Mục từ này cần được bình duyệt
Nhà xuất bản âm nhạc

Nhà xuất bản âm nhạc doanh nghiệp có điều kiện, do Nhà nước làm chủ sở hữu, trực thuộc Bộ Văn hóa, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), chịu sự quản lý về xuất bản của Cục Xuất bản (XB), nay là Cục Xuất bản, In và Phát hànhtheo quy định của Luật Xuất bản, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản tại ngân hàng; trụ sở: số nhà 61, phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Nhà xuất bản Âm nhạc (NXBAN) có chức năng biên tập và xuất bản các nhạc phẩm tờ rời, các tập ca khúc, nhạc không lời, dân ca, các loại sách âm nhạc, nhạc lý, kỹ thuật thanh nhạc, nhạc khí, giáo trình âm nhạc, sách phổ cập, nghiên cứu và lý luận âm nhạc,…; thu thanh băng gốc và in hàng loạt các loại băng âm thanh, các loại đĩa âm thanh để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; phối hợp với Tổng công ty Phát hành sách để tiêu thụ các ấn phẩm âm nhạc; làm dịch vụ kỹ thuật băng, đĩa.

Khi mới thành lập, NXBANcó hơn 60 cán bộ, nhân viên, gồm: Ban Giám đốc, có Giám đốc và Phó Giám đốc; Ban Biên tập sách nhạc; Ban Biên tập và đạo diễn băng, đĩa; Phân xưởng Âm thanh (thu băng, khắc đĩa, in băng); Phân xưởng Mạ ép (điện, cơ khí, ép đĩa, mạ khuôn); Phòng Kế hoạch, Tài vụ, Vật tư (phát hành, tuyên truyền); Cửa hàng Giới thiệu, Dịch vụ, Kỹ thuật băng, đĩa tại Hà Nội và Chi nhánh NXBAN tại TP Hồ Chí Minh.

Ngày 24 tháng 7 năm 1957, theo Nghị định số 47VH-QĐ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám ký, Nhà xuất bản Mỹ thuật và Âm nhạc được thành lập, thuộc Cục Xuất bản.

Năm 1959, theo quyết định của Bộ Văn hóa, Nhà xuất bản Mỹ thuật và Âm nhạctách ra thành NXB Mỹ thuật và NXBAN.Các biên tập viên cơ hữu của NXBAN hầu hết là nhạc sĩ hoặc nhà nghiên cứu âm nhạc.

Ngày 15 tháng 2 năm 1962, NXB Mỹ thuật và NXBAN hợp nhất thành NXB Văn hóa - Nghệ thuật (NXBVH-NT), theo đó, NXBANtrở thànhPhòng Biên tập Âm nhạc của NXB VH-NT. Ngày 03 tháng 02 năm 1966, theo Quyết định số 09/VH-QĐ, NXBVH-NT đổi tên thành NXB Mỹ thuật - Âm nhạc, theo đó Phòng Biên tập Âm nhạc của NXB VH-NT là Phòng Biên tập Âm nhạccủa NXB MT-AN.

Ngày 28 tháng 9 năm 1970, theo Quyết định số 76/VH-QĐ, NXBMT-AN đổi tên lại là NXBVH-NT.

Ngày 15 tháng 6 năm 1971, theo Quyết định số 83/VH-QĐ, NXBVH-NT đổi tên thành Nhà xuất bản Văn hóa, theo đó Phòng Biên tập Âm nhạc của NXB VH-NT làPhòng Biên tập Âm nhạccủa NXBVH.

Ngày 10 tháng 10 năm 1986, theo Quyết định số 256/VH-QĐ, Xí nghiệp Đĩa và Băng âm thanh thuộc Tổng công ty Vật phẩm văn hóa hợp nhất với Phòng Biên tập Âm nhạccủa NXBVH thành NXB Âm nhạc và Đĩa hát, tên giao dịch là DIHAVINA (Đĩa hát Việt Nam).

Ngày 13 tháng 10 năm 1986, theo Quyết định số 257/VH-QĐ, NXBVH tách thành 3 NXB: NXBVăn hóa, NXBVăn hóa Dân tộc và NXBAN.

Trong những năm trực thuộc các NXB của Bộ Văn hóa, Phòng Biên tập Âm nhạc, sau là NXBAN luôn có một Tổ chép nhạc gồm 5-6 người, chuyên chép bằng tay các bản nhạc lên giấy để thợ khắc gỗ và làm bản kẽm gia công, sau đó đưa đến nhà in theo công nghệ ty-pô.

Năm 2015, NXBAN đổi tên thành Trung tâm xuất bản Văn hóa, Thông tin và Âm nhạc(TTXBVH,TT&AN), vẫn làm việc tại trụ sở NXBAN trước đó, nhưng do NXBVăn hóa Dân tộc quản lý. Thời điểm đó, Trung tâm có 31-32 người, về sau giảm dần, hiện nay còn 9-10 người, trong đó có 4-5 biên tập viên không phải là nhạc sĩ và không có nghiệp vụ âm nhạc.

Trong thời kỳ kinh tế bao cấp, NXBANliên kết với một cơ sở sản xuất đĩa âm thanh của Tiệp Khắc, đã ấn hành hơn 100 chương trình âm nhạc với hơn một triệu bản đĩa nhựa. Hiện nay, ngoài công tác biên tập sách thuộc nhiều thể loại,TTXBVH,TT&AN còn biên tập những chương trình ca nhạc được ghi đĩa DVD hoặc CD do các ban nhạc, ca sĩ tự đầu tư kinh phí và phát hành. NXBAN trước đây từng đóng vai trò chủ lực trong hoạt động xuất bản các loại sách nghiên cứu, lý luận âm nhạc, tuyển tập riêng hoặc tập hợp các ca khúc của một số nhạc sĩ cách mạng hàng đầu của Việt Nam, như: Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận… Nhiều tác phẩm được công chúng và giới âm nhạc ghi nhận, như: Lược sử âm nhạc Việt Nam (1993), Tìm hiểu dân ca Việt Nam (1994), Thể loại âm nhạc (1996), Các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới (2007),Opéra Việt Nam (2014)… trong đó công trình 1000 năm âm nhạc Thăng Long - Hà Nội (2011) được Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam của Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng Giải Bạc - Sách hay năm 2011.

Qua nhiều năm, NXBAN liên tục xuất bản các tác phẩm âm nhạc thuộc các lĩnh vực âm nhạc truyền thống dân tộc và đương đại của Việt Nam và nước ngoài; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu của giới âm nhạc và sự thưởng thức của công chúng. Cùng với chương trình ca nhạc của các đài phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến địa phương, nhiều ấn phẩm của NXBAN đã đến với nhân dân mọi vùng, miền, kể cả biên giới, hải đảo xa xôi của đất nước.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Quốc hội, Luật Xuất bản, 2012.
  2. 40 năm Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin: 1957-1997 (kỷ yếu), Hà Nội, 1997.
  3. 45 năm (1957-2002) ngày thành lập Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin (kỷ yếu), Hà Nội, 2002.
  4. Lê Vinh Hưng:Hợp xướng Việt Nam (sách chuyên khảo), Nxb Văn hóa dân tộc, HN, 2020.