Nhật Bản xâm lược Trung Quốc (1937-1945) là cuộc chiến quân phiệt Nhật xâm lược Trung Quốc từ năm 1937 đến năm 1945, cg. Chiến tranh kháng Nhật, Chiến tranh Trung – Nhật.
Ngày 18.9.1937, Nhật Bản tấn công xâm lược miền Đông Bắc Trung Quốc và lập nên Mãn Châu Quốc do vua Phổ Nghi đứng đầu. Tình hình đó đã đặt chính quyền Tưởng Giới Thạch trước mối đe dọa đến từ đế quốc Nhật. Tuy nhiên, Tưởng Giới Thạch đã phụ họa cho “Chính sách Munich phương Đông” của Nhật Bản với hi vọng Nhật Bản sẽ dùng nơi này làm bàn đạp để tấn công Liên Xô. Chính sách này của Tưởng Giới Thạch đã khuyến khích Nhật Bản mở rộng quy mô xâm lược đối với Trung Quốc từ năm 1937.
Ngày 7.7.1937, quân đội Nhật tấn công vào cầu Macco Polo (hay còn gọi là Lư Cầu Kiều) ở ngoại ô phía tây nam Bắc Kinh. Sự kiện này chính thức mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản; đồng thời cũng mở đầu cho cuộc kháng chiến chống quân phiệt Nhật trong phạm vi toàn Trung Quốc.
Ngày 17.7.1937, mười ngày sau sự kiện Lư Cầu Kiều, Tưởng Giới Thạch mới tuyên bố kháng chiến chống Nhật. Tuy nhiên, do thực hiện chính sách hai mặt, vừa chống Nhật, vừa chống cộng, với âm mưu lợi dụng chiến tranh để làm suy yếu lực lượng Hồng quân và lực lượng quân phiệt Nhật nên Chính phủ Tưởng Giới Thạch không chịu đưa hết lực lượng ra chống Nhật, không dám phát động nhân dân tham gia kháng chiến. Đường lối kháng chiến này đã đưa đến những thất bại nặng nề trên các chiến trường của quân Tưởng. Tháng 8.1937, Bắc Kinh, Thiên Tân rơi vào tay phát xít Nhật. Tháng 12.1937, quân phiệt Nhật đã chiếm được thủ phủ Nam Kinh của Quốc dân Đảng. Tại đây, quân phiệt Nhật đã gây ra vụ thảm sát Nam Kinh, giết và làm bị thương nhiều dân thường Trung Quốc. Chính phủ Quốc dân Đảng chạy xuống Tứ Xuyên, định đô ở Trùng Khánh. Tính đến tháng 3.1938, quân phiệt Nhật đã chiếm thêm được Thượng Hải, Nam Kinh, Vũ Hán, Quảng Châu.
Trong khi quân Quốc Dân Đảng liên tiếp tháo chạy, nhân dân Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã đứng lên kháng chiến. Lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản ở vùng tây bắc (Bát lộ quân) và ở vùng Hà Nam (Tân tứ quân) đã thực hiện phương châm độc lập, tự chủ, tiến hành chiến tranh nhân dân, tiến vào vùng địch hậu, phát động nhân dân mở rộng chiến tranh du kích, lập các căn cứ địa chống Nhật. Hơn 30.000 Bát lộ quân đã vượt Hoàng Hà tiến về Hoa Bắc, 12.000 Tân tứ quân tiến về phía bắc và nam Trường Giang, lập ra các khu căn cứ để tiến hành kháng chiến. Trong vùng địch hậu, chiến tranh du kích phát triển rộng rãi.
Cuối tháng 9.1937, Bát lộ quân đã đánh thắng trận lớn đầu tiên ở Bình Hình Quan (Sơn Tây), tiêu diệt hơn 3.000 quân tinh nhuệ của Nhật Bản.
Từ tháng 9.1937 đến tháng 3.1945, các đơn vị Bát lộ quân và Tân tứ quân đã chiến đấu khoảng 115.000 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương hơn 9 vạn quân Nhật, bắt làm tù binh hơn 28 vạn, gọi hàng 10 vạn, gây tổn thất lớn cho quân phiệt Nhật. Đảng Cộng sản đã xây dựng được khu giải phóng nằm rải rác trong 19 tỉnh trong toàn Trung Quốc, ở các vùng Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam và Tây Bắc với số dân trên 100 triệu người. Tại các vùng giải phóng, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, cải cách kinh tế, chính trị, xã hội được áp dụng.
Trong khi cả dân tộc đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Nhật, tập đoàn Tưởng Giới Thạch lại chỉ tập trung lực lượng cho chính sách chống cộng. Chính Tưởng Giới Thạch đã phát động các cao trào chống cộng trong những năm 1939 - 1940, 1940 - 1941 và năm 1943. Đến năm 1944, quân đội Quốc dân Đảng bị quân Nhật đánh bại. Vùng Hoa Nam và tỉnh Hồ Nam rơi vào tay quân phiệt Nhật.
Ngày 8.8.1945, giữ đúng cam kết với các nước Đồng minh ở Potsdam, Liên Xô thông qua đại sứ Nhật Bản ở Moscow chính thức tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày 9.8.1945, Liên Xô mở cuộc tấn công vào vùng Đông Bắc Trung Quốc. Trước tình hình đó, Bộ Tổng tư lệnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc lệnh cho quân đội và nhân dân tiến hành cuộc tổng phản công trong cả nước để giành thắng lợi hoàn toàn.
Trước sự tấn công của quân đội Liên Xô, hơn một triệu quân Quan Đông của Nhật đã bị tiêu diệt. Ngày 15.8.1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện. Sau ngày 15.8.1945, Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh giải phóng các vùng chiếm đóng của quân Nhật thêm vài tháng nữa, vì quân Nhật không chịu đầu hàng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Như vậy, với sự giúp đỡ trực tiếp của Liên Xô, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản của nhân dân Trung Quốc đã giành thắng lợi. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản đã tạo ra những tiền đề để cách mạng Trung Quốc phát triển sang một giai đoạn mới.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- 刘庭华,中国抗日战争与第二次世界大战系年要录·统计荟萃 1931 – 1945,海潮出版社,北京,1995年 (Lưu Đình Hoa, Biên niên sử về Chiến tranh chống Nhật Bản của Trung Quốc và Chiến tranh thế giới thứ Hai – Tập hợp thống kê 1931 – 1945, Nxb Hải Triều, Bắc Kinh, 1995).