==Nhà xuất bản Hàn Thuyên== (1940 - 1946) nhà xuất bản tư nhân, được thành lập vào năm 1940, xuất phát từ ý tưởng của ông Trương Tửu (1913 - 1999);người đầu tư tài chính cho Nhà xuất bản là cụ Nguyễn Xuân Giới, nhạc phụ của ôngTrương Tửu. CụNguyễn Xuân Giới đã xuất 5.000 đồng bạc Đông Dương để mua lại nhà in 53 Hàng Gà cho Nhà xuất bản.
Nhân sự của Nhà xuất bản lúc đó như sau:Ông Nguyễn Xuân Tái (anh vợ ông Trương Tửu) là Giám đốc kinh doanh; ông Trương Tửu là Giám đốc văn chương, linh hồn về mặt chuyên môn của Nhà xuất bản; ông Nguyễn Xuân Lương (em vợ ông Trương Tửu) phụ trách tài vụ, hành chính, quản trị của Nhà xuất bản.
Tiêu chí hoạt động của Nhà xuất bản do ông Trương Tửu đề ra và kiên trì với tiêu chí đó cho đến khi kết thúc Hàn Thuyên: 1) Tác phẩm xuất bản phải có chất lượng, tư tưởng tiến bộ; 2) Tác giả phải là những người có uy tín trong xã hội, đồng nghiệp; 3) Tôn vinh văn hóa, lịch sử dân tộc, chống phong kiến, thực dân; 4) Có tư tưởng Mác xít, hướng về chủ nghĩa xã hội; 5) Là diễn đàn của nhiều xu hướng tư tưởng khác nhau, miễn là chống phong kiến thực dân, văn hóa nô dịch; 6) Tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình.
Với tiêu chí như trên, Hàn Thuyên đã quy tụ được các tác giả là những cây bút có tiếng trong văn đàn, báo giới nước nhà lúc đó như: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Bùi Huy Phồn, Phạm Ngọc Khuê, Chu Thiên (Hoàng Minh Giám), Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đồng Chi, Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Siêu, Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa (một bút danh khác của Trương Tửu)… Các thể loại của Nhà xuất bản:Văn hóa và lịch sử dân tộc; Khảo cổ, nghiên cứu khoa học; Tiểu thuyết hiện thực, lịch sử; Kiến thức phổ thông.
Trong 6 năm tồn tại, Nhà xuất bản Hàn Thuyên đã xuất bản hơn 50 tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau, trong đó có nhiều tác phẩm do các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, dịch giả nổi tiếng viết và dịch. Có thể kể đến:Văn học khái luận của Đặng Thai Mai, Văn học cổ sử của Nguyễn Đồng Chi, Lê Thánh Tông của Chu Thiên (Hoàng Minh Giám), Cải tạo sinh lực của Phạm Ngọc Khuê, Chủ nghĩa Ford, Hợp lý hóa Taylor của Lê Văn Siêu, Lịch sử thế giới của Nguyễn Đức Quỳnh, Kinh thi Việt Nam, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Tuyên ngôn Đảng cộng sản (dịch) của Trương Tửu,… Tác phẩm cuối cùng được Nhà xuất bản in vào ngày 15 tháng 12 năm 1946 là cuốn Nguồn gốc dân tộc Việt Nam của Đào Duy Anh…
Kháng chiến bùng nổ, cụ Nguyễn Xuân Giới hiến nhà in 53 Hàng Gà cho Cách mạng, kết thúc hoạt động Nhà xuất bản Hàn Thuyên.
Đã từng tồn tại nhiều cách nhìn, đánh giá khác nhau về Nhà xuất bản Hàn Thuyên, nhưng mọi ý kiến đều cho rằng Hàn Thuyên là một dấu ấn của lịch sử văn học nước nhà, có đóng góp vào tiến trình văn học nước ta trước Cách mạng tháng Tám.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Kỷ yếu hội nghị khoa học: Nhà văn GS Trương Tửu.
Khoa ngữ văn Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Tháng 11/2008.
- Niên biểu Nhà Văn GS Trương Tửu. Trương Quốc Tùng 2013.
- Trương Tửu Tuyển tập nghiên cứu phê bình – Nxb. Lao động và Trung tâm VHNN Đông Tây (2007).
- Trương Tửu Tuyển tập nghiên cứu Văn hóa – Nxb. Văn học và T rung tâm VHNN Đông Tây (2013).
- Lịch sử Tạp chí Hậu cần Quân đội (1952 - 2012). Nxb.Quân đội 2012.
- Lịch sử Công ty trách nhiệm một thành viên in Quân đội 1. (1946-2016) Nxb.Quân đội (2016).