Mục từ này cần được bình duyệt
Nguyễn Thiếp

Nguyễn Thiếp (1723-1804) nhà lãnh đạo và quản lý thư viện, nhà Nho, nhà lý học và phong thủy học, nhà chính trị, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật, nhà giáo dục, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1723 (năm Quý Mão) trong một gia đình nhà Nho, tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao (Nguyệt Úc), tổng Lai Trạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An, nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tên húy của ông là Minh, tên tự là Quang Thiếp. Đời Chúa Trịnh Doanh, chữ Quang là quốc húy, nên khi dự kỳ thi Hương ông phải bỏ chữ đệm là “Quang”, lấy tên là Nguyễn Thiếp. Sau này, ông và người đời còn đặt cho ông một số tên tự khác là: Khải Xuyên, Hạn Ham, Lạp Phong cư sĩ, Cuồng ẩn, Điên ẩn, Hạnh Am, và rất nhiều tên hiệu như Hầu Lục Niên, Lục Niên tiên sinh, Hạnh Am tiên sinh, La Giang Phu Tử, La Sơn Phu Tử, La Sơn tiên sinh, Nguyệt Ao tiên sinh.

Thân phụ của ông là cụ Quản lĩnh Nguyễn Quang Trạch, thân mẫu của ông là con cụ Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, người làng Trường Lưu, cùng xã, nổi tiếng đương thời về văn học, có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của ông.

Thời trẻ, NT thiên tư sáng suốt, học rộng, hiểu sâu. Năm 19 tuổi, NT lên Thái Nguyên theo học với chú là Nguyễn Hành. NT chỉ ở Thái Nguyên được hai năm. Sau đó, ông về Thăng Long. Trên đường về, khi đến Đông Anh, ông bị ốm nặng. Vượt qua mọi khó khăn về bệnh tật và nghèo khó, ông dốc sức học hành và năm 21 tuổi sau lần đầu dự thi (năm 1743) đã đậu Hương giải. Sau đó ông tập trung trau dồi tri thức, quan tâm lý giải các vấn đề xã hội, kinh tế, địa lý, văn học, sử học, nghiên cứu binh thư, binh pháp, triết học, lý học, phong thủy học. Vừa tập trung nghiên cứu vừa dành thời gian dạy học khắp nơi, đi đến đâu ông cũng đươc kính trọng coi là bậc thầy về đạo đức, vì thế, năm Bính Tý (1756), đời Vua Lê Hiển Tông, NT được triều đình đặc cách mời ra làm chức Huấn đạo Phủ Anh Đô (Đô Lương và Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), ông đã chuyên tâm tổ chức lại nền giáo dục Phủ Anh Đô. Vài năm sau, triều đình lại bổ dụng ông chức Tri phủ Thanh Giang (Thanh Chương, Nghệ An ngày nay).

Năm Mậu Tý (1768), cám cảnh nước nhà ngày càng suy vong, nhân dân lâm vào cảnh đói khổ, điêu đứng, ông từ quan về núi Thiên Nhẫn (nằm giữa hai huyện Nam Đàn, Nghệ An và Hương Sơn, Hà Tĩnh) dựng trại Bùi Phong mở lớp dạy học. Tiếng tăm về đức độ, học vấn của ông ngày càng vang xa, các vị quốc lão trong triều đình ở Thăng Long nhiều lần viết thư mời ông. Năm 1780, Chúa Trịnh Sâm đặc cách truyền mời ông ra Thăng Long hỏi về quốc sự. Ông đã thẳng thắn khuyên ngăn Trịnh Sâm không nên tiếm quyền Vua Lê. Điều này đã khiến cho sĩ phu Kinh kỳ kinh ngạc và kính phục ông. Để quét hết thù trong, giặc ngoài, mang lại bình yên cho đất nước, Nguyễn Huệ đã ba lần ra Bắc Hà (1786, 1788, 1789), mỗi lần ra Bắc, Nguyễn Huệ đều cho người mang lễ vật và thư mời NT ra giúp nước. Lần thứ nhất ông chối từ, lần thứ hai ông đến gặp Nguyễn Huệ có luận bàn việc nước, nhưng vẫn xin về ở ẩn, lần thứ ba Nguyễn Huệ mang đại quân ra Bắc đánh 29 vạn quân Thanh, khi mời NT đến hỏi mưu lược, ông trả lời: “Nay trong nước trống không, lòng người ly tán. Quân Thanh ở xa lại, tình hình quân ta sức mạnh, sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay. Chúa công ra chuyến này, chẳng qua 10 ngày giặc Thanh sẽ tan”(2). Sau chiến thắng oanh liệt Tết Kỷ Dậu 1789, Nguyễn Huệ viết trong thư cảm ơn NT rằng: “Người xưa bảo: Một lời nói mà lấy nổi cơ đồ. Lời tiên sinh quả có thế thật!”

Sau khi dẹp xong quân Thanh, vua Quang Trung tiến hành ngay công việc khôi phục, xây dựng đất nước. Vua Quang Trung đã tin dùng và năm 1791, giao NT hàng năm khảo sát đức nghiệp và hạnh nghệ để tuyển dùng người tài. Cùng năm 1791, Vua Quang Trung hạ chiếu hỏi ông về đạo tề trị, NT viết tấu lên vua Quang Trung trả lời ba việc về đạo làm Vua: (1) Vua phải làm thế nào để xứng đáng là ông vua có đức; (2) Vua phải làm thế nào để lòng dân quy thuận; (3) Việc giáo dục phải tổ chức thế nào để có hiệu quả. Vua Quang Trung xét thấy những lời tâu của NT rất đúng nên hạ chiếu cho thành lập một thư viện tại Nam Hoa Sơn, nơi NT ở, gọi là Sùng Chính Thư viện (Viện Sùng Chính), phong ông hiệu La Sơn tiên sinh và mời ông làm Viện trưởng với nhiệm vụ: kiểm soát trong các hàng quan tu nghiệp và đến học xem ai là người có tài đức thì tâu lên để Vua trọng dụng;thực hiện các biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài; biên dịch các sách kinh điển chữ Hán ra chữ Nôm; chú sớ các sách kinh điển phục vụ cho việc nghiên cứu, tham khảo, chuẩn bị biên soạn các sách giáo khoa bằng tiếng Việt (chữ Nôm), giúp Vua Quang Trung chuẩn bị căn cứ khoa học ra quyết định quy chế mới về học tập và thi cử tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam. Sùng chính Thư viện là cơ quan thu thập, tàng trữ sách vở của cả nước. NT đã lãnh đạo những những vị hàn lâm nổi tiếng trong Viện như Hàn lâm viện Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch và nhiều Nho sĩ khác phiên âm, dịch chú nhiều bộ kinh điển ra chữ Nôm như các sách Tiểu học, Tam tự kinh, Tứ thư (Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch, Kinh xuân thu). Đáng tiếc là Vua Quang Trung mất quá sớm (1792) nên mọi lo toan cho việc xây dựng một nền giáo dục mới của Vua giao cho NT thực thi giữa đường đứt gánh. Nguyễn Ánh, sau khi lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, đã ra lệnh tiêu hủy hết các công trình của triều Tây Sơn, trong đó có Sùng chính Thư viện cùng toàn bộ sách vở, tài liệu của Thư viện này. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trở lại cuộc sống ẩn dật cho đến khi qua đời ngày 25 tháng chạp năm Quý Hợi (1804), thọ 81 tuổi.

Ngoài dạy học, giúp Vua xây dựng và lãnh đạo Sùng Chính Thư viện, ông còn để lại cho đời sự nghiệp sáng tạo thơ văn bằng ba bộ sách: (1) Lạp Phong văn cảo; (2) Hạnh Am thi cảo; (3) La Sơn thi tập và một số bài thơ Nôm do con cháu và học trò truyền tụng.

Trong suốt cuộc đời đầy sóng gió, khi làm quan hay ẩn sĩ, ông đặc biệt chú trọng vấn đề giáo dục, đào tạo, xây dựng Viện Sùng Chính, trọng dụng nhân tài. Về nội dung dạy và học ông đã phá bỏ lối học từ chương, cầu danh lợi, tập trung vào đào tạo người có đức, có tài. Về tư tưởng, ông hiểu sâu về Nho gia, hâm mộ Đạo Lão, ham mê Đạo Tiên, tinh thông dịch lý, phong thủy. Về chính trị, ông ung dung tiến thoái, là bậc khác thường trong thiên hạ. Ông có nhãn quan chính trị xa rộng, ủng hộ và hợp tác với Nguyễn Huệ, vượt khỏi sự trói buộc của Nho gia đương thời là sự tiến bộ vượt bậc trong tư tưởng. Tiếc rằng, Quang Trung mất sớm nên những sự nghiệp cải cách giáo dục, trọng dụng nhân tài, giáo hóa nhân dân bằng chính học, bằng sách vở, thư viện, phổ biến tri thức, giúp ích cho việc xây dựng quốc gia hưng thịnh do ông đề xuất và trực tiếp thực hiện đã không thành. Nhưng công lao của La Sơn Phu Tử NT luôn được sử sách lưu hương.

Đền thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (Ảnh: Cổng thông tin điện tử sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Tĩnh)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, Hà Nội, Minh Tâm, 1952, gồm các tờ chiếu, biểu triều Tây Sơn (Thái Đức, Quang Trung).
  2. Hoàng Xuân Hãn, dẫn trong La Sơn phu tử, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.1051.
  3. Trần Lê Sáng, Tiếp cận văn hóa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999, tr. 178-204.
  4. Phan Trần Chúc, Việt Nam sử học Triều Tây Sơn, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.113-123.
  5. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016.
  6. Đặng Việt Thủy, Hoàng đế Quang Trung-nhà quân sự kiệt xuất, danh tướng bách chiến, bách thắng, Nxb. Hồng Đức, Công ty cổ phần Tri thức văn hóa sách Việt Nam, Hà Nội, 2018, tr.152-262.