Nguyễn Văn Xước (tức Nguyễn Thắng) sinh ngày 15 tháng 12 năm 1906, mất ngày 15 tháng 10 năm 1989, nguyên quán Nam Trực, Nam Định. Ông theo học Thành Chung ở quê nhà, sau đó lên Hà Nội học trường Bưởi. Do tham gia phong trào bãi khóa của sinh viên phản đối cái chết của cụ Phan Chu Trinh nên ông bị buộc thôi học. Năm 1944, ông tham gia Việt Minh, trở thành một cán bộ cao cấp của cách mạng. Năm 1956, ông được bổ nhiệm làm Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa đại chúng kiêm Giám đốc Thư viện Trung ương, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam. Năm 1958, theo đề xuất của ông, Bộ Văn hóa đã ban hành Nghị định tách Thư viện Trung ương khỏi Vụ Văn hóa quần chúng và đổi tên thành Thư viện Quốc gia, trực thuộc Bộ Văn hóa. Thư viện Quốc gia từ một cơ quan thuộc Vụ, thành cơ quan thuộc Bộ, với những nhiệm vụ quan trọng mới: phát triển sự nghiệp và hướng dẫn nghiệp vụ thư viện cho toàn bộ hệ thống thư viện công cộng và xây dựng, hoàn thiện các công cụ tra cứu theo hướng hiện đại hóa; bên cạnh các phòng nghiệp vụ của thư viện còn hình thành một phòng có chức năng đặc biệt là Phòng Nghiên cứu và phát triển sự nghiệp thư viện.
Ông góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện công cộng trên toàn quốc. Vào thời kỳ đó, mỗi tỉnh, huyện đều có thư viện phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của nhân dân. Năm 1960, đã xuất hiện thư viện xã đầu tiên, đó là thư viện xã Nhân Hòa (Hải Phòng), từ đó phong trào thành lập thư viện xã ngày càng được nhân rộng. Hệ thống thư viện công cộng này đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí của nhân dân.
Ông cũng là người góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển ngành Thư viện học Việt Nam. Ông đã cho tổ chức việc nghiên cứu nghiệp vụ, tổ chức một kho tài liệu chuyên ngành thư viện,xây dựng tập san Thư viện, tiền thân của tạp chí Thư Viện Việt Nam ngày nay, để phản ánh, trao đổi các hoạt động sự nghiệp và nghiệp vụ của ngành. Ông tổ chức và chỉ đạo Thư viện Quốc gia làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống thư viện công cộng thông qua các lớp tập huấn được mở đều đặn hằng năm cho các cán bộ thư viện tỉnh, huyện; hướng dẫn cập nhật các công cụ làm việc mới như bảng phân loại, quy tắc mô tả,... Ông cũng soạn bài giảng cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thư viện. Tài liệu “Những chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác thư viện: bài giảng lớp trung học thư viện tại chức” do ông biên soạn là một trong những định hướng quan trọng cho sự nghiệp phát triển thư viện thời bấy giờ. Ngoài việc truyền đạt kiến thức, nghiệp vụ thư viện cho cán bộ thư viện, ông còn truyền cảm hứng, lòng yêu nghề, trách nhiệm đối với sự nghiệp thư viện. Những tư tưởng được truyền đạt trong các bài giảng của ông về việc mỗi cán bộ thư viện phải yêu nghề, phải có thói quen đọc sách, để còn giới thiệu cho bạn đọc biết những cuốn sách hay, phải tổ chức các buổi nói chuyện thơ, văn do các nhà thơ, nhà văn trình bày,… cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp văn hóa, Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Văn hóa,Nghị định số 107 VH/NĐ ngày 11.11.1958 về việc tách Thư viện Trung ương ra khỏi Vụ Văn hóa quần chúng và đổi tên thành Thư viện Quốc gia Việt Nam.
- Trịnh Giễm,25 năm xây dựng và phát triển Thư viện Quốc gia Việt Nam, Công tác Thư viện, 1982, số 3, tr.1-7.
- Từ Kính Đàm,Các sếp mãi là sếp của tôi, tạp chí Thư viện Việt Nam, 2007, số 4, tr.90-93.
- 100 năm Thư viện Quốc gia Việt Nam 1917-2017, Hà Nội, 2017.