Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nguồn động viên

Nguồn động viên là lực lượng dự bị động viên và phương tiện vật chất có thể huy động để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh.

Nguồn động viên phụ thuộc vào quy mô dân số, tổ chức quân sự, kế hoạch động viên, sự phát triển của nền kinh tế, khoa học kỹ thuật, khả năng điều hành của chính phủ... Nắm chắc và sử dụng tốt nguồn động viên có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến việc hoàn thành chỉ tiêu động viên và xây dựng lực lượng dự bị động viên. Nguồn động viên được đăng kí, quản lí chặt chẽ, định kì có kiểm tra sẵn sàng động viên, huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng thích ứng với yêu cầu của chiến tranh theo quy định của pháp luật. Nguồn động viên thường bao gồm số đã xếp vào đơn vị dự bị động viên (trong đó có nguồn tăng cường đầu tiên, nguồn bổ sung cơ bản) và có Nguồn động viên dự trữ theo tỉ lệ phần trăm quy định. Những nước có Nguồn động viên lớn nhất thế giới hiện nay là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ở Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể Nguồn động viên (Luật Quốc phòng năm 2018, Luật lực lượng dự bị động viên 2019, Pháp lệnh động viên công nghiệp năm 2003,...). Nguyên tắc xây dựng Nguồn động viên tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguồn động viên gồm ba đối tượng: lực lượng dự bị động viên, phương tiện vật chất nền kinh tế quốc dân và động viên công nghiệp. Lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân. Quân nhân dự bị bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định của pháp luật. Phương tiện kỹ thuật dự bị là tài sản của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện đường thủy, phương tiện đường không dân dụng, phương tiện xây dựng cầu đường, phương tiện xây dựng công trình, phương tiện xếp dỡ hàng hóa, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị vật tư y tế và một số loại phương tiện, thiết bị khác được đăng ký theo yêu cầu biên chế của Quân đội nhân dân. Phương tiện vật chất nền kinh tế quốc dân, gọi chung tài sản, vật dụng, vật phẩm và công cụ dùng để bảo đảm cho LLVT gồm các loại trang bị, nguyên liệu, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, các vật dụng sinh hoạt, y tế... Động viên công nghiệp là huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực sản xuất, sửa chữa của doanh nghiệp công nghiệp ngoài lực lượng vũ trang để sản xuất, sửa chữa trang bị cho Quân đội. Động viên công nghiệp được chuẩn bị từ thời bình và thực hành động viên trong trường hợp động viên cục bộ, tổng động viên và trong chiến tranh. Động viên công nghiệp chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, luyện kim, hóa chất và điện tử (dây chuyền sản xuất, sửa chữa bao gồm cả phương tiện vật chất và con người), không áp dụng đối với doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn động viên được huy động sử dụng một phần khi có lệnh động viên cục bộ, được huy động sử dụng đến mức cao nhất khi có lệnh tổng động viên. Việc quyết định huy động, sử dụng Nguồn động viên được quy định theo phân cấp. Việt Nam hiện là quốc gia có tiềm lực quân sự, Nguồn động viên khá lớn với lực lượng dự bị động viên khoảng 5 triệu người cùng với nhiều loại phương tiện vật chất khác được phân bố phù hợp trên từng khu vực, địa bàn và cả nước để sẵn sàng động viên khi cần thiết. Quá trình xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần trực tiếp nâng cao nguồn động viên công nghiệp, tăng cường phương tiện cần thiết cho Nguồn động viên chung cả nước. Việc đăng ký, quản lý, bồi dưỡng và xây dựng kế hoạch huy động Nguồn động viên ngày càng được thực hiện chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ quốc hội số 09/2003/PL-UBTVQH 11 về động viên công nghiệp, 2003.
  2. Nghị định Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh động viên công nghiệp, 2004.
  3. Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  4. Nghị định số 79/2020/NĐ-CP Quy định chế độ chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
  5. Luật Lực lượng dự bị động viên, 2019.