Nhà nước Yamato là vương quốc được hình thành ở miền Nam đảo Honshu - Nhật Bản, tồn tại từ khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ VII và có vai trò nổi bật trong việc thống nhất các nhóm cư dân cổ, mở đầu cho dòng dõi Thiên hoàng ở Nhật Bản.
NNY còn được các nhà nghiên cứu gọi là thời kỳ hay thời đại Yamato, có tài liệu gọi là vương quyền, chính quyền Yamato hay triều đình Yamato...Điều đó cho thấy, trong giới học thuật vẫn còn nhiều bất đồng về thời kỳ thành lập của cái gọi là “triều đình” và cách viết Yamato.
Vào những thế kỷ đầu công nguyên, ở Nhật Bản đã xuất hiện rất nhiều nước nhỏ mà thực chất như là những liên minh bộ lạc. Cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III, những cuộc chiến tranh giữa các tiểu quốc diễn ra, làm xuất hiện một số quốc gia lớn, trong đó có Yamatai. Vương quốc này tồn tại đến cuối thế kỷ III thì không thấy các tài liệu nhắc đến nữa.
Vương quốc Yamato xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ IV trên cơ sở bộ tộc Yamato ở miền Tây Nam đảo Honshu. Nhờ địa lợi là vùng trung nguyên đảo Honshu, nơi tổ tiên dòng Thiên hoàng khởi nghiệp, Yamato được nhiều người Nhật Bản tôn sùng, nhiều hào tộc theo nên ngày càng mạnh lên, tiến hành chinh phục và chiếm đoạt đất đai của nhiều tiểu quốc khác . Đến cuối thế kỷ V Yamato đã thống nhất được hầu hết Nhật Bản và lấy đế hiệu là Thiên hoàng, mở đầu cho dòng dõi cao quý này ở Nhật Bản.
Yamato cũng mở rộng quan hệ với Trung Quốc và Triều Tiên. Nhờ đó, vào những thế kỷ tiếp theo, người Nhật đã được tiếp xúc với văn hóa và kỹ thuật của Triều Tiên và Trung Quốc như kỹ thuật canh tác nông nghiệp, các nghề thủ công nuôi tằm, nấu rượu, đúc gang, làm đồ gốm và cả nghệ thuật kiến trúc. Từ thế kỷ IV, chữ Hán đã được truyền vào Nhật Bản, nhờ đó văn học Nhật Bản có bước phát triển mới. Đến thế kỷ V thì Nho giáo và sau đó vào thế kỷ VI Phật giáo cũng được du nhập vào Nhật Bản.
Cũng vào thời gian từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI, một nét đặc sắc trong đời sống văn hóa, xã hội của Nhật Bản là sự xuất hiện các mộ cổ (Kofun). Sự xuất hiện các ngôi mộ cổ rõ ràng có liên quan đến sự phân chia giai cấp và sự hình thành nhà nước cổ đại. Các ngôi mộ to lớn này phải là của các hào tộc giàu có. Họ liên kết với Thiên hoàng để chia nhau quyền hành trong triều đình. Các hào tộc đều có đất đai riêng để thu thuế, có tổ chức gia nhân và thuộc hạ riêng, đồng thời có thể cũng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Bên cạnh đó, còn có một số hào tộc giàu có nhưng không giữ các chức sắc trong triều đình mà chỉ là các “đại nhân”.
Dưới tầng lớp quý tộc thống trị là tầng lớp dân thường tự do gọi là “hạ bộ”. Họ chiếm số lượng đông đảo trong xã hội, phải lao động cực nhọc và nộp thuế bằng lương thực và các sản phẩm thủ công cho vua, quan và các quý tộc. Ngoài dân tự do, trong xã hội Yamato còn có một tầng lớp đông đảo khác gọi là bộ dân. Tầng lớp này xuất hiện vào khoảng thé kỷ III, khi xã hội bắt đầu phân hóa giai cấp. Nguồn gốc của họ có thể là từ những thị tộc bị chinh phục. Bộ dân thực chất là những người tự do, có địa vị gần giống với địa vị của người lệ nông ở La Mã cổ đại. Họ có được một ít tài sản riêng, nhưng bị trói chặt vào ruộng đất của Thiên hoàng và quý tộc, song chủ không có quyền bán và giết họ. Lao động của các tầng lớp bộ dân đóng một vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lực lượng sản xuất. Nhất là những người bộ dân có nguồn gốc từ Trung Quốc và Triều Tiên có trình độ kỹ thuật và văn hóa khá cao. Giai cấp thống trị tổ chức họ thành nhiều “bộ” khác nhau như bộ dệt gấm, bộ may áo, bộ nhuộm, bộ đồ gốm...
Ngoài lao động của dân tự do và bộ dân còn có tầng lớp nô lệ. Đến thời kỳ Yamato, nô lệ không những chỉ dùng làm việc trong gia đình, mà còn được sử dụng vào việc khai khẩn ruộng đất, đào kênh...để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Vào nửa sau thế kỷ VI, các quý tộc không ngừng phát triển thế lực của mình, dẫn tới mâu thuẫn giữa chính quyền trung ương với giới quý tộc nói chung và giữa các dòng họ nói riêng, trong đó có hai họ Sôga và Mononobe. Năm 578, cuộc nội chiến giữa hai dòng họ xảy ra và kết thúc với sự thắng lợi của họ Sôga. Để ngăn chặn sự lộng hành của dòng họ Sôga, thái tử Shotoku đã thi hành nhiều biện pháp để củng cố chính quyền trung ương. Năm 603, ông đặt ra chế độ quan lại 12 cấp và quy định chức quan không được cha truyền con nối. Năm 604 lại cho công bố “Luật 17 điều” trong đó tư tưởng trung quân được đặt lên hàng đầu “Vua tức là Trời, bề tôi tức là Đất”. Danh xưng “Thiên hoàng” có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Nhờ uy danh này, các vua Nhật Bản đã tự coi mình ngang hàng với các hoàng đế Trung Hoa. Năm 607, trong bức thư gửi vua nhà Tùy, Shotoku đã viết rằng “Thiên tử nơi Mặt Trời mọc gửi Thiên tử nơi Mặt Trời lặn...”.
Năm 622, Shotoku mất khi các chính sách nhằm củng cố quyền lực của Thiên hoàng đang được thực thi. Lợi dụng tình thế đó, dòng họ Soga nổi lên lũng đoạn chính quyền.
Năm 645, Soga Irusa bị ám hại. Thiên hoàng Kotoku (Hiếu Đức) đã tiến hành cuộc cải cách sâu rộng gọi là cải cách Taika nhằm đưa Nhật Bản sang xã hội phong kiến. Thời đại Yamato chấm dứt.
Những diễn biến chính trị xã hội Nhật Bản từ thế kỷ IV đến đầu thế kỷ VII đã cho thấy NNY (hay chính quyền Yamato) thực sự là một vương quốc thống nhất đầu tiên và cũng đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển cả về truyền thống văn hóa, chính trị và xã hội của Nhật Bản sau này.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- G.S. Samson, Lịch sử Nhật Bản, Tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994.
- Phan Ngọc Liên (chủ biên), Trần Thị Vinh, Lịch sử Nhật Bản, Nxb. văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995.
- Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn La, Lịch sử thế giới trung đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998.
- Từ điển bách khoa Việt Nam, Tập 4, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2005.