Nguyễn Quyết (s. 1922), là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1987-1991).
Nguyễn Quyết tên khai sinh là Nguyễn Tiến Văn với các bí danh Tâm, Quyến, Tự, sinh ngày 20.8.1922, quê thôn Dưỡng Phú, xã Chính nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1937 học hết tiểu học, Nguyễn Tiến Văn lên Hà Nội làm Thư ký kiêm phát hành Báo Đuốc Tuệ cho Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ, tại chùa Quán Sứ. Ngày 1.5.1938 tham gia cuộc mít tinh do Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức. Năm 1939 được Hoàng Quốc Việt bồi dưỡng và giác ngộ, Nguyễn Tiến Văn về xây dựng Phong trào Phản đế ở Hưng Yên với bí danh là Tâm sau đổi thành Quyến. Đầu năm 1940 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1942 được chỉ định vào Ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo Phong trào Phản đế ở Nam Hưng Yên. Năm 1943 là Tỉnh ủy viên tỉnh Hưng Yên. Năm 1944 tham gia Thành ủy Hà Nội, phụ trách công tác quân sự với bí danh là Tự. Đầu 1945 được chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ủy ban Quân sự Hà Nội, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tại Hà Nội thành công.
Từ tháng 9.1945 đến tháng 12.1946, Nguyễn Tiến Văn lấy tên là Nguyễn Quyết, lần lượt giữ các chức vụ: Ủy viên Chính trị Ủy ban Quân sự Hà Nội, Chính trị viên Chi đội 2, Vệ Quốc quân. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Quyết được Trung ương cử làm Chính trị viên Chi đội 1 (chi đội chủ lực của Ủy ban Kháng chiến miền Nam), chỉ huy Chi đội Nam tiến vào miền Trung, được cử làm Trưởng phòng Chính trị sau làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại Đoàn 31 chủ lực của Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Từ tháng 1.1947 đến tháng 5.1948, Nguyễn Quyết giữ chức vụ Ủy viên Liên khu ủy Liên khu 5, Chính ủy Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng; Ủy viên quân sự trong Ủy ban Kháng chiến liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ tháng 6.1948 đến tháng 5.1951 là Chính ủy Trung đoàn 108, Trung đoàn 803, Liên khu 5. Tháng 6.1951 đến năm 1952 lên Chiến khu Việt Bắc học Lớp Nghiên cứu của Tổng cục Chính trị. Năm 1953 trở lại Liên khu 5, giữ chức Ủy viên Khu ủy, Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 5. Nguyễn Quyết đã cùng Bộ Tư lệnh Khu 5 xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích lớn mạnh; xây dựng Liên khu 5 thành vùng tự do, căn cứ cách mạng, làm hậu phương chiến lược cho Nam Trung Bộ và Nam Đông Dương trong kháng chiến chống Pháp.
Sau khi tập kết ra Bắc, từ tháng 12.1954 đến tháng 10.1955, Nguyễn Quyết làm Phó Chính ủy rồi Chính ủy Đại đoàn 305. Từ tháng 10.1955 đến năm 1963, quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn, Bí thư Quân khu ủy. Từ năm 1964 đến năm 1967 là Phó Chính ủy, Chính ủy Quân khu 3, sau làm Chính ủy Quân khu Tả Ngạn. Năm 1968 vào chiến trường Trị - Thiên đảm nhiệm chức vụ Phó Chính ủy Quân khu Trị - Thiên, kiêm Chính ủy Mặt trận B8, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Trị - Thiên. Từ năm 1969 đến năm 1976, ra miền Bắc tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Quân khu Tả Ngạn, sau đó làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Học viện Quân sự. Từ năm 1977 đến năm 1980, Nguyễn Quyết giữ chức Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 3. Từ năm 1981 đến năm 1986 làm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 3, Nguyễn Quyết đã cùng Bộ Tư lệnh quân khu kết hợp giữa sẵn sàng chiến đấu với xây dựng lực lượng, kết hợp kinh tế với quốc phòng tạo nên phong trào “làm giàu đánh thắng” trong toàn quân khu và có ý nghĩa lan tỏa, được phổ biến sâu rộng trong quân đội.
Từ tháng 4.1986 đến tháng 11.1987, Nguyễn Quyết giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Từ năm 1987 đến năm 1991, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương. Nguyễn Quyết đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị trong quân đội làm tốt công tác tham mưu cho Trung ương Đảng và Đảng ủy Quân sự Trung ương lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1987 đến năm 1992, Nguyễn Quyết được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa IV-VI; Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (1987-1991); Đại biểu Quốc hội từ khóa IV-VI; được thăng quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1986), Đại tướng (1990).
Nguyễn Quyết đã viết nhiều tác phẩm về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, xây dựng quân đội về chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 3 trong kháng chiến và trong sự nghiệp đổi mới. Tiêu biểu: “Quân khu 3 những năm đánh Mỹ” (1989); “Sự nghiệp đổi mới và vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị” (1991); “Quân đội nhân dân và chuyên chính vô sản” (1995)...
Được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào cách mạng, Nguyễn Quyết có nhiều đóng góp quan trọng trong lãnh đạo và chỉ đạo dấu tranh giành chính quyền cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyễn Quyết là một vị tướng toàn năng cả về quân sự, chính trị và kinh tế, ở cương vị nào cũng luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Nguyễn Quyết được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng (2018) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam; Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 723.
- Chân dung tướng lĩnh trong lịch sử Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh (1945-1975), Nxb Lao Động, 2011, tr. 89 - 107.
- Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam quan hai cuộc chiến tranh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 7 - 10.
- 12 vị đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Đồng Nai, 2011, tr. 447 - 451.
- 130 danh tướng, tướng lĩnh Việt Nam trong lịch sử dân tộc và thời đại Hồ Chí Minh (tập 1), Nxb Lao Động, Hà Nội, 2011, tr. 395, 396.
- Đại tướng Nguyễn Quyết, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012.
- Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Các lãnh đạo chỉ huy Quân khu 4 (1945-2015), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tr. 121, 122.