Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nghi lễ Then

Nghi lễ Then là một hình thức sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của người Tày gồm nhiều loại nghi lễ khác nhau: nghi lễ lẩu Then, nghi lễ Then cầu an, nghi lễ Then chúc tụng, nghi lễ Then chữa bệnh, nghi lễ Then bói toán, nghi lễ Then cầu mùa và nghi lễ Then tống tiễn. Các Nghi lễ Then thường được tổ chức tại nhà riêng của các khách hàng hoặc của chính ông/bà Then. Ở các nghi lễ này, ông/bà Then thông qua lời hát tiếng đàn của mình diễn tả một hành trình tưởng tượng từ mặt đất lên thế giới của tổ tiên/thánh thần/Ngọc Hoàng để dâng lễ vật và cầu xin sự phù hộ độ trì.

Nguồn gốc[sửa]

Nguồn gốc của Nghi lễ Then có ba giả thuyết. Dân gian kể rằng, Nghi lễ Then có từ thời vua Lê đem quân lên Cao Bằng dẹp loạn (?). Ngày ấy quan quân của nhà vua hầu hết là người miền xuôi hoặc từ các vùng khác tới. Khi đến Cao Bằng, chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã không chịu được thổ nhưỡng, khí hậu khắc nhiệt của miền núi. Nhiều người bị ốm và số lượng cứ tăng dần lên đến hàng ngàn người. Trước tình cảnh đó một nhóm người đã bày ra cách làm Then; họ sử dụng thể thơ song thất – một thể thơ phổ biến trong dân ca sli, lượn của người địa phương kết hợp với nhạc đệm bằng đàn tính. Từ khi có Nghi lễ Then xuất hiện, quan quân của nhà vua liền hết bệnh. Nhà vua thấy vậy rất vui mừng và cho phép các Nghi lễ Then được truyền bá ra ngoài dân chúng. Lại có giả thuyết khác cho rằng, Nghi lễ Then ban đầu là do một phường hát chuyên nghiệp trong cung đình nghĩ ra. Ý kiến này dựa trên cơ sở nội dung của các chương đoạn trong lời hát Then gồm “pắt phu” (bắt lính), “khảm hải” (vượt biển)…vv. Cuối cùng, có một giả thuyết khác chỉ ra rằng Nghi lễ Then xuất hiện từ thời nhà Mạc lên đất Cao Bằng (tức khoảng từ 1594-1677). Giả thuyết này dựa trên phân tích của tác giả Nông Hoa Cương về câu chuyện thơ Nôm Tày “Phá tề tể phi ôn”. Theo ông Hoa Cương, Nghi lễ Then là do Bế Phùng, người làng Đán Vạn, thuộc huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng đặt ra để phục vụ vua quan nhà Mạc:

“Thời vua Mạc cầm quyền dú nẩy Việc sloong quân hất đẩy vua khen Đẩy dân slon hát truyền oóc mại Là Hoàng Quỳnh đặt đẩy tàng dàng Bế Phùng tặt oóc tàng Vựt tính…”

Nội dung[sửa]

Trong quá trình tồn tại và phát triển, các Nghi lễ Then đã gặp không ít khó khăn. Vào những năm 1960, chúng bị coi là “mê tín dị đoan”. Thời kỳ này, nhiều ông/bà Then bị thu giữ dụng cụ hành nghề và được vận động ký cam kết không thực hiện nghi lễ. Hệ quả của việc cấm đoán này đã khiến các Nghi lễ Then gần như dừng hẳn hoặc chỉ được thực hiện một cách giấu giếm. Từ sau Đổi mới 1986, khi Nhà nước ban hành các chính sách mới về văn hoá, khuyến khích sự phát triển các thực hành văn hoá dân tộc, các Nghi lễ Then mới được hồi sinh, xuất hiện công khai trở lại ở các gia đình và được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền hình, đài phát thanh, sân khấu biểu diễn cũng như ở một số bảo tàng dân tộc trong cả nước.

Nội dung của các Nghi lễ Then phong phú, có qui mô lớn nhỏ khác nhau tuỳ thuộc vào mục đích đặt ra. Trong các Nghi lễ Then nêu trên, nghi lễ lẩu Then là nghi lễ lớn (đại lễ) và chỉ dành cho các ông/bà Then với mục đích cấp sắc, thăng sắc. Để tổ chức một Nghi lễ Then lớn như vậy, người chủ lễ (tức ông/bà Then đứng ra tổ chức) phải hội đủ đồng thời tất cả các điều kiện: tài chính, thành tựu nghề nghiệp và đặc biệt là họ phải nhận được sự chấp thuận, ủng hộ của thày dạy. Trong suốt quá trình làm nghề, một ông/bà Then chỉ có thể tổ chức từ 1-3 nghi lễ lẩu Then.

Nghi lễ[sửa]

Các nghi lễ lẩu Then hội tụ nhiều người tham gia; họ là đồng môn hoặc thày dạy của ông/bà Then chủ lễ. Mỗi một nghi lễ sẽ diễn ra trong 3 ngày. Ở ngày đầu tiên, các ông/bà Then thực hiện nghi thức “mở đường” (phát tàng), đi từ trần gian (nơi diễn ra nghi lễ) lên trời, tới nơi ở của Ngọc Hoàng, vị thần chủ cao nhất trong điện thần. Và trong hai ngày tiếp theo, họ mới chính thức mời các vị thần xuống kiểm lễ, chấp lễ và cấp sắc/thăng sắc, ban lộc cho chủ lễ, gia đình chủ lễ cùng các con nhang đệ tử.

Mở đầu nghi lễ lẩu Then các ông/bà Then mặc trang phục áo chàm truyền thống, ngồi xếp bằng, hai chân khoanh tròn, lưng thẳng, mặt hướng về phía bàn thờ nơi có khói hương nghi ngút cháy, tay cầm cây đàn tính và cạnh đó là một bộ nhạc xóc đặt trên một tấm vải hình chữ nhật. Các ông/bà Then vừa đánh đàn vừa hát và xóc nhạc diễn tả một cuộc hành trình vất vả lên cõi siêu nhiên. Trong hành trình tưởng tượng ấy các ông/bà Then đi qua nhiều vùng đất, khi thì gặp cảnh phố chợ tấp nập, đông vui, trai thanh, gái lịch, lúc lại chứng kiến lời khóc than oán thán của những linh hồn bị phạt chết hoặc phải vất vả vượt biển lớn, đường đèo, dốc núi, hay chiến đấu với ma dữ… vv. Những nơi các ông/bà Then phải đi qua mặc dù không thống nhất ở tất cả mọi nghi lễ song về cơ bản, hành trình đó gồm: (1) cửa Thổ công (thuộc địa phận cai quản của một ông già râu tóc bạc phơ, biết nhiều chuyện trong làng ngoài bản); (2) cửa Thành hoàng (thuộc nơi quản lý của một người lớn tuổi và hiểu biết rộng; nơi đó có thể là một xã hoặc một vùng); (3) cửa Táo quân (nơi ở của vị thần “quản lý hộ khẩu” trong gia đình, vị thần này thường giúp bảo vệ con người và gia súc); (4) cửa Đẳm (nơi trú ngụ của các linh hồn tổ tiên ở trên trời); (5) cửa Pháp (nơi tổ sư của các thầy Then cư ngụ); (6) cửa Tướng (nơi có linh hồn của những người làm Then trong dòng họ trú ngụ); (7) đường ve sầu (nơi ở của các linh hồn chết trẻ, chết bất đắc kỳ tử); (8) cửa Cắp kính (nơi có linh hồn của những thầy Then bị phạt chết vì đã vi phạm các quy định kiêng kỵ); (9) cửa ông Khuông, ông Khắc (nơi ở của hai nhân vật khổng lồ có tên là Khuông và Khắc); (10) cửa biển; (11) cửa Vua (nơi ở của Ngọc Hoàng). Tại mỗi nơi đi qua, các ông/bà Then đều dừng lại, trình bày lý do vì sao tổ chức nghi lễ và dâng cúng lễ vật trước khi rời đi. Sau mỗi một lần vượt qua được thử thách khó khăn lớn trên đường (ví dụ vượt qua biển), họ sẽ tạm nghỉ (không xóc nhạc) và múa chầu, hát giao lưu những người tham dự đang có mặt.

Ở các ngày lễ chính, các ông/bà Then sẽ mặc trang phục áo dài truyền thống màu đỏ, đầu đội mũ nghi lễ thêu/trang trí hoa văn để mời các vị thần linh nhập đồng kiểm tra, chấp lễ và cấp sắc/thăng sắc ban lộc cho chủ lễ, thành viên trong gia đình và con nhang đệ tử. Các vị thần linh nhập xuống trong nghi lễ lẩu Then đa dạng, có nguồn gốc nhân thần, thuộc thế hệ tổ tiên của dòng họ (Tướng Tổ, Vua Ba) hay thuộc về một dân tộc khác (Tướng Hác, bà Pháp Hác) và cũng có những vị thần xuất thân từ nhiên thần (Ngọc Hoàng, Tướng Hiển, Tướng Quét Trạm Then...). Mỗi khi có một vị thần nhập xuống, các ông/bà Then sẽ bắt chước những động tác, cử chỉ, ngôn ngữ tương ứng với vị thần đó để giao tiếp với người có mặt.

Một nghi lễ lẩu Then thường có đông người đến dự. Ở những ngày lễ chính, số người có mặt có thể lên tới vài chục và thậm chí là hàng trăm người. Họ là bạn bè, người thân hoặc con nhang đệ tử của ông/bà Then chủ lễ. Những người tham dự đến với nghi lễ vì nhiều mục đích. Họ đến để chúc mừng cho ông/bà Then chủ lễ được cấp sắc/thăng cấp, để trả món nợ ân tình vì đã được giúp đỡ hay đơn giản chỉ vì tò mò/yêu thích xem và nghe các ông/bà Then múa, hát...vv. Như một tục lệ, khách tới tham dự nghi lễ lẩu Then sẽ mang theo quà tặng. Đó là các hiện vật (gạo, rượu) và tiền mặt.

Đồ cúng[sửa]

Đồ cúng trong các nghi lễ lẩu Then tuỳ theo nội dung/trình tự/diễn biến của nghi lễ, sẽ có sự điều chỉnh tương ứng. Ở ngày đầu tiên, khi các ông/bà Then thực hiện nghi thức “mở đường” đồ cúng là: bánh bỏng gạo, bánh dày, bánh gai, rượu nếp, rượu gạo, thuốc lá, xôi nếp, cơm tẻ, thịt lợn và 1 con gà (đã mổ nhưng chưa luộc). Ở ngày lễ chính, khi thực hiện nghi thức mời thần linh nhập đồng để chấp lễ và cấp sắc/thăng sắc, ban lộc thì ngoài các đồ cúng đã nêu còn có thêm 1 con lợn (đã mổ để nguyên con), 1 con lợn quay, 1 chum rượu nếp, 3 con gà luộc và các loại bánh trái, hoa quả.

Các Nghi lễ Then còn lại gồm nghi lễ Then chữa bệnh, nghi lễ Then bói toán, nghi lễ Then chúc tụng, nghi lễ Then cầu an và nghi lễ Then tống tiễn có quy mô nhỏ hơn so với nghi lễ lẩu Then. Các Nghi lễ Then này là để dành cho các khách hàng, thực hiện theo yêu cầu của khách hàng và diễn ra tại nhà của khách hàng, trừ trường hợp của nghi lễ Then bói toán. Nghi lễ Then cầu an thường được tổ chức vào mùa xuân (đầu năm) để cầu bình an, hạnh phúc và tài lộc cho gia chủ. Nghi lễ Then chúc tụng thì được tổ chức vào những dịp gia đình có việc vui như mừng nhà mới hay mừng đầy tháng con đầu lòng. Nghi lễ Then chữa bệnh có thể được tổ chức ở mọi thời điểm trong năm khi gia đình có người bị ốm; nghi lễ Then chữa bệnh có mục đích tìm và “chuộc hồn” người ốm trở về với thân xác. Nghi lễ Then bói toán là để dự đoán tình duyên, vận mệnh cho các nam nữ thanh niên hoặc để tra cứu nguyên nhân vì sao một người bị ốm; loại nghi lễ này do đó có thể được tổ chức ở nhà của ông/bà Then. Nghi lễ Then tống tiễn được tổ chức trong trường hợp gia đình có qua đời; nghi lễ này là để tiễn hồn ma của người chết ra khỏi nhà, không cho quấy nhiễu người thân.

Thời điểm tổ chức của các Nghi lễ Then theo yêu cầu vì mục đích chữa bệnh, bói toán, cầu bình an, chúc tụng/chúc mừng hoặc để tống tiễn hồn ma người chết do các khách hàng và gia đình của họ lựa chọn. Không phải tất cả các gia đình có người bị ốm đều tổ chức nghi lễ Then chữa bệnh. Chỉ những trường hợp có người bị ốm lâu ngày, sau khi đi khám và uống thuốc ở các cơ sở y tế không khỏi, cộng thêm có những biểu hiện mà dân gian hay gọi là “bệnh âm” mới tìm đến nhờ cậy ông/bà Then. Họ sẽ được các ông/bà Then thực hiện một nghi lễ xem bói, kéo dài vài chục phút để truy vấn nguyên nhân bị ốm. Có những gia đình phải sau rất nhiều lần đi xem bói như vậy, mới đồng ý tổ chức một nghi lễ Then chữa bệnh cho người thân tại nhà. Tương tự, với các nghi lễ Then chúc tụng, nghi lễ Then cầu an hay nghi lễ Then tống tiễn, các gia đình có thể tổ chức hoặc không. Có trường hợp chọn mời thầy Tào hoặc thầy Mo tới làm lễ.

Các Nghi lễ Then theo yêu cầu vì mục đích cầu an, chúc tụng, chữa bệnh, bói toán và để tống tiễn linh hồn người chết chỉ do một ông/bà Then thực hiện. Thời gian của buổi lễ kéo dài 1 ngày đêm hoặc diễn ra trong vài chục phút như với nghi lễ Then bói toán để tìm hiểu nguyên nhân vì sao một người bị ốm. Trong các nghi lễ ấy, các ông/bà Then không mặc trang phục áo dài đỏ hay đầu đội mũ nghi lễ như ở trong các nghi lễ lẩu Then. Họ mặc áo dài màu chàm hoặc trang phục thường ngày tuy nhiên đó phải là những bộ trang phục còn mới. Hành trình đi vào thế giới siêu nhiên để dâng lễ vật ở các Nghi lễ Then này cũng không bao gồm tất cả 11 cửa hay có nghi thức thỉnh mời thần linh nhập đồng. Ở các Nghi lễ Then loại này, ông/bà Then chỉ thỉnh mời linh hồn tổ tiên của gia chủ nhập xuống nhắc nhở, dặn dò con cháu. Đồ cúng trong các Nghi lễ Then theo yêu cầu cũng đơn giản. Ở nghi lễ Then bói toán, đồ cúng chỉ có lon gạo và chút ít tiền mặt để đặt lễ (tuỳ tâm). Còn với các Nghi lễ Then theo yêu cầu còn lại vì các mục đích chữa bệnh, cầu an và chúc tụng thì đồ lễ gồm: thịt gà, thịt lợn, vịt (còn sống) và bánh kẹo, hoa quả và rượu trắng. Số lượng khách tham dự ở các Nghi lễ Then theo yêu cầu chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, dòng họ, thông gia và bạn bè thân thiết. Riêng đối với các nghi lễ Then chữa bệnh, số lượng khách mời rất hạn chế, chỉ gồm những người thân trong gia đình.

Các Nghi lễ Then có một vị trí quan trọng trong nghiên cứu văn hoá dân gian. Về mặt loại hình chúng được xếp vào nhóm nghi lễ Saman giáo – một nhóm nghi lễ phổ biến ở trên thế giới với đặc trưng là hiện tượng nhập và xuất hồn. Trong các Nghi lễ Then, ông/bà Then vừa là thầy Saman có khả năng siêu phàm vừa là người nghệ nhân giỏi chơi đàn tính và múa, hát dân ca.

Hiện nay, các Nghi lễ Then rất phổ biến; chúng không chỉ có ở người Tày mà còn xuất hiện ở một số đân tộc khác như người Nùng và người Thái Trắng ở một số tỉnh Tây Bắc. Ghi nhận giá trị của các Nghi lễ Then, từ năm 2012 đến nay, Nhà Việt Nam đã lần lượt tôn vinh Nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quang Ninh và Lao Cai, coi đó là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Gần đây, sau nhiều nỗ lực đề xuât vào tháng 12/2019, Nghi lễ Then đã được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nhiều tác giả, Mấy vấn đề về Then Việt Bắc, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1978.
  2. Hà Đình Thành (chủ biên), Văn hoá tín ngưỡng Then, Tào, Mo của người Tày, Nùng ở Việt Nam, Thư viện Viện Văn hoá dân gian, Bản đánh máy, năm 1999.
  3. Đoàn Thị Tuyến, Then một hình thái Shanman giáo, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, năm 2000, tr.39-44.
  4. Nguyễn Thị Hiền, Người diễn xướng Then: Nghệ nhân hát dân ca và thầy saman, in trong: Việt Nam học – Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2000.
  5. Nguyễn Thị Yên, Then Tày, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.
  6. Đoàn Thị Tuyến, Sự hồi sinh của nghi lễ Then và vấn đề bảo tồn văn hóa tộc người trong xã hội Việt Nam đương đại, in trong cuốn: Di sản văn hoá trong xã hội Việt Nam đương đại, do Lê Hồng Lý và Nguyễn Thị Phương Châm chủ biên, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2014.