Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nguyên thủ (Công dân đầu)

Nguyên thủ (Công dân đầu) là chế độ chính trị ở La Mã cổ đại trong thời kỳ chuyển giao từ nền Cộng hòa sang nền độc tài chuyên chế, được mở đầu với quyền lực của Octavius, còn được gọi là chế độ “công dân đầu” (princeps)

Princeps theo tiếng Latinh nghĩa là “người đầu tiên” hoặc “người lãnh đạo”, là danh hiệu không chính thức được các hoàng đế La Mã sử dụng từ Augustus (27 TCN – 14) đến Diocletian (trị vì từ 284 – 305).

Sau khi đánh bại Antonius, Octavius trở về La Mã với những chiến công hiển hách. Ở La Mã lúc đó, các tầng lớp dân tự do La Mã đều mong muốn được hưởng thái bình sau bao năm nội chiến liên miên. Sự đe dọa của một cuộc nội chiến mới, tình trạng rối loạn về kinh tế do chiến tranh gây ra làm cho giai cấp chủ nô La Mã thấy cần phải chấm dứt nội chiến, thiết lập một chế độ độc tài chuyên chế, một chính quyền thật vững mạnh nhằm củng cố nền thống trị trên toàn bộ đế quốc. Octavius vẫn khoác bên ngoài “chiếc áo cộng hòa” nhưng thực ra đã thực hành một nền độc tài chuyên chế thật sự khi trở thành người cầm quyền duy nhất của đế quốc La Mã. Chính quyền của Octavius là một hình thức đặc biệt của chế độ quân chủ chuyên chế. Người đứng đầu nắm mọi quyền bính trong tay: quyền tổng chỉ huy quân đội (imperator), quyền quan chấp chính, quyền quan bảo dân vĩnh viễn, quyền đại giáo chủ toàn La Mã. Những quyền hành đó được trao cho Octavius suốt đời. Ngoài ra, Octavius còn được Viện Nguyên lão suy tôn làm “quốc phụ” và được tặng danh hiệu Augustus, có nghĩa là “Đấng cao cả” mà mọi người phải tôn kính và sùng bái như một vị thần sống.

Mặc dù vậy, Octavius không dám coi thường truyền thống cộng hòa ở La Mã, rút kinh nghiệm từ Xeda nên ông không tự xưng là hoàng đế, mà chỉ tự xưng là Princeps, nghĩa là “công dân số 1”. Tên Octavius được xếp hàng đầu trong danh sách nghị viên Viện Nguyên lão.

Vai trò của Viện Nguyên lão được đề cao, số nghị viên cũng tăng lên tới 600 người, đa số thuộc phe cánh của Octavius. Nhiều chức năng của Đại hội bình dân được chuyển sang cho Viện này. Những quyết định của Viện được coi như là luật pháp. Chính thể đó thực chất là một nền quân chủ chuyên chế trá hình, khoác bên ngoài cái áo cộng hòa.

Trong thời kỳ Octavius chấp chính (27 TCN – 14), đế quốc La Mã đã mở rộng thêm nhiều đất đai. Biên giới phía đông bắt đầu từ sông Euphrates, phía nam đến tận sa mạc Sahara, phía tây tới ven biển Đại Tây Dương, phía bắc lên đến bờ sông Rhine, sông Danube, giáp giới với đất đai của người Giecman. Thủ đô Roma với nhiều cung điện, đền, miếu, rạp hát, các công trình công cộng được xây dựng công phu, nguy nga, tráng lệ đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của một đế quốc thống nhất, hùng cường. Đế quốc trải qua một thời kỳ phồn thịnh chưa từng có, giống như Athens dưới thời đại Perikles.

Năm 14, Augustus chết. Tiberius (con nuôi của Octavius) được chỉ định lên kế vị. Lúc ấy, Viện Nguyên lão đem chức vị và danh hiệu của Augustus trao cho Tiberius. Từ đó bắt đầu có lệ cha truyền con nối.

Dưới thời đại Tiberius (14 – 37), nền đế chế La Mã được củng cố thêm bước nữa. Tiberius, đại biểu cho quyền lợi của giới quý tộc chủ nô, tước đoạt quyền lập pháp và quyền bầu cử của Đại hội bình dân, khiến cho Viện Nguyên lão trở thành cơ quan lập pháp duy nhất. Từ đó, Đại hội bình dân chỉ có danh mà không có thực, nó không còn là một bộ phận trọng yếu trong tổ chức chính trị của La Mã nữa. Chế độ NT đã thật sự biến thành chế độ quân chủ, mặc dù hoàng đế vẫn còn tự xưng là Princeps hay nguyên thủ, và nhiều tổ chức chính trị của thời kỳ cộng hòa còn được duy trì.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, tập 2, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
  2. Lương Ninh (chủ biên), Đinh Ngọc Bảo, Đặng Quang Minh, Nguyễn Gia Phu, Nghiêm Đình Vỳ, Lịch sử thế giới cổ đại, (Tái bản lần thứ tư), NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2000.
  3. Lương Ninh (chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Đinh Ngọc Bảo, Dương Duy Bằng, Lịch sử văn hóa thế giới cổ trung đại, tái bản lần thứ 3, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  4. Robert Payne, Ancient Rome (Rome cổ đại), Ibooks, New York, 2007.
  5. https://www.britannica.com/topic/princeps