Mục từ này cần được bình duyệt
Nha bưu điện trung bộ

Nha bưu điện trung bộ cơ quan trực thuộc Nha Tổng Giám đốc Bưu điện (giai đoạn 1947-1948), được thành lập theo Nghị định số 335/NĐ, ngày 28.6.1947 của Bộ Giao thông Công chính.Trước ngày 28 tháng 6 năm 1947, thuộc địa phận quản lý của Nha Bưu điện Bắc Bộ ( xt.:NhaBưu điện Bắc Bộ). Sau ngày 28 tháng 6 năm 1947, thực hiện Nghị định số 335/NĐcủa Bộ Giao thông Công chính, về việc tổ chức lại ngành Bưu điện, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, đặt ba Nha Bưu điện ở ba miền (với các tên gọi: Nha Bưu điện Bắc Bộ, Nha Bưu điện Trung bộ và Nha Bưu điện Miền Nam), trở thành đơn vị trực thuộc Nha Tổng Giám đốc Bưu điện; địa phận phụ trách được xác định: “từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế” (nay là đất các tỉnh thuộc Bắc Trung bộ, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ); nhiệm vụ của NBĐTB là tham gia củng cố các trạm dọc đường trục, đảm bảo đường thư, đường điện thoại giữ được liên lạc từ Trung ương đến các khu, tỉnh trong vùng kháng chiến và phục vụ chiến dịch.

Tổ chức bảo vệ mạng lưới thông tin liên lạc, chống địch đánh chiếm ồ ạt: Sau khi chiếm được Đồng Hới (27.3.1947), địch tiến hành đánh chiếm các huyện trong tỉnh Quảng Bình một cách ồ ạt. Tuy trang thiết bị còn ít ỏi, chỉ có hai tổng đài từ thạch hai mươi số, máy điện thoại loại sản xuất từ năm 1910, dây “xúp” nhiều cỡ,… nhưng lực lượng Bưu điện Đồng Hới đã tổ chức kết nối, di chuyển kịp thời, đảm bảo liên lạc phục vụ theo yêu cầu của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến tỉnh. Lãnh đạo bộ phận giao thông liên lạc mật và Ban Giao thông liên lạc đã triển khai việc chắp nối liên lạc với các huyện trong tỉnh và bắt liên lạc với tỉnh Quảng Trị. Khi địch đánh chiếm ồ ạt từ Nam ra Bắc, quyết chia cắt mọi đường liên lạc, vận chuyển giữa hai miền Nam-Bắc, qua địa phận Quảng Bình, lực lượng giao thông liên lạc tỉnh đã bí mật, cấp tốc mở tuyến liên lạc nằm sâu trong vùng núi, tránh tầm đại bác của địch, chuẩn bị mở đường cho các cơ quan tỉnh chuyển ra Tuyên Hóa và làm đầu mối thông tin liên lạc toàn vùng. Được sự giúp đỡ của nhân dân, tuyến liên lạc Bồng Lai-Ba Rền-Thuận Đức-U Bò-Liên U,… đã được mở. Ban Giao thông liên lạc tỉnh đã tổ chức các trạm liên lạc kết hợp với vận tải, thành một tuyến trục Bắc Nam nối liền các huyện trong tỉnh, nối thông liên lạc với Hà Tĩnh và Liên khu IV. Khi địch phong tỏa toàn tỉnh Quảng Bình, việc liên lạc bằng hữu tuyến giữa Quảng Trị với các tỉnh phía Bắc hoàn toàn bị cắt đứt, Quảng Trị trở nên bị cô lập, tất cả các cơ quan Nhà nước giải tán, chỉ còn lại Ủy ban Kháng chiến hành chính các cấp và lực lượng vũ trang. Tháng 5.1947, Bưu điện Quảng Trị giải tán, thay vào đó là Trạm liên lạc của Ủy ban Kháng chiến. Sau khi Ban Giao thông liên lạc mới được thành lập, các tuyến thông tin liên lạc được xây dựng lại. Đầu năm 1948, trên trục đườngBắc-Nam, việc liên lạc với Quảng Bình ở phía Bắc và Thừa Thiên ở phía Nam đã được nối thông. Ngoài tuyến chính, trục liên lạc Bắc-Nam đi qua Quảng Trị, còn có hai tuyến dự bị: tuyến phía trên, nằm sâu trong rừng rậm và chỉ dùng khi có công việc khẩn cấp; tuyến phía dưới ở vùng đồng bằng, tuy rút ngắn được một nửa thời gian hành trình, nhưng phải đi qua nhiều bản làng có tề ngụy và đồn bốt giặc, rất nguy hiểm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, kẻ địch điên cuồng tìm cách phá hoại, nhưng mạng lưới thông tin liên lạc vẫn được giữ vững, việc đưa cán bộ luồn sâu vào vùng địch hậu hoạt động được an toàn.

Thừa Thiên là trung tâm đầu não của chế độ thực dân-phong kiến, phải đương đầu với sự phá rối, lấn chiếm của kẻ thù ngay từ những ngày đầu cách mạng mới thành công. Khi tình hình chiến sự xảy ra quá nhanh, các cơ quan và lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính sơ tán lên chiến khu không đúng như kế hoạch đề ra, khiến cho việc tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Tháng 4.1947, Ban Giao thông liên lạc kháng chiến được thành lập, đã nhanh chóng nối thông tuyến liên lạc Bắc-Nam và chọn địa điểm đặt các trạm mở tuyến giao liên liên tỉnh. Cuối năm 1947, Ban Kiều lộ được thành lập, có nhiệm vụ tìm địa điểm, lập trạm, mở đường trên trục liên, nội tỉnh và mở thêm các tuyến dự phòng: đường thượng (nằm sâu trong rừng núi); đường trung (nằm giữa vùng giáp ranh chiến khu và vùng địch hậu); đường hạ (luồn sâu vào vùng địch kiểm soát). Các tuyến đường luôn được nắn lại để rút ngắn thời gian hành trình. Việc củng cố các đài vô tuyến điện cũng được chú trọng. Lúc đầu chỉ có một đài, dùng máy thu phát MKII,15W (do Anh chế tạo); có nhiệm vụ giữ liên lạc với Trung ương, Khu ủy Khu V, phục vụ đồng chí Nguyễn Chí Thanh (mang mật danh CK10); sau có thêm đài liên lạc với Tỉnh ủy Quảng Trị. Trong thời gian này,ở nhiều địa phương đã tổ chức được Ban Giao thông kháng chiến cấp huyện, xã; lực lượng của Ban được tuyển chọn từ trong đội ngũ đảng viên và đoàn viên Thanh niên cứu quốc.

Tổ chức hệ thống thông tin liên lạcphục vụ Cấp ủy và Chính quyền lãnh đạo kháng chiến trong vùng địch

Trước tình hình chiến sự lan rộng, các thành phố lớn và một số đường giao thông quan trọng đã bị địch chiếm đóng, yêu cầu về công tác thông tin liên lạc phải được tăng cường về tổ chức, chuyển hướng hoạt động thích hợp, giữ vững liên lạc từ Trung ương đến các địa phương, các vùng tạm chiếm và ngược lại. Ở Quảng trị, Thừa Thiên Huế, đã tổ chức được các đường thư nối liền từ trạm đầu mối của tỉnh ở vùng tự do đến các huyện, thị xã trong vùng địch tạm chiếm để phục vụ cấp ủy và Chính quyền lãnh đạo kháng chiến trong vùng địch. Vô tuyến điện từ Việt Bắc, mở phiên liên lạc và làm việc thường xuyên với các điện đài ở các khu, kể cả Trung Bộ và Nam Bộ. Lực lượng thông tin liên lạc trưởng thành nhanh chóng cùng với sự trưởng thành của lực lượng vũ trang. Qua một năm ra đời và tổ chức hoạt động, NBĐTB, đã nhanh chóng củng cố và phát triển mạng lưới thông tin liên lạc trong những hoàn cảnh rất khó khăn, bằng nhiều cách làm sáng tạo, góp phần gữi vững thông tin liên lạc, phục vụ các cấp ủy Đảng và Chính quyền lãnh đạo kháng chiến, phá tan các âm mưu chiếm đóng của địch.

Sau chiến dịch Thu-Đông năm 1947, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới, Bộ Giao thông Công chính đã chủ động thực hiện việc chuyển đổi theo hướng: ngành Bưu điện tổ chức hệ thống dọc, theo phân chia khu kháng chiến của Chính phủ. Đầu năm 1948, bãi bỏ ba Nha Bưu điện (Bắc Bộ, Trung Bộ, Miền Nam), thành lập các Liên khu Bưu điện. Tổ chức Bưu điện cũ đã hoàn toàn thay đổi; phương pháp chỉ đạo chuyên môn và phương pháp làm việc từ Nha Bưu điện đến các khu tỉnh chặt chẽ hơn, thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến. Khi Trung ương Đảng quyết định hợp nhất các khu thành liên khu (20.1.1948) và triển khai nghiên cứu việc thống nhất, chấn chỉnh hệ thống giao thông liên lạc toàn quốc (5.1948), Bộ Giao thông Công chính ra Quyết định hợp nhất tổ chức Bưu điện với Ban Giao thông Trung ương, lấy tên là Nha Bưu điện Việt Nam nhằm thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với ngành Bưu điện, làm cho ngành Bưu điện trở thành một cơ quan đủ tư cách đại diện Nhà nước thống nhất quản lý, điều hành ngành thông tin liên lạc trong cả nước. Nha Tổng Giám đốc Bưu điện và các đơn vị trực thuộcđã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.159-160.
  2. Hồ Chí Minh,Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.733, 742.
  3. Lịch sử Bưu điện Việt Nam tập II (thời kỳ 1954-1976)(Sơ thảo), Nxb. Bưu điện, Hà Nội, tháng 12.1998.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.33-34.
  5. Lịch sử Bưu điện Việt Nam tập I (thời kỳ 1945-1954) (tái bản có bổ sung, chỉnh sửa), Nxb. Bưu điện, Hà Nội, tháng 8.2002.