Nhóm 77 (G77) tổ chức liên minh chính phủ của 77 nước đang phát triển , thành lập ngày 15.6.1964 tại Geneva (Thụy Sĩ) theo Tuyên bố chung của bảy mươi bảy quốc gia đang phát triển, hoạt động chủ yếu trong khuôn khổ và các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc (Liên hợp quốc), với mục đích tạo tiếng nói chung, lợi ích chung của các nước thành viên, tăng sức mạnh đàm phán trên các vấn đề kinh tế quốc tế và thúc đẩy hợp tác Nam - Nam.
Cuộc họp quan trọng đầu tiên của G77 sau khi thành lập diễn ra tại Algiers (Algeria) từ ngày 10 đến 25.10.1967, với việc thông qua Hiến chương Algiers về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, việc thành lập các nhóm và văn phòng đại diện của nhóm ở các cơ quan và tổ chức quốc tế. Về tổ chức, ngoài các đại diện chính tại trụ sở Liên hợp quốc (New York), G77 có năm nhóm với các văn phòng liên lạc tại Geneva (UNCTAD), Nairobi (UNEP), Paris (UNESCO), Rome (FAO/IFAD), Vienna (UNIDO). Ngoài ra, G24 - một nhánh của G77, được thành lập năm 1971 với mục đích phối hợp quan điểm của các nước thành viên trên các diễn đàn về tài chính, tiền tệ quốc tế, để đảm bảo lợi ích chung. G24 (có trụ sở ở Washington D.C) được xem là đại diện của G77 tại Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Nguyên tắc hoạt động quan trọng của G77 là sự bình đẳng về tư cách thành viên, quyền ra quyết định và vận hành các hoạt động của nhóm. Chủ tịch G77, người đóng vai trò phát ngôn chính thức và điều phối mọi hoạt động, được cử luân phiên trên cơ sở đại diện cho các khu vực (châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và vùng Caribean). Hội nghị Thượng đỉnh (South Summit), được triệu tập 5 năm một lần luân phiên theo khu vực địa lý giữ vai trò là cơ quan ra quyết định cao nhất của G77. Cuộc họp các Bộ trưởng ngoại giao G77, được tổ chức thường niên vào đầu mỗi kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Bên cạnh đó, cuộc họp của Bộ trưởng các ngành cũng được tổ chức định kỳ để chuẩn bị cho các kỳ họp của UNCTAD và các Đại hội đồng của UNIDO, UNESCO…
Ngoài các cuộc họp theo ngành, Ủy ban Điều phối và Theo dõi Liên chính phủ về Hợp tác Nam - Nam (IFCC), bao gồm quan chức cấp cao các nước thành viên, họp hai năm một lần để đánh giá tình hình thực hiện các kế hoạch, chương trình đã được thông qua. Tính đến năm 2020, IFCC đã tổ chức được 12 phiên họp. Về tài chính, hoạt động của G77 dựa trên nguồn tài chính đóng góp của các nước thành viên, phù hợp với quyết định của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất (năm 2000) ở La Habana (Cu Ba).
G77 là một trong những diễn đàn quan trọng nhất để các nước đang phát triển có tiếng nói chung trong các vấn đề kinh tế toàn cầu, đồng thời tăng cường sức mạnh tập thể trong đàm phán với các nước phát triển. Trên cơ sở được thể chế hóa hoạt động trong UNCTAD (xt. Diễn đàn Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các cơ quan điều hành của G77 mở rộng hoạt động trong hầu hết các cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc. Hoạt động của G77 gắn liền với những thành tựu của Liên hợp quốc. Trong thời gian từ năm1964 đến cuối những năm 1970, G77 có nhiều hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, từ đầu những năm 1980, cũng với những vấn đề nảy sinh từ yêu cầu cải tổ Liên hợp quốc, hoạt động của G77 bắt đầu có sự suy giảm so với trước.
Đóng góp chính của G77 bao gồm việc khởi xướng, đưa ra các nghị quyết đại diện cho lợi ích chung của các nước đang phát triển tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Kể từ sau Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên (năm 1967), G77 đã thông qua nhiều văn kiện, đề xuất và triển khai các chương trình hành động. Tại các ủy ban chính thức khác nhau của Đại hội đồng Liên hợp quốc, G77 tham gia vào quá trình đàm phán các nghị quyết về hợp tác, phát triển kinh tế quốc tế. Ngoài ra, G77 còn tham gia vào việc hỗ trợ cho các dự án về Hợp tác Nam - Nam thông qua Quỹ Tín thác Perez-Guerrero (PGTF), góp phần vào việc tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật của các nước đang phát triển.
Thành viên của G77 đã tăng lên trên 130 quốc gia, nhưng tên gọi ban đầu vẫn được giữ lại do ý nghĩa lịch sử của nó. Trong quá trình phát triển, G77 là tổ chức liên chính phủ lớn nhất của các nước đang phát triển tại Liên hợp quốc, tổ chức tạo cơ sở và phương tiện để các thành viên tập hợp lực lượng, thúc đẩy các lợi ích kinh tế chung, nâng cao sức mạnh tập thể trong các cuộc đàm phán về những vấn đề kinh tế quốc tế trên diễn đàn Liên hợp quốc. Với tư cách là tổ chức đại diện cho tiếng nói của các nước đang phát triển, G77 góp phần duy trì độc lâp, chủ quyền của các nước đang phát triển, bảo vệ lợi ích kinh tế của các nước thành viên bằng việc khẳng định vị thế bình đẳng của họ với các nước phát triển trên thị trường toàn cầu, thiết lập một mặt trận thống nhất trong các vấn đề quan tâm chung và tăng cường quan hệ giữa các nước thành viên. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, hoạt động của G77 tập trung vào các biện pháp xóa đói, giảm nghèo, giải quyết trình trạng biến đổi khí hậu, xung đột trên thế giới và phục hồi kinh tế sau Đại dịch Covid-19. Là một trong số các thành viên sáng lập và tham gia G77 từ năm 1964, Việt Nam ủng hộ và có những đóng góp tích cực vào sự hình thành và phát triển của tổ chức này.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bách khoa toàn thư Britanica. Nhóm G77, https://www.britannica.com/topic/Group-of-77
- Nhóm G77 tại Liên Hợp Quốc. Về Nhóm G77. https://www.g77.org/doc/
- Trang thông tin Nhóm G24. Nhóm G24, https://www.g24.org/history/
- Liên Hợp Quốc. Tầm quan trọng lịch sử của nhóm G77 https://www.un.org/en/chronicle/article/historic-importance-g-77