Nhà nước Dân chủ chủ nô Athens quốc gia thành thị xuất hiện trên vùng bán đảo Attique (thuộc miền Trung Hy Lạp), có diện tích khoảng hơn 2.000 km2, được coi là mô hình nhà nước điển hình cho thể chế dân chủ chủ nô ở Hy Lạp cổ đại.
Đồng bằng Attique là một vùng đất hẹp, đất đai không phì nhiêu, khí hậu lại khô khan, nhưng có nhiều khoáng sản và vùng bờ biển dài với nhiều vịnh, hải cảng. Thiên nhiên xứ Attique thích hợp cho sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp và mậu dịch hàng hải. Trước khi nhà nước ra đời, ở xứ Attique có bốn bộ lạc sinh sống ở bốn khu vực khác nhau. Theo truyền thống, Đại hội nhân dân là cơ quan có quyền lực cao nhất quyết định các vấn đề hệ trọng của bộ lạc.
Do sự phát triển của kinh tế công thương, sự phân công của lao động nông nghiệp và các ngành thủ công cùng sự di dân và sử dụng lao động nô lệ nên ranh giới giữa bốn bộ lạc vốn lấy quan hệ huyết thống làm cơ sở dần mất đi. Bốn bộ lạc ở Attique đã hợp nhất thành một liên minh bộ lạc, lấy Athens làm thủ phủ, những điều kiện cho việc xuất hiện xã hội có giai cấp nhà nước đã chín muồi. Vào khoảng thế kỷ VII TCN, nhà nước ra đời thay thế cho các cơ quan quyền lực thời công xã thị tộc. Nhà nước này được hình thành trên cơ sở của một thành thị rồi phát triển dần ra các vùng nông thôn xung quanh, tạo thành một quốc gia-thành thị hay còn gọi là thành bang hoặc thị quốc (polis).
Người có công thống nhất bốn bộ lạc ở Athens và đặt nền móng cho nhà nước Athens là Theseé. Sau cải cách của Theseé nền chính trị toàn dân của chế độ bộ lạc cũ đã bị thay thế bằng nền chuyên chính của giai cấp quý tộc thị tộc. Tiếp sau cải cách của Theseé là hàng loạt các cải cách kinh tế, chính trị, xã hội trong thời kỳ cầm quyền của Solon, Cleisthennes và Pericles. Bộ máy Nhà nước Athens dần được hoàn thiện theo huynh hướng cộng hòa dân chủ với việc quyền lực của Đại hội Công dân, hội đồng 500 người, Toà án nhân dân… được nâng cao, quyền lực của Hội đồng trưởng lão bị giảm bớt.
Đại hội Công dân là cơ quan quyền lực cao nhất. Những công dân được tham gia Hội nghị này phải là công dân nam giới tự do Athens, đủ 18 tuổi trở lên, có cả cha mẹ là người Athens. Đại hội Công dân có quyền quyết định những vấn đề lớn của đất nước như: chiến tranh, hoà bình; xây dựng hay thông qua các đạo luật; giám sát các cơ quan nhà nước khác. Ngoài ra, Đại hội Công dân còn có quyền bầu ra các quan chức nhà nước, xét duyệt công việc quan trọng của Toà án, có quyền cung cấp lương thực cho thành phố.
Hội đồng 500 người được thành lập bởi Đại hội Công dân bằng hình thức bỏ phiếu. Cơ quan này giữ chức năng hành chính, tư vấn. Sau cải cách Cleisthennes đây còn là cơ quan đại diện cho nhà nước về đối ngoại, có quyền quản lí về tài chính.
Hội đồng 10 tướng lĩnh được bầu trong Đại hội Công dân, là cơ quan lãnh đạo quân đội, thực hiện chính sách đối ngoại nhưng chịu sự kiểm soát của Đại hội Công dân và không được hưởng lương.
Toà án nhân dân là cơ quan xét xử và giám sát tư pháp cao nhất của nhà nước. Dưới thời Pericles, có 6.000 thẩm phán được bầu hàng năm bằng hình thức bỏ phiếu. Mọi người dân có thể phát đơn kiện - tức là tự khởi tố hoặc là tự bào chữa cho mình. Trong phiên toà, sau khi đã nghe hai bên đối chất, Toà họp kín để quyết định bản án. Nhà nước Athens dưới thời chấp chính Pericles đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân đạt được những quyền lợi chính trị cơ bản của người công dân như quyền ứng cử, bầu cử các chức quan của bộ máy nhà nước, quyền giám sát trong Đại hội Nhân dân. Nhà nước Athens đã đạt đến đỉnh cao của nền dân chủ cổ đại. Lịch sử Hy Lạp gọi thời đại này là hoàng kim hay thời đại Pericles.
Tuy nhiên, với việc quy định công dân Athens được tham dự Đại hội Nhân dân phải có đủ ba tiêu chuẩn (là nam giới, từ 18 tuổi trở lên, cả bố và mẹ là cư dân Athens gốc) đã gạt bỏ phần lớn cư dân Athens ra ngoài đời sống chính trị xã hội của đất nước. Số lượng người không được coi là công dân chiếm 3/4 dân số với khoảng 365.000 nô lệ, 45.000 kiều dân, phụ nữ, nam công dân 18 tuổi nhưng cha hoặc mẹ không phải là người Athens…dù họ là lực lượng lao động, đóng thuế quan trọng của Athens. Do đó, nền dân chủ Athens thực chất là nền dân chủ của thiểu số quí tộc tồn tại trên sự bóc lột thậm tệ người nô lệ.
Cơ sở của nhà nước Athens là lao động của nô lệ, đến thế kỷ IV TCN, chế độ chiếm hữu nô lệ đã phát triển đến cực thịnh ở Athens. Lao động của nô lệ đóng vai trò chủ đạo trong mọi ngành sản xuất kinh tế, là lực lượng sản xuất chính nuôi sống cả xã hội. Nô lệ có nhiều nguốc gốc, nhiều nhất là tù binh. Thân phận của nô lệ vô cùng thấp kém, họ không được coi là người, không có quyền công dân, hoàn toàn lệ thuộc vào chủ nô, không có quyền sở hữu tài sản, không có gia đình riêng, chỉ là công cụ biết nói. Nô lệ có thể bị mua, bán, cho, tặng hay giết và bị bóc lột tối đa. Vì thế, trong xã hội Athens, mâu thuẫn giữa nô lệ với chủ nô rất gay gắt.
Được xây dựng trên cơ sở nền dân chủ chủ nô phát triển điển hình, nhà nước Athens đã bước vào thời kỳ phát triển cực thịnh cả về kinh tế, chính trị xã hội và văn hóa. Hoạt động thủ công nghiệp phát đạt, xuất hiện những xưởng sản xuất hay công trường khai mỏ với quy mô lớn và sự phân công chuyên môn hóa diễn ra mạnh mẽ. Athens cũng trở thành một trung tâm mậu dịch, đầu mối buôn bán của thế giới cổ đại. Nhìn chung, với những yếu tố như tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ bầu cử, nền kinh tế hàng hóa tiền tệ phát triển v.v…Nhà nước Dân chủ chủ nô Athens đã được coi như là hình mẫu của nền dân chủ trong thời cổ đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, tập 2, Nxb.Đại học Quốc gia, 2000.
- Edwward James, Chuyện kể về những nền văn minh cổ, Nxb.Thế giới, 2002.
- Mortimer Chambers – Barbara Hanawalt – David Herlihy – Theodore K.Rabb – Isser Woloch – Raymond Grew, Lịch sử văn minh phương Tây, Nxb.Văn hóa Thông tin, 2004.
- Đặng Văn Chương, Quá trình hoàn thiện chính thể cộng hòa dân chủ ở Thị quốc Athens (Hy Lạp) qua các cuộc cải cách (thế kỷ VI – V TCN), Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 10, 2012, tr.58 – 64.
- Robin Waterfield, Athens from ancient ideal to mordern city (Athens từ lý tưởng cổ đại tới thành phố hiện đại), 1st edition, Basic Books, 2004.
- https://www.britannica.com/biography/Pericles-Athenian-statesman