Mục từ này cần được bình duyệt
Nhà xuất bản Tân Dân

Nhà xuất bản Tân Dân là nhà xuất bản tư nhân của ông Vũ Đình Long (VĐL), thành lập năm 1925, tại 93 phố Hàng Bông, Hà Nội. Nhà xuất bản Tân Dân cùng Nhà in Tân Dân ra đời trên cơ sở Tân Dân thư quán, hiệu sách mang tên mẹ của ông VĐL, theo quy định của thực dân Pháp, lúc bấy giờ công chức nhà nước không được mở cửa hiệu bán sách mang tên mình. Hiệu sách Tân Dân, từ công việc đơn thuần bán những sách do người khác ở nơi khác in, đã đi đến việc thành lập nhà xuất bản, tự mình đứng ra in sách. Căn cứ vào sách lưu chiểu hiện còn lưu tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, có thể thấy tư liệu hiện còn để khẳng định Nhà xuất bản Tân Dân (NXBTD) có sách in ít nhất từ năm 1925; cuốn sách cuối cùng vào năm 1954.

Từ năm 1925-1936, VĐL vừa làm việc tại Sở Học chính, vừa tổ chức hoạt động kinh doanh của NXBTD. Đến năm 1936, VĐL thôi làm việc ở Sở Học chính để dốc sức vào việc xuất bản. Năm 1937, ông phá nhà in cũ, xây nhà in mới lớn hơn, máy in, chữ in đặt mua tại Pháp, loại hiện đại hơn. Ở Hà Nội khi ấy, có một số nhà in lớn ra sức cạnh tranh nhau như: nhà in T.B, CAY của Hoa Kiều ở phố Sinh Từ, nhà in Minh Sang ở Bờ Hồ, nhà in Ngô Tử Hạ, phố Nhà thờ, nhà in Lê Văn Tân, phố Hàng Bông, nhà in (cũng là nhà xuất bản) Văn Hồng Thịnh, 112 phố Hàng Bông và hàng chục nhà in nhỏ khác. Nhưng nhà in hiện đại nhất khi ấy, được coi là địch thủ của các nhà in người Việt khi ấy là xí nghiệp in của người Pháp I.D.E.O (Imprimerie d’Extrême Orient: Nhà in Viễn Đông).

Hai tác phẩm của NXB Tân Dân (Ảnh NVB)

Ông VĐL có đầu óc tổ chức, đầu tư vốn lớn, máy móc ấn loát tối tân, nhà xuất bản được sắp xếp, tổ chức một cách có khoa học. Xu hướng của ông là cố gắng noi theo tổ chức văn học của Editions Flammarion và Librairie, là hai nhà xuất bản lớn nổi tiếng của Pháp.

Các cộng tác viên là các nhà văn được ông chủ NXBTD luôn tỏ ra trang trọng, chân thành. Vì thế mà đội ngũ các nhà văn của Nhà xuất bản suốt ba miền Nam, Trung, Bắc tập hợp cung cấp cho ông VĐL những tác phẩm để xuất bản đều đặn. Ngoài ra, họ còn dịch các tác phẩm Phương Tây từ cổ đại, trung đại đến hiện đại. Đội ngũ ấy được chia thành hai mảng là bút lông và bút sắt. Bút lông là: Mại Đăng Đệ, Phan Kế Bính, Doãn Kế Thiện, Nhượng Tống, Nguyễn Can Mộng, Phan Khôi, Tản Đà, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Nguyễn Đỗ Mục. Một số nhà văn đỗ đạt, khoa bảng như Phan Trần Chúc, Nguyễn Triệu Luật, thi sĩ Lê Bái (Bút danh J.Leiba, Thanh Tùng Tử - Hán học và tiếng Pháp đều uyên thâm)… Bút sắt là: Nguyễn Văn Chất (viết báo Pháp nhiều hơn báo Việt), Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Như Phong, TchyA, Phùng Tất Đắc, Lê Văn Trương, Lưu Trọng Lư, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Vũ Bằng, Ngọc Giao… NXBTD có quy mô in lớn, đều đặn với hơn 500 công nhân và lao động.

Trong suốt thời gian tồn tại Tân dân đã xuất bản một lượng các ấn phẩm rất lớn. Chỉ riêng về sách có thể tra cứu tại Thư viện quốc gia về sách của NXBTD lưu chiểu tại đây đã lên đến hơn 400 cuốn. 4 loại sách dưới dạng báo là “Phổ thông bán nguyệt san”, “Phổ thông chuyên san”, “Truyền bá”, “Phổ thông tuổi trẻ”; 2 loại “Tủ sách Tao đàn” và “Những tác phẩm hay” là sách thông thường. Loại sách “Những tác phẩm hay” (từ năm 1938), mở đầu là “Lầm than”, tiểu thuyết Lan Khai; có những cuốn sẽ được thừa nhận thực sự là tác phẩm hay như “Trước đèn”, phiếm luận của Phùng Tất Đắc, “Vang bóng một thời”, tập truyện ngắn Nguyễn Tuân, “Chiếc cáng xanh”, tập truyện Lưu Trọng Lư, “O chuột”, tập truyện ngắn Tô Hoài,…

Trong số những sách mà NXBTD đã xuất, hiếm có sách chính trị, như: “Pháp Việt đề huề chính kiến thư” (Tân dân thư quán, 1925) của Phan Bội Châu, mà Tân Dân còn tái bản vài lần, Tân Dân đã in tiếp những cuốn có nội dung chính trị như “Tuyên cáo quốc dân” (Tân dân thư quán, 1926) cũng của Phan Bội Châu, hoặc “Tập diễn thuyết của ông Phan Chu Trinh… hôm 19 tháng 11 năm 1925” (Tân Dân thư quán, 1926). Hai cuốn “Pháp Việt đề huề” và “Tuyên cáo quốc dân” sau đó đã bị cấm, theo Nghị định ngày 25.8.1928 của Toàn quyền Đông Dương. Thời gian dài sau đó hầu như NXBTD lánh xa loại sách dễ bị cấm đoán, kiểm duyệt này. Năm 1946, NXBTD mới trở lại loại sách này với cuốn “Vấn đề chính đảng” (Tủ sách Tân Dân) của Trần Văn Tân, và nhân đây nhà xuất bản Tân Dân mở ra “Tủ sách tân dân chủ”, coi cuốn này là cuốn thứ nhất, giới thiệu hệ thống các Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc, Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đã làm ngừng lại hầu như toàn bộ công việc của NXBTD. Một số ấn phẩm của NXBTD, gồm có: Tiểu thuyết thứ Bảy, gồm 4-5 truyện ngắn, thơ, truyện dài xã hội, tiểu thuyết dịch của Trung Quốc (nội dung về truyện kiếm hiệp để câu độc giả dài kỳ) do Nguyễn Đỗ Mục chuyên dịch thuật, được độc giả rất ưa thích.“Tiểu thuyết thứ bảy” là tuần báo ra ngày thứ bảy hàng tuần, số 1 ra ngày 02.6.1934, mỗi số khoảng 36-40 trang 16x25 cm, giá báo 5 xu. NXBTD còn có ấn phẩm Truyền bá truyện dành cho nhi đồng mà khi ấy ít được quan tâm, nội dung chọn lọc, lành mạnh, hợp với trẻ em, không truyện nào đi chệch hướng, giá bán 3 xu, 30 trang.

Ích hữu (110 số, từ 25 tháng 2 năm 1936 đến 30 tháng 3 năm 1938): Tuần báo ra ngày thứ ba hằng tuần, mỗi số khoảng 26 trang 18x26cm, là loại báo phục vụ nhu cầu giải trí của cư dân đô thị vốn khá đa dạng về nhu cầu đọc và hiểu biết, do sự đa dạng về thành phần và lứa tuổi. Nội dung về mảng văn nghệ, về tình yêu hấp dẫn như Hồng Lâu Mộng, Tây Sương Ký. Ích hữu có nhiều độc giả nhờ truyện dài lịch sử Phấn Son Phi Yến của Thanh Tùng Tử. Báo in khổ rộng, chữ đẹp, minh họa đẹp. Sau truyện Phấn Son Phi Yến đến truyện dài Vết xe Phu Tử của Vũ Lang. Truyện đang viết dở thì Vũ Lang chết vì bệnh lao. Ích Hữu được người đọc hoan nghênh, nhờ nội dung đáp ứng thị hiểu xã hội qua những tên tuổi tác giả như Trúc Khê, Nguyễn Đỗ Mục, Vũ Long, Lê Bái,…

Tao Đàn (16 số, từ tháng 3 năm 1939 đến tháng 02 năm 1940) định kỳ nửa tháng, giá bán 0,25đ, được đánh giá là tạp chí hay nhất trong số các tạp chí văn học trước 1945. Tạp chí Tao Đàn, giấy in đẹp, do nhà văn Lan Khai phụ trách. Lý luận, phê bình văn học, đề cập những đề tài lớn của văn học nghệ thuật cận đại, hiện đại Âu Á, truyện ngắn, truyện dài chọn lọc. Nội dung bắt chước như Tạp chí văn học nổi tiếng của Pháp “Nouvelle Revus Francatse (viết tắt NRE) do nhiều cây bút hàn lâm viết. Tao Đàn ngừng xuất bản từ sau số 3 loại mới (tháng 02.1940). Do độc giả yêu thích mua đọc tạp chí này lại hơi ít, tiền thu được từ bán báo không đủ để duy trì hoạt động nên Tao đàn đóng cửa.

NXBTD còn in Những tác phẩm hay loại 3 tháng ra 1 cuốn. Ấn phẩm đặc biệt. Truyện chọn in được chọn lọc kỹ. Nhà xuất bản có dụng ý giới thiệu sách in với kỹ thuật cao. Điểm mạnh của NXBTD khi ấy so với các nhà in nhà xuất bản đương thời là kỹ thuật ấn loát hiện đại và tân tiến hơn. Ông chủ nhà xuất bản VĐL rất coi trọng việc sửa chữa in thử. Nếu mỗi trang sách, hay mỗi cột báo mắc hai lỗi trở lên, thì người phụ trách sửa mo-rát lập tức bị cắt giảm tiền lương, cũng có thể bị sa thải. Nhờ vậy, các tác giả của Tân Dân ít phải phàn nàn về lỗi nhà in mà người viết sợ hơn là sét đánh.

NXBTD còn xuất bản thêm Phổ thông nguyệt san, định kỳ nửa tháng, không quá 200 trang, giá không quá 0,25đ. Phổ thông nguyệt san bán chạy nhất nhờ những tên sách lịch sử, diễm tình, phần lớn li kỳ, rùng rợn, độc giả trẻ đều rất ưa thích.

Về số lượng xuất bản, tất cả các ấn phẩm kể trên in không quá con số 2.000 bản. Riêng tiểu thuyết Lê Văn Trương in 3.000 cuốn. Với số lượng xuất bản như vậy, NXBTD là một đối thủ không thể cạnh tranh của các nhà xuất bản của người Việt và Hoa kiều đương thời. Nguồn thu từ xuất bản, in ấn, bán sách khiến ông chủ Nhà xuất bản Tân Dân trở thành nhà tư sản giàu có nổi tiếng.

Để cạnh tranh với NXBTD, nhóm Tự lực văn đoàn đã nghĩ cách hạ bệ ông chủ Nhà xuất bản trên báo của họ. Hàng tuần tờ Phong hóa rồi tiếp đến Ngày nay, cơ quan ngôn luận của nhóm Nhất Linh, thẳng tay lôi VĐL lên mặt báo, sử dụng tranh trào phúng, thơ văn hài hước, gọi Nhà xuất bản Tân Dân 93 Hàng Bông là động Tân Dân, Vũ Đình Long là Tiên ông phun kiếm ra tiền (tranh bìa, tranh ruột báo hàng tuần, họa sĩ Tô Tử vẽ Vũ Tiên ông hếch mũi lên trời, kiếm ở hai lỗ mũi phun ra tơi tới, tiền theo kiếm ào ào chảy vào tay áo thụng của Vũ Tiên ông. Ngoài cửa Nhà xuất bản, tức là ngoài cửa động Tân Dân, cả gia đình họ Vũ, từ Tiên mẫu, Tiên bà, Tiên cô... đến các Tiểu Tiên đồng, giúp Tiên ông, đem rổ rá ra hứng tiền độc giả mê say sách thần tiên kiếm hiệp).

Mỗi thứ Bảy, báo Phong hóa, Ngày nay của nhóm Nhất Linh rao ầm ĩ ngoài đường phố, chạy vào mọi gia đình thị dân Hà Nội, vì vậy mà “Tiểu thuyết thứ Bảy chạy” có phần bán tốt hơn Phong hóa, Ngày nay. Cách làm này của nhóm Nhất Linh làm cho NXBTD lại được lợi, khác nào địch thủ Tự lực văn đoàn đang làm quảng cáo không công cho ông chủ nhà xuất bản VĐL. Dù biết vậy nhóm Nhất Linh vẫn phải lấy việc Tiên ông phun kiếm ra tiền làm đề tài mua vui cho độc giả, vì cười đùa mãi với Xã Xệ, Lý Toét, cũng làm người đọc nhah chán.

Hệ thống tổ chức phát hành của NXBTD rất rộng. Đại lí cho sách báo Tân Dân đặt khắp Đông Dương, Hoa hồng cao từ 8 đến 10%. Suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Nam Vang, Vientiane (Lào)... đại lí phần nhiều sòng phẳng, vì hoa hồng cao hơn hết.

NXBTD đã thành công khi xuất bản một số lượng khổng lồ tác phẩm văn học, tiểu thuyết lịch sử từ 1930 đến 1945; sau năm 1945, có hoạt động, nhưng không đáng kể. NXBTD đã thành công khi suốt quá trình hình thành và phát triển của nó như một doanh nghiệp văn hóa mà tại đó, hàng loạt nhà văn, nhà biên khảo, dịch thuật có thể công bố được những tác phẩm của mình; trong số những tác giả xuất hiện và được công chúng biết đến nhờ hệ thống ấn phẩm của Tân Dân Thư Quán đã có hàng loạt những những tên tuổi lớn đã đi vào Lịch sử văn học Việt Nam như : Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Vũ Bằng, Nam Cao, Tô Hoài…Người sáng lập ra NXBTD – VĐL đã thành công trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, khi đã dựng nên Tân Dân Thư Quán ở 93 Hàng Bông, Hà Nội, trong những năm 1924-1954, từ một hiệu sách đã phát triển thành một cơ sở in ấn, một tòa soạn báo và trụ sở nhà xuất bản tư nhân khá lớn, góp một phần đáng kể tạo nên một đời sống văn nghệ náo nhiệt ở Hà Nội, ở miền Bắc, và có tiếng vang rộng khắp cả nước, trong những năm 1930-1945.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 24, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
  2. Tạp chí Văn học, số 01.1991.
  3. Vũ Trọng Phụng, Hai nhà xuất bản Tân Dân và Đời Nay đương vạch cho ta những cái hay hay của làng văn làng báo,Đông Dương tạp chí, số 33 (25.12.1937), Hà Nội.
  4. Nguyễn Thành, Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, 2002.
  5. Vũ Đình Long,Tuyển tập kịchVũ Đình Long, Nxb Hội Nhà văn, 2009.
  6. Từ điển Văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, 2004.
  7. Lại Nguyên Ân, Vũ Đình Long, ông chủ “Tân Dân thư quán”, một doanh gia thành đạt trên thị trường sách báo văn nghệ 1925-1945, tham luận tại hội thảo “Kỷ niệm 115 năm sinh và 50 năm mất kịch tác gia - doanh gia Vũ Đình Long (1896-1960), do Hội Nhà văn Hà Nội và UBND huyện Thanh Oai tổ chức, ngày 21.8.2011.