Nhóm tự lực là sự liên kết những người có cùng vị thế xã hội, sở thích, hoàn cảnh, bệnh tật trong cộng đồng với mục đích tự tìm cách tương trợ, giúp đỡ, hỗ trợ vật chất, tinh thần lẫn nhau một cách tích cực và tiết kiệm.
Với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội như Việt Nam hiện nay thì xu hướng ra đời của nhóm tự lực ngày càng trở nên phổ biến. Ví dụ, Nhóm “Hy vọng” liên kết các bệnh nhân ung thư nhằm tương trợ, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho nhau để đối phó với hoàn cảnh hoặc nhóm “Vì sức khỏe cộng đồng” liên kết giữa những người nông dân trồng rau xanh có cùng sở thích sản xuất theo mô hình VIETGAP.
Quan điểm và các hướng tiếp cận vấn đề[sửa]
Các nhà tâm lý học có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau đối với nhóm tự lực trong đó nổi bật nhất là cách tiếp cận tâm lý xã hội và cách tiếp cận tâm lý lâm sàng.
Tâm lý học xã hội coi nhóm tự lực là một trong các nhóm không chính thức, các thành viên ở đây là những người cùng địa vị, cảnh ngộ liên kết với nhau dựa trên sở thích, nguyện vọng cá nhân hoặc các quan hệ không chính thức (tự giác, tự nguyện) nhằm mục đích hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần và vật chất bằng mọi cách có thể. Câu hỏi đặt ra ở đây là động lực liên kết họ với nhau là gì? Động lực thúc đẩy liên kết giữa họ trước hết xuất phát từ đặc điểm tâm lý của nhóm xã hội này là: các thành viên thường đồng nhất về vị thế xã hội, có cùng hoàn cảnh, bệnh tật tương ứng vì thế họ có nhận thức, tình cảm, nhu cầu tương đối giống nhau dễ hiểu nhau và đồng cảm với nhau. Thứ hai, khi tham gia vào nhóm họ không cần bất cử thủ tục giấy tờ gì mà vẫn nhận được sự trợ giúp kịp thời đặc biệt là về mặt tình cảm trong mọi tình huống, ngữ cảnh thời gian và không gian (giúp đỡ ngay không cần hỏi ý kiến gia đình hoặc cơ quan có trách nhiệm). Thứ ba, khi tham gia vào nhóm họ luôn được chào đón một cách chân tình, được giao lưu chia sẻ mà không bị phân biệt đối xử cho dù xuất phát từ bất cứ dân tộc, nhóm xã hội, địa vị kinh tế, xã hội nào. Thứ tư, hình thức tham gia nhóm là tự nguyện, tự giác vì vậy các thành viên không bị bất kỳ sức ép nào về năng lực, sức khỏe (thể chất, tinh thần), bệnh tật, địa vị kinh tế, xã hội hoặc đặc điểm màu da, sắc tộc. Thứ năm, khi tham gia nhóm các thành viên có thể nhận được những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm ứng phó với hoàn cảnh, bệnh tật của chính mình từ các thành viên nhóm tự lực từ đó họ củng cố được niềm tin vào chính mình, vào gia đình và xã hội, gắn kết tình cảm cộng đồng để đối mặt với thực tiễn.
Các nhà tâm lý học xã hội cho rằng xu hướng phát triển nhóm tự lực là một thực tế khách quan: xã hội càng phát triển thì tính chất nhân văn, nhân đạo trong hoạt động của cá nhân, nhóm ngày càng được đánh giá cao vì vậy xu hướng phát triển nhóm tự lực là hoàn toàn có thể đoán được. Mặt khác hậu quả của sự phát triển xã hội cũng hết sức khôn lường: khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, các nhóm yếu thế (di cư, di dân, bị lạm dụng), các nhóm HIV, bệnh tật nguy hại (ung thư, đái tháo đường, suy thận...), ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng tăng vì thế nhu cầu trợ giúp lẫn nhau trong cộng đồng ngày càng cấp thiết.
Về mặt chính sách xã hội, để quản lý có hiệu quả hơn việc tăng cường thúc đẩy, thành lập nhóm tự lực bởi tính chất và vai trò không thể thay thế của nhóm trong xã hội hiện đại bởi một số lý do sau:
- Tính chất không chính thức của nhóm tự lực giúp cho họ mềm dẻo, kịp thời hơn trong công việc trợ giúp lẫn nhau
- Nhóm tự lực hoạt động theo những nguyên tắc, quy định riêng giữa họ (thỏa thuận nhau) vì thế không cần tới sự quản lý, điều hành trực tiếp từ các cơ quan chức năng làm giảm bớt công việc quản lý và tiết kiệm tài chính cho xã hội
- khuyến khích hình thức quản lý tự chủ, tự chịu trách nhiệm thông qua nhóm tự lực nhằm nâng cao ý thức của các thành viên và cộng đồng đối với hoạt động hỗ trợ xã hội.
Các nhà tâm lý lâm sàng coi nhóm tự lực là một trong các mô hình trợ giúp, can thiệp và trị liệu thuận tiện, nhanh chóng, có hiệu quả cho các khách hàng bởi một số lý do sau:
- Nhóm tự lực luôn lấy thành viên của mình làm trung tâm và hoạt động của nhóm là hướng tới việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, niềm tin của họ vào bản thân và cộng đồng để ứng phó với các vấn đề của họ một cách có hiệu quả nhất
- Xã hội càng phát triển thì tác động của công việc, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên tới sức khỏe thể chất và tinh thần càng tăng, số người cần trợ giúp lâm sàng ngày càng tăng vì vậy việc xây dựng các mô hình trị liệu, can thiệp thuận tiện, hiệu quả là rất quan trọng
- Sử dụng nhóm tự lực trong tâm lý lâm sàng giúp cho khách hàng có thể tự can thiệp, trị liệu, hỗ trợ lẫn nhau một cách có hiệu quả (bởi họ rất hiểu nhau) mà tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và tài chính cho họ
- Một số dạng tâm bệnh trong xã hội hiện đại như: lạm dụng các chất gây nghiện, game, stress do áp lực công việc ngày càng trở nên rất phổ biến vì vậy việc can thiệp, trị liệu thông qua nhóm tự lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
- Theo các nhà tâm lý học lâm sàng mặt nổi bật trong trị liệu, can thiệp khách hàng thông qua nhóm tự lực là khơi dậy và thúc đẩy tính tích cực, chủ động đối phó với vấn đề của họ một cách hiệu quả nhất
- Trợ giúp khách hành thông qua nhóm tự lực đã tác động tới toàn bộ nhân cách của khách hàng, những người thân và cộng đồng (nhận thức, cảm xúc và hành vi) vì vậy nó giúp khách hàng không chỉ đối phó được với vấn đề gặp phải mà còn giúp phục hồi nhân cách và sự hỗ trợ từ người thân, cộng đồng.
Ở Hoa Kỳ kể từ khi dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quản lý ra đời cùng với việc kiểm soát chi phí đi kèm theo, nhóm tự lực đã trở nên phổ biến. Ví dụ, những người được cấp bảo hiểm sức khỏe tâm thần hạn chế (không đầy đủ) họ liên kết lại tìm cách tự giúp đỡ, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho nhau để điều trị có hiệu quả hoặc những người trị liệu nghiện rượu liên kết với nhau tìm cách giúp nhau phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần.
Một trong những hình thức phổ biến nhất của nhóm tự lực đang hoạt động tại Hoa Kỳ là các nhóm mười hai bước. Trong lịch sử nhóm người nghiện rượu Ẩn danh (AA) - hoạt động từ năm 1935 ở Hoa Kỳ. Nhóm AA và các nhóm hoạt động theo chương trình 12 bước khác đã hoạt động dựa trên tinh thần giúp cuộc sống và ý chí của một người chuyển sang “một quyền lực cao hơn” (để được hướng dẫn và tự đánh giá - chìa khóa để phục hồi). Ngoài AA và các tổ chức anh em của nó (Chất gây nghiện Ẩn danh - NA); hoặc Cocain Ẩn danh (CA). Một số nhóm hoạt động theo chương trình 12 bước được xây dựng để điều trị các rối loạn tâm thần, chẳng hạn như Game thủ ẩn danh (GA), người tâm thần phân liệt ẩn danh (SA) và người nghiện ăn ẩn danh (OA). Các tổ chức tự lực đã hỗ trợ cho những người bị bệnh sức khỏe tâm thần hoặc có vấn đề về sức khỏe như: hỗ trợ cho những người đang điều trị tăng cân, HIV, xơ cứng, loạn dưỡng cơ, ung thư, chứng tiểu tiện không kiểm soát và cả cho gia đình của những người này. Nhóm tự lực đã hoạt động vượt xa những gì được coi là có vấn đề nhằm hỗ trợ những người muốn chia sẻ sở thích, hoàn cảnh, bao gồm cả việc hỗ trợ nhóm phụ nữ cho con bú, người độc thân, người lớn tuổi và người mới được làm cha mẹ.
Nhóm tự lực gia đình cũng đã tồn tại như: Al-Anon, một tổ chức dành cho gia đình và bạn bè của những người nghiện rượu, là một tổ chức đồng hành với AA hoặc Alateen - một chương trình dành cho thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi rượu. Các nhóm hỗ trợ cho những người chăm sóc những bệnh nhân bị các căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư ở trung tâm điều trị và bệnh viện chuyên khoa.
Xu hướng tự giúp đỡ ngày càng tăng là kết quả của sự hỗ trợ sáng tạo của cộng đồng trực tuyến. Phòng trò chuyện, bảng thông báo hoặc các danh sách gửi thư điện tử đều mang lại sự tiện lợi giúp truy cập hỗ trợ những người cùng hoàn cảnh. Nhiều trang web lớn về chăm sóc sức khỏe cho khách hàng đã cung cấp các diễn đàn thảo luận về bệnh tật, rối loạn trực tuyến. Trang web dịch vụ thương mại trực tuyến như America Online (AOL) cung cấp các dịch vụ thương mại chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ bệnh nhân. Những nhóm này được kiểm duyệt bởi một cơ sở y tế chuyên nghiệp độc quyền và dân cư trong cộng đồng. Một số nhóm tự lực đã có từ lâu như: nhóm cho con bú có tổ chức các cuộc họp trực tuyến ngoài trang web của riêng họ.
Lợi ích của nhóm tự lực[sửa]
Khả năng tiếp cận của nhóm tự lực là một trong những tính năng hấp dẫn nhất. Vì không phải trả phí hoặc lệ phí (ngoại trừ các khoản đóng góp tự nguyện nhỏ để trang trải chi phí cho các cuộc họp), các tổ chức như AA đã chi phí trị liệu hiệu quả nhất. Ngoài ra, các cuộc họp thường được tổ chức ở các bệnh viện địa phương, trung tâm chăm sóc sức khỏe, nhà thờ và các tổ chức cộng đồng khác. Đối với các tổ chức chi nhánh bên dưới đã khuyến khích việc tham dự của khách hàng thông qua số lượng các cuộc họp được tổ chức hàng tuần ở các khu đô thị lớn. Và với sự gia tăng của hỗ trợ trực tuyến mới cho cộng đồng và sự phát triển nhanh chóng khả năng truy cập internet, các nhóm tự lực đang trở nên dễ tiếp cận với người dân ở các vùng nông thôn cũng như ở các thành phố lớn. Nhóm tự lực trực tuyến còn mang lại lợi ích bổ sung từ việc “ẩn danh” của họ đã phá vỡ mọi rào cản về tuổi tác, khuyết tật thể chất, chủng tộc và văn hóa, hoặc các yếu tố gây ức chế khi gặp mặt trực tiếp. Việc tham gia vào nhóm tự lực đã làm tăng ý thức cộng đồng và cảm nhận thuộc về cộng đồng cho các bệnh nhân tâm thần và những người thiếu sự hỗ trợ tinh thần và sự đồng cảm từ bạn bè và gia đình. Môi trường này là một phần quan trọng cho sự hồi phục sức khỏe thể chất và tâm thần của họ. Ngoài việc giảm bớt sự cô lập về cảm xúc, nhóm tự lực có xu hướng trao quyền cho cá nhân và thúc đẩy lòng tự trọng của họ. Ví dụ: AA khuyến khích và tài trợ cho việc xây dựng quan hệ với một thành viên khác, phát biểu tại các cuộc họp và các tương tác tích cực với người cùng cảnh khác. Quan sát nội tâm là một tính năng thiết yếu của nhóm tự lực, đặc biệt là trong các tổ chức tuân theo chương trình phục hồi gồm 12 bước. Ví dụ, bước thứ tư của AA là để các thành viên thực hiện “tìm kiếm hành trang và đạo đức - không sợ hãi” của chính họ và bước thứ mười là các thành viên tiếp tục “thực hiện kê khai” và thừa nhận sai lầm của mình. Cách làm như vậy rất có lợi cho những cá nhân đang gặp khó khăn đối với những suy nghĩ và cảm xúc hướng dẫn hành vi của họ. Về mặt này, bước thứ mười hai của chương trình giống như liệu pháp nhận thức (ở một mức độ nào đó) là thừa nhận những suy nghĩ sai lầm hoàn toàn có thể dẫn đến thay đổi hành vi tiêu cực.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chương trình 12 bước có thể đem lại hiệu quả trong việc điều trị những người lạm dụng rượu và thuốc gây nghiện. Chương trình này như liệu pháp nhận thức - hành vi hoặc liệu pháp tâm lý. Hơn nữa, nếu một bệnh nhân nội trú được bắt đầu theo chương trình 12 bước, nhưng được khuyến khích thiết lập chương trình can thiệp, trị liệu theo phương pháp truyền thống (với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe), thì sau khi điều trị truyền thống kết thúc bệnh nhân có thể trở lại chương trình 12 bước điều này sẽ giúp nâng cao hiệu can thiệp, quả trị liệu.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, 2008, tr. 158 - 159.
- Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
- Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
- American Self-Help Clearinghouse, Self-Help Sourcebook Online, http://mentalhelp.net/ selfhelp/, 2021.
- Alcoholics Anonymous World Services, Inc. General Service Office. P.O. Box 459, Grand Central Station, New York, NY, USA. 10163, fax: 212-870-3003, 212-870-3400, http://www. alcoholics-anonymous.org.2021.
- National Self-Help Clearinghouse, Graduate School and University Center of The City University of New York, 365 5th Avenue, Suite 3300, New York, NY, USA. 10016, 212-817-1822. Email: [email protected].