến 11.1945, chuyển sang Bộ Quốc phòng.

Tổ chức hoạt động nghiệp vụ

Các cơ sở Bưu điện dựa vào các tổ chức viên chức cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc,... lựa chọn những người hoạt động tích cực, có tinh thần dân tộc, yêu nước trong hàng ngũ công nhân viên chức cũ, giao cho họ phụ trách các nghiệp vụ bưu phẩm, bưu kiện, chuyển tiền, vận chuyển thư-báo, điện báo, điện thoại. Các cửa giao dịch của Bưu điện ở các tỉnh, thành phố, thị xã đã mở cửa tiếp nhân dân và phục vụ các cơ quan công sở kịp thời. Bưu điện nhận phát thư bưu phẩm ghi số, bưu kiện, chuyển tiền, điện báo và tiếp thông đàm thoại trong, ngoài tỉnh, ngay sau khi chính quyền về tay nhân dân.Bước sang năm 1946, mạng lưới thông tin liên lạc được tăng cường về trang thiết bị, nhân lực, để phục vụ cuộc kháng chiến toàn quốc. Cả nước được chia làm mười hai chiến khu. Bưu điện Hà Nội (thuộc Chiến khu 11), đã thiết lập mạng điện thoại, điện báo tương đối ổn định, phục vụ Đảng, Chính phủ trong việc chỉ đạo cả nước chuẩn bị kháng chiến. Ở Nam Bộ, có 3 chiến khu (7, 8, 9). Ngay sau khi thực dân Pháp gây hấn (23 tháng 9 năm 1945), Ủy ban Cách mạng Nam Bộ đã tiến hành tổ chức các Ban Giao thông liên lạc gọi tắt là Giao liên để chuyến công văn, tài liệu phục vụ chiến đấu ở các mặt trận, gấp rút tổ chức các đường thư ở vùng chiến khu phục vụ kháng chiến lâu dài. Mạng vô tuyến điện được tổ chức để giữ liên lạc với Trung ương và Ủy ban Cách mạng Trung Bộ. Lực lượng cách mạng trong ngành lúc này còn nhỏ bé, nhưng được tổ chức chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu phục vụ của chính quyền cách mạng các cấp và chuẩn bị đảm đương nhiệm vụ thông tin liên lạc trong thời chiến. Trong thời gian này, các hệ thông tin liên lạc mới của Đảng và của quân sự cũng được thành lập với nhiệm vụ: truyền đưa công văn, tài liệu, điện tín cơ mật của Đảng, Chính phủ, quân đội; tổ chức việc đưa đón cán bộ qua lại các chiến khu và vùng căn cứ cách mạng. Một số ngành, đoàn thể cũng tổ chức lực lượng thông tin liên lạc riêng. Tháng 2.1946, thành lập Ban Vô tuyến điện Trung ương và Ban Giao thông Trung ương để tổ chức các đường thư, vận chuyển công văn tài liệu của Trung ương Đảng, Chính phủ đến các Xứ ủy, Tỉnh ủy trong cả nước. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19 tháng 12 năm 1946), ngành Bưu điện tập trung phục vụ việc chỉ huy và lãnh đạo của mặt trận các địa phương và liên khu. Thành phố Hà Nội có ba Liên khu trong nội thành và năm Liên khu ngoại thành. Sau gần hai tháng bám trụ giam chân địch, lực lượng thông tin liên lạc Hà Nội đã khắc phục mọi khó khăn, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo phục vụ kịp thời việc chỉ huy và lãnh đạo của mặt trận Hà Nội. Ban Giao thông liên lạc Liên Khu I,gồm có một tiểu đội nam, một tiểu đội nữ, gần bốn mươi thiếu niên làm liên lạc; phương tiện thông tin liên lạc là giao thông chạy bộ và một điện đài 15W; đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 1) đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong khu với các phòng tuyến chiến đấu; 2) tiếp tế lương thực, thực phẩm cho lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ đang chiến đấu; 3) đưa đón cán bộ, đồng bào đi tản cư và các lực lượng chiến đấu ở Liên khu I tập kết ở địa điểm an toàn. Tại mặt trận Nam Định, Liên khu IV, Thanh Hóa, Quảng Bình,... Ban giao thông liên lạc các tỉnh đã có nhiều sáng kiến trong tổ chức mạng lưới bưu chính. Ở Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa,... lực lượng giao thông liên lạc đã bám sát từng bước tiến của địch, tổ chức thông tin liên lạc thông suốt. Ở Nam Bộ, cùng với xây dựng, củng cố và mở rộng mạng lưới giao liên, mạng lưới vô tuyến điện cũng được thiết lập. Với sáng kiến của các anh em kháng chiến, đã tổ chức lắp ráp được nhiều bộ máy thu phát có chất lượng tốt. Trường Vô tuyến Hành chính Nam Bộ được thành lập; đội ngũ báo vụ viên, hiệu thính viên được đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Từ 6 năm 1947 đến 5 năm 1948, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, Bộ Giao thông Công chính đã ban hành Nghị địnhsố 335/NĐ, ngày 26.6.1947 tổ chức lại ngành Bưu điện: ở Trung ương có Nha Tổng Giám đốc, dưới Nha Tổng Giám đốc có ba Nha Giám đốc ở ba miền: Nha Giám đốc Bắc bộ, Nha Giám đốc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên) và Nha Giám đốc Miền Nam. Cuối năm 1947, Ngành Bưu điện đã xem xét lại toàn bộ hệ thống bưu chính-điện chính; chủ yếu là đường thư, đường điện từ Việt Bắc đến các khu; đề ra kế hoạch củng cố các trạm dọc đường trục; trang bị thêm phương tiện cho giao thông viên, điện tuyến viên, tạo điều kiện làm việc để đảm bảo đường thư, đường điện thoại giữ được liên lạc từ Trung ương đến các khu, tỉnh trong vùng kháng chiến.

Sau chiến dịch Thu-Đông năm 1947, Bộ Giao thông Công chính đã chủ động thực hiện việc chuyển đổi theo hướng:ngành Bưu điện tổ chức hệ thống dọc,theo phân chia khu kháng chiến của Chính phủ. Đầu năm 1948, bãi bỏ ba Nha Bưu điện (Bắc Bộ, Trung Bộ, Miền Nam), thành lập các Liên khu Bưu điện. Ty Bưu điện tỉnh trực thuộc Khu Bưu điện. Tổ chức Bưu điện cũ đã hoàn toàn thay đổi; phương pháp chỉ đạo chuyên môn và phương pháp làm việc từ Nha Bưu điện đến các khu tỉnh, được chặt chẽ hơn, thích hợp hơn trong hoàn cảnh kháng chiến. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cùng tồn tại hai tổ chức, hai mạng lưới thông tin liên lạc: Bưu điện và Ban Giao thông Trung ương, đã làm cho tổ chức thông tin liên lạc không đủ mạnh để đáp ứng đòi hỏi của cuộc kháng chiến ngày càng cao. Khi Trung ương Đảng quyết định hợp nhất các khu thành liên khu (20.1.1948) và triển khai nghiên cứu việc thống nhất, chấn chỉnh hệ thống giao thông liên lạc toàn quốc, tháng 5.1948, Bộ Giao thông Công chính ra Quyết định hợp nhất tổ chức Bưu điện với Ban Giao thông Trung ương, lấy tên là Nha Bưu điện Việt Nam, nhằm thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với ngành Bưu điện, làm cho ngành Bưu điện trở thành một cơ quan đủ tư cách đại diện Nhà nước thống nhất quản lý, điều hành ngành thông tin liên lạc trong cả nước. Nha Tổng Giám đốc Bưu điệnđã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 159-160.
  2. Hồ Chí Minh,Toàn tập,tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 503.
  3. Lịch sử Bưu điện Việt Nam tập II ( thời kỳ 1954-1976)(sơ thảo), Nxb. Bưu điện, Hà Nội, tháng 12.1998.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.33-34.
  5. Lịch sử Bưu điện Việt Nam tập I (thời kỳ 1945-1954)(tái bản có bổ sung, chỉnh sửa), Nxb. Bưu điện, Hà Nội, tháng 8.2002.