Tác phẩm Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam là cuốn sách chuyên khảo về phân loại hệ sinh thái rừng Việt Nam củatác giả Thái Văn Trừng, Giáo sư Tiến sĩ khoa học, giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ được xuất bản tại nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh năm 1999..
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Thái Văn Trừng sinh năm 1917 tai Quảng Trị và mất năm 2004 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học Sinh học tại Viện Hàn Lâm Thực vật Komarov Lêningrat Liên xô cũ năm 1962 và được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2000.....
Công trình Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam in khổ lớn với bảy chương dày 273 trang:
Chương I: “Tổng quan về thảm thực vật học hay thực vật quần thể học và quan điểm sinh thái phát sinh quần thể trong thảm thực vật rừng nhiệt đới.
Chương II: Phương pháp luận nghiên cứu thảm thực vật rừng nhiệt đới.
Chương III: Các nhóm nhân tố sinh thái phát sinh quần thể của thảm thực vật rừng Việt Nam.
Chương IV: Phân kiểu thảm thực vật rừng nhiệt đới ở Việt Nam.
Chương V: Những kiểu thảm thực vật và ưu hợp thực vật trên đất rừng Việt Nam.
Chương VI: Các hệ sinh thái thảm thực vật rừng nhiệt đới.
Chương VII: Phục hồi những hệ sinh thái rừng nhiệt đới và bảo tồn thiên nhiên.
Phụ lục: Bảng tóm tắt nội dung sách bằng tiếng Pháp
Chương I trình bày tổng quát quan điểm phát sinh thảm thực vật rừng nhiệt đới.
Trong nghiên cứu thảm thực vật rừng nhiệt đới tồn tại hai khuynh hướng là nghiên cứu cá thể các loài cây và nghiên cứu quần thể thực vật. Trong thiên nhiên rừng nhiệt đới rất đa dạng và phong phú nên xác định các quần thể rừng rất khó khăn trong khi xác định cá thể các loài thì dễ dàng hơn. Khuynh hướng khác cho rằng tính hoàn chỉnh và độc lập của quần thể thực vật không phải là ngẫu nhiên mà có qui luật nhất định, đó là sự tập hợp tương đối ổn định cuả một số loài cây và đạt tới cân bằng sinh thái giữa các loài thực vật với nhau và giữa chúng với hoàn cảnh.Thảm thực vật đã được phân thành ba kiểu quần hệ là quần thụ (thân gỗ), quần thảo (thân thảo) và hoang mạc dựa trên dạng sống của cá thể các loài thực vật chiếm ưu thế trong quần thể. Trong ba kiểu quần hệ nói trên có thể phân biệt được những loại hình quần thể nhỏ hơn là những kiểu thảm thực vật và là đơn vị cơ bản trong hệ thống phân loại thảm thực vật rừng, hình thành nên những kiểu thảm thực vật địa đới như kiểu khí hậu theo độ vĩ, kiểu khí hậu theo độ cao và theo kiểu thổ nhướng - khí hậu. Các kiểu thảm thực vật phát sinh do năm nhóm nhân tố sinh thái quyết định: nhóm địa lý- địa hình, nhóm khí hậu- thủy chế, nhóm dá mẹ- thổ nhưỡng, nhóm khu hệ thực vật và nhóm hoạt động con người. Trong cấu trúc của quần hệ thực vậtnghiên cứu đặc điểm tầng ưu thế sinh thái hay còn gọi là tầng lập quần là quan trọng.Để có thể xây dựng hệ thống phân loại thảm thực vật tự nhiên một cách lô gích đã phân biệt kiểu thảm thực vật nguyên sinh ở giai đoạn thành thục và hoàn chỉnh, tương đối ổn định với những quần thể ở giai đoạn tạm thời đang trong quá trình phát triển đến giai đoạn thành thục.Những kiểu thảm thực vật hình thành trong những điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt như úng phèn (rừng tràm) hay đất ngập mặn ven biển (rừng ngập mặn) , rừng cây ưa vôi trên núi đá; nhũng quần thể do khu hệ thực vật khác nhau hình thành, các quần thể do nhân tác phải xếp trong các kiểu phụ như kiểu phụ thổ nhưỡng, kiểu phụ miền thực vật, kiểu phụ nhân tác..
Trong hệ thống phân loại đã phân điịnh loại hình xã hợp dựa vào tổ thành loài cây theo độ ưu thế của các loài trong tầng lập quần với ba loại hình như sau: quần hợp khi có một tới hai loài ưu thế chiếm trên 90% tống cá thể cây; ưu hợp với số cá thể dưới mười loài chiếm 40- 80% tổng số cá thể cây và phức hợp khống có loài nào chiếm 5% tổng số cá thể. Với rừng nhiệt đới phổ biến rừng nguyên sinh là dạng ưu hợp và ưu hợp cũng là đơn vị cơ bản của xã hợp.
Luận điểm cơ bản trong nghiên cứu thảm thực vật rừng nhiệt đới Việt Nam là lấy kiểu thảm thưc vật là đơn vị cơ bản và được hình thành dựa vào năm nhóm nhân tố sinh thái phát sịnh. Đó là quan diểm coi thảm thực vật rừng là một kiểu sinh địa quần lạc theo Xukatrev V.N (Liên xố cũ) hay thường dùng phổ biến hiện nay là hệ sinh thái theo Tansley A.G.
Phương pháp luận trong nghiên cứu được trình bày trong chương II Nghiên cứu trên thực địa thông qua các khu tiêu chuẩn, xây dựng các trắc đồ trắc diện theo Richards P,M có bổ sung trắc đồ tán cây, các nhân tố hoàn cảnh như thổ nhưỡng, chế độ nhiệt ẩm, địa lý- địa hình; thu thập và thống kê tài liệu về hoàn cảnh, cấu trúc hình thái và thành phần của quần thể thực vật, mô hình hóa cấu trúc tổ thành cáckiểu thảm thực vật bằng các ký hiệu.
Chương III đề cập tới 5 nhóm nhân tố sinh thái phát sinh thảm thực vật rừng Việt Nam:
Nhóm nhân tố địa lý- địa hình có ảnh hưởng tới khí hậu, thổ nhưỡng và thảm thực vật thể hiện:
- Theo vị trí địa lý thì Việt Nam nằm trong vành đai nhiệt đới của bán cầu Bắc.
- Tính chất cổ xưa của lịch sử kiến tạo địa chất khiến cho những kiểu thảm thực vật nguyên thủy vẫn tồn tại và có một tỷ lệ khá lớn những loài nguyên thủy còn sót lại, - Địa hình đồi núi chiếm đến ba phần tư lãnh thổ với hệ thống núi của Việt Nam là sự kéo dài từ hệ thống núi ở miền nam Trung Quốc và chândãy núi Himalaya đã tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng di cư thực vật từ vùng á nhiệt đới và cả ôn đới vào lãnh thổ Việt Nam. .
- Sự tồn tại hệ thống núi đá vôi ở miền Bắc tạo nên một hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng.
- Sự hình thành trên vùng đồi núi những vành đai theo cao độ mang tính chất song hành sinh học với nhũng vành đai theo vĩ độ.Ở miền Bắc vành đai á nhiệt đới ở khoảng 600- 700 m nhưng ở miền Nam là 1000 m. Đó cũng là ranh giới phân bố thực vật rừng theo đai cao.
Nhóm nhân tố khí hậu – thủy chế là nhóm nhân tố chủ đạo quyết định hình thái và cấu trúc kiểu thảm thực vật (theo Aubreville A) vớichế độ gió, chế độ nhiệt, chế độ khô ẩm ở Việt Nam. Chỉ số khô hạn X= S.A.D được xác định trong đó S biểu thị số tháng khô khi lượng mưa nhỏ hơn hay bằng hai lần nhiệt độ tháng, A biểu thị số tháng hạn khi lượng mưa nhỏ hơn hay bằng nhiệt độ tháng và D biểu thị số tháng kiệt khi lượng mưa hầu như không có.Theo lượng mưa đã phân chia chế độ khô ảm như sau:mưa ẩm (lượng mưa năm trên 2500 mm), ẩm và hơi ẩm (lượng mưa 1200- 2500 mm), hơi khô và khô (lượng mưa 600- 1200 mm), hạn(lượng mưa 300- 600 mm). Cùng với chế độ nhiệt và chế độ khô ẩm bảng xếp loại và định tên khí hậu sinh vật làm cơ sở phân loại những kiểu thảm thực vật khí hậu đã được thiết lập.
Nhóm nhân tố đá mẹ -thổ nhưỡng: Dưới góc độ phát sinh quần hệ thực vật hình thành nhóm đất Feralit nhiệt đới mang tính địa đới với đá mẹ không vôi và có vôi có thành phần cơ giới khác nhau liên quan sự hình thành các kiểu thảm thực vật khí hậu- thổ nhưỡng theo đai thấp và đai cao. Các nhóm đất phi địa đới và nội địa đới như đất xói mòn, kết von, trơ sỏi đá, đất cát biển hay đất úng phèn, đất ngặp mặn...hình thành nên các kiểu phụ thổ nhưỡng.
Nhóm nhân tố khu hệ thực vât: có ba luồng di cư lớn đưa các yếu tố ngoại lai vào Việt Nam là luồng từ phia Nam lên với các yếu tố Mã Lai – Indonesia điển hình là họ Sao Dầu; luồng thứ hai từ Tây Bắc xuống với các yếu tố ôn đới của hai tỉnh Vân Nam, Qúy Châu và chân núi Hymalaya có các nhóm hạt trần, họ giẻ, họóc chó, đỗ quyên...luồng thứ ba từ Tây và Tây Nam lại là luồng các yếu tố Indomalai chủ yếu trên các vùng khô hạn Ấn Độ - Miến Điện điển hình họ Bàng có nhiêu cây rụng lá trong mùa khô.
Nhóm nhân tố hoạt động con người: hoạt động con người phân thành hoạt động xây dựng và hoạt động phá hoại hình thành nên nhũng kiểu phụ thổ nhưỡng - nhân tác có thể ổn đinh hay tạm thới đang trong quátrình phục hồi hoặc cũng có thể thoái hóa cực điểm biến thành các trảng thứ sinh cây gai, cây bụi, trảng cỏ... Ngoài ra các kiểu phụ nhân tác còn có những quần thụ gây trồng như các loài Thông, các loài nhập nôi Tếch, Bạch đàn, Keo. Phi lao....
Chương IV đề cập phân kiểu thảm thực vật rừng nhiệt đới Việt Nam.
Hệ thống phân loại thảm thực vật rừng Việt Nam:.dựa trên quan điểm sinh địa quần thể hay hệ sinh thái gồm đơn vị cơ bản là kiểu thảm thực vật hình thành dưới các chế độ khí hậu khác nhau, tiếp theo là các kiểu phụ khu hệ thực vật, kiểu phụ thổ nhưỡng và kiểu phụ nhân tác.Trong cùng một kiểu phụ các loài cây chiếm ưu thế khác nhau tạo nên quần hợp, ưu hợp hay phức hợp. Các kiểu thảm thực vật phân thành hai nhóm theo vành đai cao. Những kiểu chính và kiểu phụ được sắp xếp theo trật tự kém dần từ kiểu rừng kín thường xanh đến kiểu kém nhất như truông gai, bán hoang mạc. Phân chia các kiểu thảm thực vật chính dựa trên bốn tiêu chuẩn: dạng sống ưu thế trong các tầng ưu thế sinh thái (thân gỗ, trảng cỏ, truông) ; tán che đất của tầng ưu thế sinh thái (rừng kín, rừng thưa); hình thái của lá (lá rộng. lá kim, lá cứng..); trạng mùa của tán lá (thường xanh, nửa rụng lá với 25 – 75% cá thể rụng lá, rụng lá trên 75% cá thể rụng lá). Trong hệ thống phân loại sử dụng thuật ngữ rú để chỉ thảm thực vật thấp chiều cao chỉ đạt 8 m.
Chương V trình bày các kiểu thảm thực vật rừng Việt Nam
Hệ thống phân loại với mười bốn kiểu:
A. Các kiểu rừng, rú kín vùng thấp (dưới 700 m ở miền Bắc và dưới 1000 m ở miền Nam): 1. Kiểu rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới. 2. Kiểu rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới. 3. Kiểu rừng kín rụng lá hơi ẩm nhiệt đới 4. Kiểu rú kín lá cứng hơi ẩm nhiệt đới.5. Kiểu rừng thưa cây lá rộng hơi khô nhiệt đới. 6. Kiểu rừng thưa cây lá kim hơi khô nhiệt đới. 7. Kiểu rừng thưa cây lá kim hơi khô á nhiệt đới. 8. Kiểu trảng cây to, cây bụi, cỏ cao khô nhiệt đới. 9. Kiểu truông bụi gai hạn nhiệt đới.
B, Các kiểu rừng kín vùng cao: 10. Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa á nhiệt đới núi thấp. 11. Kiểu rừng kín hỗn giao lá rộng, lá kim, ẩm, á nhiệt đới núi thấp. 12. Kiểu rừng kín cây lá kim, ẩm, ôn đới, núi vừa. 13. Kiểu quần hệ khô vùng cao. 14. Kiểu quần hệ lạnh vùng cao.
Các kiểu phụ của kiêu 1 ví dụ như sau: a) kiểu phụ miền thực vật Ma Lai- Inddonesia, ưu hợp họ Sao dầu b) kiểu phụ thổ nhưỡng trên đất xương xẩu, đá vôi c) kiểu phụ thổ nhưỡng ngập nước mặn hàng ngày d) kiểu phụ thứ sinh nhân tác do hoạt động phá hoại của con người.
Mỗi kiểu thảm thực vật được mô tả về phân bố và các điều kiện sinh thái, về hình thái và cấu trúc, về thành phần thực vật, kiểu phụ, ưu hợp và diễn thế...
Các kiểu thảm thực vật đai thấp ưu thế là rừng lá rộng thường xanh và một số vùng xuất hiện rừng rụng lá. Các họ thực vật tiêu biểu là họ Đậu (Fabaceae), họ Dầu (Dipterocarpaceae); ở đai cao ưu thế là họ Re (Lauraceae), họ giẻ (Fagaceae) và các loài cây lá kim á nhiệt đới và một số loài ôn đới như lãnh sam, vân sam
Chương VI trình bày các nội dung chính: hình thái, cấu trúc và quá trình phát sinh phát triển hệ sinh thái rừng Việt Nam; sinh thái phát sinh và động thái trong các hệ sinh thái thảm thực vật rừng nhiệt đới; nghiên cứu trường hợp các hệ sinh thái thảm thực vật rừng chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chương VI là chương tổng hợp và phát triển các quan điểm đã nêu trong các chương trước nhưng đi sâu hơn với quan điểm hệ sinh thái đặc biệt ở ĐBSCL với ba hệ sinh thái chính: rừng ngập mặn, rừng ứng phèn và hệ sinh thái rừng ẩm gió mùa.
Chương VII bàn về phục hồi hệ sinh thái rừng nhiệt đơi và bảo tồn thiên nhiên.trong đó nhấn mạnh triển vọng phục hồi một số hệ sinh thái rừng ở Việt Nam và vai trò việc bảo tồn thiên nhiên trong bảo tồn đa dạng sinh học nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Cuốn sách Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam có ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn: lần đầu tiên thảm thực vật rừng Việt Nam được phân loại một cách có hệ thống theo phân vị kiểu và kiểu phụ dựa trên quan điểm sinh địa quần lạc hay hệ sinh thái với năm nhóm nhân tố sinh thái phát sinh có mối liên quan tương hỗ với nhau Hệ thống phân loại là cơ sở xây dựng các biện pháp lâm sinh phục hồi rừng và bảo tồn thiên nhiên.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Phùng Ngọc Lan, Triệu Văn Hùng, Nguyễn Nghía Thìn, Phan Nguyê Hồng, Lê Trần Chấn. Cẩm nang ngành Lâm Nghiệp. Chương Hệ sinh thái rừng tự nhiên Việt Nam. GTZ, REFAS. Hà Nội, 2006.
- Thái Văn Trừng. Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, chi nhành thành phố Hồ Chí Minh, 1999