Nhập ngũ là công dân lần đầu vào phục vụ trong biên chế lực lượng thường trực của quân đội (lực lượng vũ trang) theo quy định của pháp luật.
Nhập ngũ được thực hiện từ khi hình thành các tổ chức vũ trang, quân đội nhà nước cổ đại, tiếp diễn trong quá trình tồn tại và hoạt động của tổ chức vũ trang, quân đội nhà nước qua các thời đại đến nay. Các tổ chức vũ trang, quân đội nhà nước (lực lượng vũ trang) đều rất chú trọng tới việc gọi công dân Nhập ngũ, nhưng mỗi tổ chức vũ trang, quốc gia, mỗi thời kỳ có thể tiến hành theo các chế độ khác nhau như bắt buộc (nghĩa vụ quân sự), tình nguyện, hợp đồng (dành cho lính đánh thuê)... Ngày nay, phần lớn các quốc gia gọi công dân Nhập ngũ theo chế độ tình nguyện (Mĩ, Anh, Đức, Hà Lan, Canada, Bỉ, Trung Quốc,...). Một số quốc gia (hay phải đối mặt với thách thức về quốc phòng, an ninh) gọi công dân Nhập ngũ theo chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc (Triều Tiên, Hàn Quốc, Singapore, Ixrael, Iran, Cuba...).
Ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử, Nhập ngũ đã có những quy định khác nhau. Đời nhà Trần (1226-1400) kết hợp nghĩa vụ binh dịch của đinh tráng với chế độ thay phiên nhau về sản xuất của sương quân. Đinh tráng được chia thành ba hạng: thượng (nhất), trung (nhị), hạ (ba) và tùy tính chất của đơn vị và loại quân mà bổ sung: hạng nhất là người quê hương thân thuộc nhà Trần để bổ sung cho các đơn vị có quân hiệu Thiên Thánh thần; hạng hai bổ sung cho quân các lộ, hạng ba bổ sung vào quân chèo thuyền, khuân vác. Đời Hậu Lê (1418- 1788) để bổ sung quân số ngoài chế độ binh dịch, từ 1727 áp dụng chế độ tuyển mộ (trả lương phục vụ tại ngũ lâu dài) vào phục vụ ở lực lượng chính quy...
Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, từ khi ra đời cho đến khi có Luật Nghĩa vụ quân sự 1960, việc Nhập ngũ thực hiện theo chế độ tình nguyện, thời gian tại ngũ không hạn định. Trên cơ sở giác ngộ cách mạng và lòng yêu nước mà thanh niên hăng hái tham gia tòng quân, đáp ứng yêu cầu bổ sung quân số, xây dựng phát triển quân đội, nhất là thời kì cuối cuộc chiến tranh chống Pháp (1953-54), đã có hàng vạn thanh niên tình nguyện Nhập ngũ. Trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954-75) ở miền Nam việc Nhập ngũ bổ sung quân số cho Quân giải phóng vẫn thực hiện chế độ tình nguyện, riêng miền Bắc từ khi có Luật Nghĩa vụ quân sự 1960, việc Nhập ngũ chủ yếu là theo chế độ nghĩa vụ quân sự có một số đối tượng như đào tạo sĩ quan, nữ có chuyên môn cần cho quân đội..., vẫn thực hiện chế độ tình nguyện Nhập ngũ.
Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện việc Nhập ngũ theo chế độ bắt buộc có tuyển chọn đối với nam và tự nguyện đối với nữ, được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự, như Luật Nghĩa vụ quân sự (2015) xác định rõ công dân thực hiện Nhập ngũ theo đúng quy định tại các mục, điều, chương của Luật. Luật xác định rõ việc gọi công dân Nhập ngũ trong thời bình theo quy định: tiêu chuẩn công dân được gọi Nhập ngũ (về độ tuổi, lý lịch, phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ văn hóa...); thời hạn phục vụ tại ngũ; độ tuổi phục vụ; số lần, thời điểm gọi công dân Nhập ngũ trong năm; thẩm quyền quyết định việc gọi công dân Nhập ngũ; thẩm quyền quyết định tạm hoãn gọi Nhập ngũ, miễn gọi Nhập ngũ; thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tuyển chọn, gọi công dân Nhập ngũ; quy định khám sức khỏe cho công dân gọi Nhập ngũ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tuyển chọn, gọi công dân Nhập ngũ... Luật xác định rõ khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng: khi có lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, việc gọi Nhập ngũ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện lệnh động viên gọi công dân Nhập ngũ.
Làm tốt việc gọi công dân Nhập ngũ theo quy định của pháp luật sẽ bảo đảm đủ số lượng, chất lượng đầu vào phục vụ tốt yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần nâng cao chất lượng của quân đội (lực lượng vũ trang).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nghị định số 168/1999/ ND- CP, 29.11.1999 của Chính phủ;
- Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2004.
- Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, 2014.
- Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
- Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4/10/2018.
- Tổ chức quân sự Việt Nam, tập 1, tr 405. Triều Trần - Bắt buộc với mọi nam công dân từ 18 đến 60 tuôi phải thực hiện chế độ binh dịch… Dân binh, tr 436.