Nguyễn Đổng Chi là một nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian Việt Nam và một số lĩnh vực văn hoá khác như Hán nôm, lịch sử, dân tộc học...
Tiểu sử và cống hiến[sửa]
Ông sinh ngày 6/1/1915 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Nguyễn Hiệt Chi tham gia phong trào Duy Tân ở Nghệ Tĩnh, từng là người đồng sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh (Phan Thiết), về sau dạy học tại Trường Quốc học Huế và Trường Quốc học Vinh; mẹ là người thuộc dòng họ của Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai. Trong gia đình ông còn có nhà dân tộc học PGS Nguyễn Đức Từ Chi; bác sĩ Nguyễn Kinh Chi (Thứ trưởng Bộ Y tế trong thời kháng chiến chống Pháp và Đại biểu Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I – IV); Giáo sư văn học Nguyễn Huệ Chi; Phó giáo sư, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Du Chi.
Khi còn nhỏ, Nguyễn Đổng Chi theo học các trường tiểu học ở Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới; học trung học tại Vinh và đã được học chữ Hán, chữ Nôm tại nhà. Lớn lên, ông tự mày mò từ sách vở và cuộc sống để học tập, lĩnh hội, cập nhật các kiến thức.
Vào năm 18 – 20 tuổi, ông đã cùng anh trai (bác sĩ Nguyễn Kinh Chi) đến vùng Tây Nguyên để nghiên cứu, tìm hiểu đời sống người dân Bana ở Kon Tum. Hai ông đã hoàn thành công trình Mọi Kontum đồ sộ, mà theo đánh giá của PGS.TS lịch sử Andrew Hardy, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội: “là quyển sách đầu tiên về nghiên cứu dân tộc học xuất bản bằng tiếng Quốc ngữ” .
Năm 1935, ông làm phóng viên cho tờ Thanh - Nghệ - Tĩnh (tuần báo có trụ sở tại Vinh), cộng tác với nhiều báo chí trong Nam ngoài Bắc và bắt đầu viết truyện với biệt hiệu Nguyễn Trần Ai.
Năm 1937, ông viết phóng sự “Túp lều nát” và ông đã bị Mật thám Pháp theo dõi. Năm 1939, ông tham gia phong trào dân chủ phản đế, tham gia lãnh đạo Đoàn thanh niên cứu quốc Can Lộc, tổ chức Đội vũ trang cướp chính quyền Can Lộc thành công ngày 15/8/1945 sớm nhất trong toàn quốc. Cuối năm này, ông làm Trợ bút báo Kháng địch, Chủ bút báo Truyền thanh và giữ chức Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An. Cuối 1946 ông ra Hà Nội và tham gia Đội tự vệ tại Khu phố Triệu Việt Vương, cầm cự với quân Pháp ở mặt trận nam Hà Nội trong vòng 2 tháng.
Tháng 3/1947, ông trở về làm công tác kinh tế tài chính ở Khu IV, làm Chánh văn phòng Đồn điền Bà Triệu (Phủ Quỳ), Chánh văn phòng Ban Kinh tài Liên khu IV, làm báo Cứu quốc Liên khu IV và Giám đốc Nhà xuất bản Dân chủ mới Liên khu IV. Năm 1952, ông chuyển sang đi dạy học ở Trường Trung học Nguyễn Hàng Chi (Hà Tĩnh).
Từ năm 1955-1975, ông lần lượt công tác ở Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, Viện Sử học, khởi đầu việc xây dựng hệ thống thư mục chuyên đề về sử học và cùng các học giả khác hiệu đính nhiều công trình dịch thuật Hán Nôm quan trọng của Viện.
Sau 1975, ông là Trưởng ban Hán Nôm (sau này là Viện Nghiên cứu Hán Nôm), rồi Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, cho đến năm 1981 thì chuyển sang làm chuyên viên nghiên cứu của Ban Văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa). Ông đột ngột qua đời vào ngày 20/7/1984 tại Hà Nội khi vừa hoàn thành bản thảo Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh.
Với hơn 50 năm hoạt động trên nhiều lĩnh vực như sáng tác văn học, nghiên cứu văn học viết, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu Hán - Nôm,… ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp to lớn. Trong số đó, cống hiến nổi bật hơn cả của ông là ở lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian. Ông được coi là một trong những nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian hàng đầu, đặc biệt là ông đã có những kiến giải mới về loại hình truyện cổ tích Việt Nam trong tương quan với cổ tích thế giới. Ông là người đầu tiên xâu chuỗi các motif truyện cổ tích Việt Nam với cổ tích của nhiều quốc gia khác.
Công trình tiêu biểu[sửa]
Một số công trình, tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: Mọi Kontum (soạn chung với Nguyễn Kinh Chi, 1937), tái bản với tên Người Ba-na ở Kon Tum (2011), Việt Nam cổ văn học sử (1941) - công trình được nhiều nhà khoa học đánh giá là có vai trò “đặt nền móng cho ngành nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam”, Đào Duy Từ (1943), Hát giặm Nghệ - Tĩnh (1943), Nguyễn Trãi, nhà văn học và chính trị thiên tài (1957), Lược thảo về thần thoại Việt Nam (1956), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập, 1957-1982), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ -Tĩnh (1982 - 1983, in 1995), Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm (Chủ biên, 1983),...
Trong đó, phải kể đến gần 2.000 truyện cổ được ông dành nhiều thời gian, tâm sức đi điền dã khắp các vùng miền để sưu tầm và viết lại. Số truyện trên được ông sử dụng để soạn bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập. Đây cũng là bộ sách nghiên cứu được biên soạn và in trong thời gian lâu nhất (25 năm: 1957-1982). Ông là người đầu tiên phân loại truyện cổ tích Việt Nam thành 3 tiểu loại: Cổ tích thần kỳ; Cổ tích thế sự; Cổ tích lịch sử.
Khi nói về công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, PGS.TS. Trần Hữu Tá nhận định: “Đây có thể sánh ngang về công phu và giá trị với các tên tuổi lớn về sưu tập văn học dân gian như anh em Grimm (Đức), H.C.Andersen (Đan Mạch) … Công trình có những phẩm chất nổi trội: Tác giả đã sưu tầm, lọc lựa, gia công tu chỉnh và phân loại hơn 200 cốt truyện cổ tích tiêu biểu của các dân tộc trong cộng đồng Việt. Phần khảo dị dày dặn hơn nhiều: trên dưới 1.000 đơn vị truyện, nhân vật, hiện tượng hoặc mô-típ tương đồng của các dân tộc anh em và của non 40 quốc gia Âu cũng như Á. Có một mảng của công trình, dài tới 330 trang (80 trang phần thứ nhất của tập 1 và 250 trang phần cuối của tập 5), tác giả đã trình bày hết sức thuyết phục về đặc điểm truyện cổ tích Việt Nam, vấn đề phân loại và phương pháp nghiên cứu truyện cổ tích” . Tác giả Nguyễn Trung Anh trong bài viết trên Tạp chí Văn học số 4 tháng 7 và 9/1984 đã nhận xét về ông: “Cuộc đời Nguyễn Đổng Chi là cuộc đời một người cầm bút phong phú, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, và cũng là một cuộc đời đầy hoạt động”.
== Ở ông điều đáng trân trọng đó là tinh thần làm việc miệt mài, say mê và hết sức cẩn trọng, thêm nữa là sự nghiêm túc trong công việc nghiên cứu sưu tầm tư liệu khoa học. Hình ảnh ông đạp xe từ làng này qua làng khác trong khi sưu tầm truyện cổ tích và các tư liệu văn hoá dân gian còn đọng mãi trong lòng các đồng nghiệp và người dân. Những năm cuối đời, khi tuổi đã cao ông vẫn còn xông xáo lăn lộn đi sưu tầm tư liệu để viết cuốn Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh. Ông là một nhà khoa học hiền lành, khiêm tốn, có thái độ ân cần, nhỏ nhẹ, nhiệt tình giúp đỡ các cán bộ nghiên cứu trẻ, truyền đạt cho họ những kinh nghiệm và lòng say mê nghiên cứu văn hoá. Có thể nói, đóng góp nổi trội nhất của ông là lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam. Những công trình của ông về lĩnh vực này đã góp phần vào việc khẳng định vai trò to lớn của văn học dân gian nói riêng, văn hoá dân gian nói chung trong nền văn hoá Việt Nam.
Vinh danh[sửa]
Với những cống hiến của mình, ông được phong học hàm Giáo sư vào năm 1984; được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996. Tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang… có đường phố mang tên ông.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Xuân Kính (Chủ biên), Các tác gia nghiên cứu văn hoá dân gian, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1995.
- Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian, Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian 20 năm xây dựng và phát triển 1979-1999, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1999.