Mục từ này cần được bình duyệt
Nhà xuất bản khoa học

Nhà xuất bản khoa học tiền thân của NXB Khoa học và Kỹ thuật ngày nay, là đơn vị trực thuộc Ủy ban khoa học nhà nước, được thành lập ngày 09 tháng 6 năm 1960 theo Quyết định số 185 - KHH/QĐ của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước Tạ Quang Bửu.

NXBKH có nhiệm vụ "xuất bản những tài liệu sách, báo, tranh ảnh… phục vụ công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học".

Năm 1963 Nhà xuất bản Sử học được sát nhập vào NXBKH. Đến tháng 5.1967, NXB được đổi tên thành NXB Khoa học và Kỹ thuật. Như vậy tên NXBKH tồn tại khoảng 7 năm trong đó có gần 2 năm Nhà xuất bản phải sơ tán về nông thôn do chiến tranh.

Lúc mới thành lập, NXBKH chưa có chủ nhiệm, chỉ có 03 người làm việc chuyên môn. Đến tháng 3.1963, ông Lê Bá Hoan được cử làm Chủ nhiệm NXBKH. Trong năm 1960, NXBKH đã xuất bản 26 đầu sách, có đầy đủ chuyên ngành (23 chuyên ngành), gồm nhiều thể loại. Nội dung nhiều cuốn sách có tính học thuật khá cao, chất lượng đảm bảo tốt. NXBKH cũng tổ chức dịch một số tác phẩm hay trên thế giới.

NXBKH đã xuất bản các công trình của nhiều tác giả là những nhà khoa học - kỹ thuật nổi tiếng của nước ta. Có thể kể ra các đầu sách giá trị trong các năm 1960, 1961, 1965: Về các cấu trúc Buốcbaki của Tạ Quang Bửu; Đồ thị hữu hạn và ứng dụng của nó của Hoàng Tụy; Đại số và giải tích tenxơ của Nguyễn Cảnh Toàn; Đo lường và sai số của Nguyễn Hữu Tăng; Tìm hiểu vũ trụ của Nguyễn Văn Hiệu; Đời sống thực vật của Đào Thế Tuấn; Than đá đã thành tạo như thế nào của Tống Duy Thanh; Đời sống con sông của Lê Bá Thảo; Nguồn gốc loài người của Lê Khả Kế; Chế tạo cơ khí của Nguyễn Anh Tuấn; Kỹ thuật chế tạo máy và Phương pháp gia công nhôm của Đặng Hữu Giao; Trạm thủy điện nhỏ của Nguyễn Kim Cương; Năng lược điện của Ngô Quốc Quýnh; Công nghiệp khai mỏ của Đặng Xuân Đỉnh; Sắt, thép, gang của Nguyễn Đức Thừa; Nhiêu liệu và sử dụng nhiên liệu của Võ Qúy Hân; Thể dục cho người ốm yếu của Nguyễn Khắc Viện; Trồng cây, gây rừng của Lâm Công Định; Phân tích thiết kế các công trình của Lê Khắc; Âm thanh và đời sống của Phạm Ngọc Đăng; Con mắt điện và ứng dụng của Đặng Phụng Hiểu; Ngành hóa học trong công nghiệp hóa XHCN của Hoàng Tiến; Chế tạo máy, ngành then chốt trong công nghiệp hóa XHCN của Nguyễn Ngọc Anh; Ngành vô tuyến truyền hình trong công nghiệp hóa XHCN của Xuân Hương.

Ngoài hai chức năng nổi bật của NXBKH là cung cấp sách khoa học - kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và phổ biến khoa học cho toàn dân, NXBKH là nơi quy tụ các nhà khoa học hàng đầu của đất nước, với gần đủ các lĩnh vực: Toán, Lý, Hóa, Sinh vật học, Thiên văn, Địa chất học, Địa lý học, Cơ khí, Kỹ thuật điện, Luyện kim, Xây dựng v.v… Mảng sách từ điển cũng được Nhà xuất bản chú trọng ngay từ đầu. Đã ra được 7 cuốn từ điển Nga - Việt và Anh - Việt trong giai đoạn 1960 - 1967.

Thành tựu nổi bật nhất của NXBKH trong giai đoạn 1960 - 1967 là việc cho ra đời bộ sách: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của tác giả Đỗ Tất Lợi. Đây là bộ sách lớn gồm 6 tập, tổng cộng dày 1.494 trang được chuẩn bị biên tập, xuất bản từ năm 1962 và hoàn thành vào năm 1965 với số lượng bản in 10.000 cuốn. Cuốn sách đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như sự chào đón nhiệt liệt của đông đảo bạn đọc quan tâm đến ngành y học cổ truyền của dân tộc. Năm 1983, tại triển lãm Hội chợ sách Quốc tế tại Moskva, bộ sách được bình chọn là một trong 7 viên ngọc quý của triển lãm. Một thành tựu khác là bộ sách 10 vạn câu hỏi (sách dịch của Trung Quốc), phần toán gồm 2 tập 1 và 2 xuât bản năm 1964, phần vật lý xuất bản năm 1963. Phần hóa học tập 1, 2 xuất bản năm 1963, phần sinh vật học tập 1, 2 xuất bản năm 1964. Bộ sách đã gây tiếng vang về sách phổ biến khoa học thời đó, đưa lại sự hứng thú cho học sinh và các bậc phụ huynh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. 25 năm NXB Khoa học và Kỹ thuật,( Nxb.Khoa học và kỹ thuật 1985)
  2. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. 60 năm xây dựng và phát triển (1960 - 2020), NXBKH và Kỹ thuật (2020).
  3. Các nhà xuất bản Việt Nam thế kỷ XX. Nxb.Giáo dục (2006)