Mục từ này cần được bình duyệt
Nguyên tắc tập trung dân chủ

nguyên tắc cơ bản, trọng yếu trong tổ chức và hoạt động của các Đảng Cộng sản trên thế giới, đảm bảo cho các đảng cách mạng có sự thống nhất trong lý tưởng, mục tiêu, đường lối, tổ chức và hoạt động thực tiễn.

V.I. Lenin là người đầu tiên đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về NTTTDC và sử dụng nguyên tắc này làm nguyên tắc cốt yếu trong tổ chức và trong hoạt động của Đảng, trong đó nhấn mạnh rằng tập trung dân chủ là tự do trong thảo luận nhưng thống nhất trong hành động. Theo V.I.Lenin, NTTTDC gồm các nội dung cơ bản sau: Một là, Thiểu số phải phục tùng đa số, bộ phận phục tùng toàn bộ. Mọi đảng viên phải chấp hành nghị quyết của đại hội, bộ phận phải phục tùng toàn thể, phù hợp với lợi ích của toàn đảng; Hai là, Cơ quan tối cao của đảng phải là đại hội, tức là cuộc họp của những người được tất cả các tổ chức có thẩm quyền bầu ra và các nghị quyết của những người ấy phải có tính chất tối hậu quyết định. V.I.Lenin nêu rõ: Tự do thảo luận, thống nhất hành động - đó là những điều mà chúng ta cần phải đạt được; Ba là, Bầu cử cơ quan trung ương của đảng (hay các cơ quan trung ương của đảng) phải trực tiếp và tiến hành tại đại hội. Dân chủ trong NTTTDC của đảng thể hiện ở việc trực tiếp bầu cơ quan lãnh đạo của đảng. Tất cả những người có trách nhiệm trong đảng, tất cả các ban lãnh đạo của đảng, tất cả các cơ quan của đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn. Thứ tư, tuyệt đối phải phục tùng đại hội của đảng và phục tùng tổ chức tương đương của đảng ở trung ương hay ở địa phương. Khi các quyết định của đảng được ban hành thì tổ chức thực hiện phải thống nhất hành động; song còn bao hàm quyền khiếu nại của đảng viên lên cơ quan trung ương; Thứ năm, Tư cách đảng viên phải được quy định thật rõ ràng; Thứ sáu, Quyền hạn của mọi phái thiểu số trong đảng cũng phải được quy định rõ ràng trong điều lệ đảng.

Tập trung và dân chủ là hai mặt của một nguyên tắc, nó có quan hệ biện chứng với nhau. Tập trung trong đảng không đối lập với dân chủ mà phải trên cơ sở dân chủ. Mặt khác, dân chủ trong đảng dưới sự chỉ đạo của tập trung nhằm thực hiện tập trung tốt hơn. Tuyệt đối hóa tập trung sẽ dẫn đến tập trung quan liêu. Tuyệt đối hóa dân chủ sẽ trở thành dân chủ không có tổ chức, không lãnh đạo được và vô chính phủ, hỗn loạn. Về bản chất, chế độ tập trung dân chủ, một mặt, khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và mặt khác, khác xa chủ nghĩa vô chính phủ.

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định và coi trọng việc thực hiện nghiêm NTTTDC trong tổ chức và hoạt động. Trong những tác phẩm của chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các bản Điều lệ của Đảng có khi ghi là dân chủ tập trung, có khi ghi là tập trung dân chủ. Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 10-1930, Điều lệ Đảng do Đại hội I (3.1935) và Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam (02.1951) đều ghi là dân chủ tập trung, nhưng từ Đại hội III của Đảng tới nay thì lại ghi là tập trung dân chủ. Tuy rằng có sự khác nhau trong cách diễn đạt, song xét về nội dung thì dù gọi là dân chủ tập trung hay tập trung dân chủ thì đều có nội hàm giống nhau. Trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2011) ghi rõ Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo NTTTDC; nguyên tắc này được quy định tại Điều 9 Điều lệ Đảng với 6 nội dung: 1) Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. 2) Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy). 3) Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình. 4) Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. 5) Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số. 6) Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.

NTTTDC được hiến định trong Điều 8 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, xác định đây là một trong những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện NTTTDC.

Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán nhận thức rằng: Tập trung dân chủ là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời tập trung với dân chủ, càng không thể đối lập giữa tập trung và dân chủ. NTTTDC hướng tới sự thống nhất sau khi đã bàn bạc dân chủ. Tập trung không trên cơ sở dân chủ thì sẽ trở thành tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, dân chủ mà không đi tới tập trung thì sẽ rơi vào tình trạng vô tổ chức, hỗn loạn, chia rẽ. Tùy tình hình, nhiệm vụ của Đảng trong từng thời kỳ, mà nội dung cụ thể, cách thực hiện và phạm vi áp dụng NTTTDC có sự khác nhau, nhưng không coi tập trung hay dân chủ là chính còn mặt kia là phụ.Việc giữ vững và tuân thủ NTTTDC một cách đúng đắn và nghiêm ngặt có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh và vai trò lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy mà Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách…”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.16-19.

2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013

3. PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo quan điểm của V.I.Lênin. Tạp chí Lý luận chính trị, số 10-2015