Mục từ này cần được bình duyệt
Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam

Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học; giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác thiết bị giáo dục và thư viện trường học trên toàn quốc.

Tên trước đây là Nhà xuất bản Giáo dục. Tên đây đủ hiện nay: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam(NXBGDVN). NXBGDVN được thành lập ngày 01 tháng 6 năm 1957 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên với chức năng, nhiệm vụ: 1) Làm kế hoạch xuất bản của Bộ Giáo dục; 2) Tổ chức in và phát hành sách, báo của Bộ Giáo dục theo kế hoạch.

Những năm đầu khi mới thành lập, Nhà xuất bản chỉ làm nhiệm vụ tái bản hoặc xử lý sách mới do Ban Tu Thư biên soạn để đưa in.Khi chuyển về trụ sở 81, Trần Hưng Đạo, NXB mới thành lập được Ban biên tập. Đến năm 1964, hình thành một khối biên tập hoàn chỉnh với đầy đủ các tổ biên tập khác nhau: Tổ cấp I và vỡ lòng, tổ cấp II, III, Bổ túc văn hóa và xuất bản cả sách Đại học với nhiều tác giả nổi tiếng.

Một đóng góp to lớn của Nhà xuất bản trong những năm chiến tranh (1965 - 1975) là cùng Trại biên soạn chương trình và sách giáo khoa B (gọi tắt là Trại sách B) thành lập tháng 7.1972, biên soạn, biên tập, in ấn (ở Bắc Kinh, Trung Quốc), các bộ sách giáo khoa cấp I, II, III, các bộ sách bổ túc văn hóa cấp I, II theo hệ thống giáo dục 12 năm cung cấp cho các vùng giải phóng miền Nam và chuẩn bị trước cho các tỉnh phía Nam sau ngày giải phóng. Tất cả các sách in ra đều mang tên Nhà xuất bản Giải phóng.

Sau ngày thống nhất đất nước, NXBGDVNđã tổ chức biên soạn sách giáo khoa phổ thông mới nhằm thống nhất hai hệ thống giáo dục hai miền Nam, Bắc.Các mốc sự kiện tiếp theo phải kể đến:

Hợp nhất Nhà xuất bản Giáo dục và Trung tâm biên soạn sách cải cách giáo dục vào ngày 7.01.1978; thành lập chi nhánh Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1979 và sau đó tại Thành phố Đà Nẵng1994.

Năm 1992 hợp nhất Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp thành Nhà xuất bản mới mang tên Nhà xuất bản Giáo dục (theo Quyêt định 1340/TCCB ngày 7/7/1992 của Bộ trưởng Giáo dục), tạo nên một Nhà xuất bản mạnh làm sách phục vụ cho mọi cấp học, bậc học với các tác giả là những nhà khoa học, giáo dục tài năng và tâm huyết nhất.

Ngày 21.5.2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 102/2003/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm chuyển Nhà xuất bản Giáo dục sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Sau đó ngày 28.7.2003 Bộ trưởng Giáo dục ra Quyết định só 3961/QĐ-BGD&ĐT về việc tổ chức lại Nhà xuất bản Giáo dục thành công ty mẹ theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Ngày 02.03.2009, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo ra Quyết định số 2115/QĐ-BGDĐT đổi tên Nhà xuất bản Giáo dục thành Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, gắn với Quốc hiệu, tên nước Việt Nam.

Ngày 06 tháng 7 năm 2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 2749/QĐ- BGD ĐT chuyển công ty mẹ - NXBGDVN thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. với tên gọi: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Từ năm 2003 đến nay (2020) là bước phát triển mạnh mẽ và có định hướng của NXBGDVN. Hằng năm,NXBGDVN đáp ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách giáo khoa và các tài liệu học tập khác cho tất cả giáo viên và học sinh trong cả nước. Năm 2020, tổng số sách xuất bản là 3.079 tên sách với 279.137.655 bản in, trong đó sách giáo khoa: 659 tên sách (có 134 tên sách tiếng dân tộc) với 132.504.523 bản, sách khác có 2.803 tên sách với 146.633.162 bản. Những con số này lớn gấp nhiều lần lượng sách trung bình hằng năm của hai giai đoạn trước (1957 - 1987), (1987 - 2002).

Trong hơn 100 tác phẩm có giá trị của Nhà xuất bản có thể kể ra đây các tác phẩm: Bác Hồ với giáo dục; Tư tưởng Hồ Chí Minhvề đạo đức;bộ sách giáo khoa phổ thông mới từ lớp 1 - 12; các bộ giáo trình đại cương và chuyên ngành cho các trường đại học, cao đẳng; văn học Việt Nam(4 tập) Văn chương tự lục văn đoàn (3 tập).

Bộ sách về tác giả - tác phẩm (40 cuốn): La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (3 tập); Từ điển chữ Nôm; Đại Nam thực lục (10 tập); Thơ Việt Nam thế kỷ XX; Văn học Việt Nam thế kỷ XX; Lịch triều hiến chương loại chí (2 tập); Tâm lý học nghiên cứu con người trong giai đoạn đổi mới; Các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi toán, (10 cuốn); Các chuyên đề học sinh giỏi lý (10 cuốn); Các chuyên để học sinh giỏi hóa (5 cuốn)… Bộ sách La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn đã được đánh giá là một trong mười sự kiện văn hóa năm 1999.

Các tác phẩm được giải thưởng: Nghiên cứu văn học lý luận và ứng dụng của Nguyễn Đức Dân được giải B, giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2000, các giải thưởng Hội thi sách đẹp có huy chương vàng 1999, 2 huy chương đồng 1999; giải A, B, C năm 2000.

NXBGDVN đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1967, 1977, 2013; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1982, 2013; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 1992; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2002; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2007; Huân chương hữu nghị (CHDCND Lào) năm 2012, và nhiều phần thưởng khác của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ khác.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: 55 năm xây dựng trưởng thành và phát triển (1957- 2012); Nxb.GDVN (2013).
  2. 60 năm NXBGDVN (1957 - 2017); Nxb.GDVN (2017).
  3. Các nhà xuất bản Việt Nam thế kỷ XX (Nxb.Giáo dục 2006).