Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nguồn gốc địa hình

Nguồn gốc địa hình là những yếu tố nổi trội trong quá trình hình thành địa hình. Địa hình bề mặt mặt đất được hình thành là kết quả của tác động tương hỗ giữa các quá trình nội sinh và ngoại sinh. Đây là hai quá trình luôn xảy ra đồng thời và ngược hướng, song địa hình có thể được cho là có nguồn gốc nội sinh hay ngoại sinh tùy theo quá trình nào là chủ đạo. Các quá trình nội sinh, có nguồn năng lượng sinh ra từ trong lòng đất, chủ yếu là các chuyển động kiến tạo, biến vị uốn nếp, đứt gãy, động đất, hoạt động magma. Địa hình có nguồn gốc này thường có quy mô cỡ hành tinh như các khối lục địa, bồn trũng đại dương,... quy mô rất lớn như miền núi, miền sơn nguyên, miền đồng bằng đại lục trong miền nền cổ,... hoặc cỡ lớn như các dải núi và các bồn trũng trong miền núi,... song cũng có thể bắt gặp ở quy mô nhỏ hơn như đối với các dạng địa hình sườn kiến tạo, địa hình núi lửa.

Quá trình ngoại sinh, có nguồn năng lượng bức xạ Mặt trời, thể hiện dưới dạng hoạt động của trọng lực, nước, gió, băng hà, sinh học,... Địa hình có nguồn gốc ngoại sinh có thể phân loại chi tiết theo các tác nhân tạo địa hình nêu trên, ví dụ như địa hình nguồn gốc trọng lực, địa hình nguồn gốc dòng chảy, địa hình nguồn gốc gió,... trong đó theo quá trình bóc mòn (tùy theo từng loại tác nhân có thể có tên riêng) hay tích tụ mà nguồn gốc địa hình có thể được chỉ ra cụ thể hơn. Ở Việt Nam thường phổ biến một số dạng địa hình như địa hình nguồn gốc trọng lực bao gồm các bề mặt san bằng, sườn bóc mòn, sườn đổ lở, nón đổ lở, vạt gấu đổ lở, vạt gấu sườn tích; địa hình nguồn gốc dòng chảy tạm thời có các dạng rãnh xói, mương xói, máng xói, máng tích tụ, nón phóng vật; địa hình nguồn gốc dòng chảy thường xuyên có thung lũng sông, bãi bồi, thềm sông, thềm tích tụ - xâm thực; địa hình nguồn gốc gió (địa hình phong thành) có các đụn cát, trũng thổi mòn; địa hình nguồn gốc biển với tác nhân chủ yếu sóng, triều và các dòng ven bờ có các địa hình vách mài mòn, nền mài mòn, thềm mài mòn, bãi triểu, bãi biển, bar cát, thềm biển tích tụ; địa hình karst thành tạo chủ yếu bởi tác nhân nước dưới đất với các dạng đặc trưng: karst dạng nón, karst dạng tháp, ca rư, phễu, giếng, cánh đồng karst, hang karst và các dạng tích tụ thạch nhũ trong hang động như chuông đá, măng đá,...

Xét về nguồn gốc có tính đến quá trình địa mạo ưu thế, các dạng địa hình cỡ hành tinh (kích thước 107-106 km2), cỡ rất lớn (106-105 km2), cỡ lớn (105-102 km2) và một số dạng cỡ trung bình (102-10 km2) được hình thành do nội sinh, trong khi các dạng có quy mô nhỏ hơn, thường là địa hình cỡ nhỏ (<10 km2) và trung bình (102-10 km2), có nguồn gốc từ ngoại sinh. Nhìn chung, quá trình ngoại sinh có thể làm phức tạp hoặc đơn giản hóa địa hình nguồn gốc nội sinh. Trong một số trường hợp, các tác nhân ngoại sinh, làm phức tạp quá trình địa hình nội sinh, tạo ra các dạng trung địa hình và vi địa hình có quy mô nhỏ hơn; trong một số trường hợp khác, chúng xóa đi các bất thường tạo ra bởi các quá trình nội sinh; ở một số trường hợp khác nữa, địa hình nội sinh bị chôn vùi hoặc biến đổi do hình thành các dạng tích tụ khác nhau. Do tính chất nguồn gốc phụ thuộc vào quy mô kích thước địa hình nên tùy theo diện tích khu vực và mục đích sử dụng mà bản đồ địa mạo được thành lập với các nguyên tắc khác nhau mặc dù cùng thể hiện nguồn gốc, hình thái và lịch sử phát triển địa hình. Thông thường các bản đồ tỷ lệ nhỏ, mang tính khái quát, chú trọng thể hiện các địa hình nguồn gốc nội sinh và ngược lại các bản đồ tỷ lệ lớn chú trọng thể hiện các địa hình nguồn gốc ngoại sinh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đào Đình Bắc, Địa mạo đại cương. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 312tr., 2000.
  2. Lê Đức An (chủ biên), Uông Đình Khanh, Địa mạo Việt Nam: Cấu trúc - tài nguyên - Môi trường, Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, 659tr., 2012
  3. Xpiridonov A.I., Phương pháp nghiên cứu và lập bản đồ địa mạo (Đào Trọng Năng và Phí Công Việt dịch từ nguyên bản tiếng Nga), Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 278tr., 1982.
  4. Уфимцев Г.Ф., Тимофеев Д.А., Симонов Ю.Г., Генезис рельефа, Издательство: Наука, Сиб. предприятие РАН, 172 стр, 1998.