Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nghiện ma tuý

Nghiện ma tuý là khi cơ thể phải sử dụng ma túy để có thể sinh hoạt bình thường. Khi thiếu ma túy, người nghiện ma túy sẽ cảm thấy bị hành hạ tinh thần, thể xác không chịu được, bằng mọi giá phải sử dụng được ma túy nên có thể gây ra những hậu quả xấu cho sức khỏe đặc biệt là khả năng kiểm soát hành vi và cho cả xã hội.

Ma túy là chất kích thích thần kinh gây cảm giác như giảm đau, hưng phấn, dễ chịu, buồn ngủ mà nếu dùng nhiều lần thì cơ thể đòi hỏi phải sử dụng lại chất này nếu không sẽ cảm thấy rất khó chịu. Ma tuý nhóm Opiats là những chất có nguồn gốc thuốc phiện và những chất có đặc điểm dược lý tương tự thuốc phiện, bao gồm: thuốc phiện, morphin, heroin… ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá.


Heroin, một chất Ma Tuý và thuốc phiện mạnh

Thống kê[sửa]

Nghiện các chất dạng thuốc phiện, hiện nay vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, cả về sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế, xã hội. Tính đến 2019, trên toàn quốc có khoảng hơn 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Mỗi năm, nước ta có thêm 10.000 người nghiện ma túy và có xu hướng trẻ hóa. Có trường hợp nghiện ma túy là học sinh trung học cơ sở.

Tính đến tháng 4-2020, cả nước có 95 cơ sở cai nghiện nghiện ma túy công lập và 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được cấp phép hoạt động. Tổng số học viên đang được quản lý tại các cơ sở cai nghiện này là khoảng gần 35.000 người. Hiện cả nước đã có hơn 54.000 người nghiện ma túy đang được điều trị bằng Methadone.

Chẩn đoán[sửa]

Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện ma túy nhóm Opiats gồm:

Tiêu chuẩn lâm sàng:

- Thèm muốn mạnh mẽ hoặc cảm thấy buộc phải sử dụng ma túy.

- Xuất hiện hội chứng cai ma túy khi ngừng hoặc giảm đáng kể liều lượng ma túy đang sử dụng hoặc phải dùng lại ma túy để làm giảm nhẹ triệu chứng hoặc làm mất hội chứng cai ma túy.

- Có khuynh hướng tăng liều để chấm dứt hậu quả do liều thấp gây ra.

- Sao nhãng các thú vui, sở thích, công việc trước đây bằng việc tìm kiếm và sử dụng ma túy.

- Tiếp tục sử dụng ma túy mặc dù biết tác hại, thậm chí đã có bằng chứng rõ ràng về tác hại của ma túy đối với bản thân gia đình và xã hội.

Có đủ tối thiểu 3 trong 6 nhóm triệu chứng trên đã được biểu hiện vào một lúc nào đó trong vòng 12 tháng trở lại đây.

Tiêu chuẩn xét nghiệm:

Phải xác định được sự có mặt của ma túy trong nước tiểu. Có thể sử dụng một trong các phương pháp sau: Test nhanh (thường sử dụng để sàng lọc), sắc ký lớp mỏng, sắc ký khí, sắc ký lỏng hiệu năng cao.

Quá trình khám để kết luận người nghiện ma túy nhóm Opiats, có thể gặp một trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1 Trường hợp 2 Trường hợp 3 Trường hợp 4
Tiêu chuẩn lâm sàng Đủ Không có Đủ Không đủ
Tiêu chuẩn xét nghiệm Dương tính (+) Âm tính Âm tính Nghi ngờ (±)
Kết luận nghiện không nghiện Làm lại xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm vẫn (-) làm thêm nghiệm pháp Naloxone làm nghiệm pháp Naloxone

Khi nghiệm pháp Naloxone âm tính (-) nhưng xét nghiệm nước tiểu dương tính (+) có thể đó là dương tính giả hoặc đương sự có sử dụng một loại thuốc có dẫn xuất dạng thuốc phiện để chữa bệnh như Terpin codein, Opizoic (viên rửa), (để biết rõ, cần hỏi thêm trong 1-2 ngày nay họ có sử dụng những loại thuốc gì để xác định đó có phải là thuốc có dẫn xuất của nhóm Opiats hay không). Nghiệm pháp Naloxone chỉ được thực hiện tại bệnh viện tuyến huyện trở lên (nếu đủ điều kiện).

Điều trị[sửa]

Người nghiện ma túy có thể cai nghiện tại gia đình hoặc tại cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Thuốc hỗ trợ cắt cơn, giải độc có nhiều loại như: thuốc trong phác đồ An thần kinh (do Bộ Y tế ban hành), Bông sen, Cedemex, Heantos, Kamat…thành phần chính của thuốc này thường là các thuốc có tính chất an thần, bồi bổ, nâng cao sức khỏe để giúp người cai nghiện vượt qua giai đoạn đầu khó khăn nhất khi dừng sử dụng ma túy (giảm thiểu các phản ứng của cơ thể thường gọi là “hội chứng cai nghiện” khi người nghiện “đói” ma túy). Thời gian sử dụng thuốc thường 1-2 tuần đến 1 tháng.

Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lên đến trên 90%. Vì vậy, trên thế giới, điều trị nghiện các Opiats bằng thuốc thay thế được coi là một trong những giải pháp ưu việt nhất hiện nay, chủ yếu là điều trị bằng Methadone và Buprenorphine. Thuốc điều trị thay thế thực chất là chất gây nghiện được Liên Hợp Quốc quy định là “thuốc”. Điều trị thay thế là điều trị hàng ngày (hoặc cách nhật), có thể phải dùng suốt đời. Hiện nay, nhiều nước đã dừng hoặc hạn chế phương pháp điều trị thay thế.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, đây là chất hoặc hỗn hợp các chất được tổng hợp có tác dụng đối kháng hoặc thay thế chất dạng thuốc phiện. Liều điều trị duy trì là liều thuốc thay thế tương ứng với mỗi người bệnh, bảo đảm an toàn và được sử dụng lâu dài giúp người bệnh giảm hoặc ngừng sử dụng chất dạng thuốc phiện. Thuốc thay thế giúp người nghiện giảm lệ thuộc vào heroin hoặc thuốc phiện, giảm hội chứng cai; phòng được các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C; giảm tử vong do dùng quá liều heroin; giảm các hành vi phạm pháp; giúp người nghiện phục hồi chức năng tâm lý xã hội, lao động và hòa nhập cộng đồng.

Thuốc thay thế thường là Methadone và Buprenorphine. Methadone là biện pháp an toàn và hiệu quả cao, nhưng bệnh nhân phải đến cơ sở y tế hằng ngày để uống cũng là một trở ngại, nhất là với bệnh nhân ở khu vực miền núi hoặc vùng sâu, vùng xa. Buprenorphine có tác dụng kéo dài, nên người bệnh chỉ cần 2-3 ngày mới phải đến cơ sở y tế một lần để uống thuốc. Do không có tương tác thuốc, nên điều trị Buprenorphine ở người nghiện ma túy nhiễm HIV đang điều trị ARV cũng không cần phải tăng liều thuốc ARV.

Ngoài ra còn có các chất thay thế khác như: Levo alpha acetyl methanol (LAAM), Dihydrocodeine… thường dùng bằng đường uống.

Như vậy, cai nghiện ma túy và điều trị thay thế là hai phương pháp hoàn toàn khác nhau cũng như tính chất dược lý, mục tiêu sử dụng, cách sử dụng, thời gian sử dụng của thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện và thuốc điều trị thay thế là khác nhau hoàn toàn…

Bên cạnh điều trị bằng thuốc, người nghiện cần có được sự quan tâm của gia đình, xã hội, tránh kỳ thị, tạo điều kiện dạy nghề, hòa nhập cộng đồng và chống tái nghiện.

Phòng ngừa[sửa]

Phòng chống tệ nạn ma túy là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là cuộc chiến lâu dài cần sự phối hợp chặt chẽ, kiên quyết của toàn thể nhân dân, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể…

Với mỗi công dân, việc giáo dục về tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuyên truyền, giáo dục cần được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau mọi lúc, mọi nơi.

Tội phạm tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy cần được kịp thời phát hiện và trừng trị theo pháp luật.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Quốc hội, Luật số 23/2000/QH10: “Luật phòng, chống ma túy” ngày 09 tháng 12 năm 2000.
  2. Bộ Y tế, Quyết định số 3140/QĐ-BYT: “Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone” ngày 30 tháng 8 năm 2010.
  3. Bộ Y tế, Quyết định số 5075/QĐ-BYT: "Hướng dẫn chẩn đoán người nghiện ma tuý nhóm OPIATS (chất dạng thuốc phiện)" ngày 12 tháng 12 năm 2007.
  4. Chính phủ, Nghị định số 96/2012/NĐ-CP: “Quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế” ngày 15 tháng 11 năm 2012.
  5. Chính phủ, Nghị định số 94/2010/NĐ-CP: “Quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng” ngày 09 tháng 09 năm 2010.
  6. Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, “Buprenorphine - một trong những giải pháp tối ưu để điều trị thay thế nghiện ma túy”, 04/07/2019 (https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/buprenorphine-mot-trong-nhung-giai-phap-toi-uu-e-ieu-tri-thay-the-nghien-ma-tuy)
  7. WHO/UNODC/UNAIDS, “Điều trị thay thế duy trì trong quản lý nghiện ma túy và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS”.
  8. WHO/UNODC/UNAIDS, 2017, “Tiêu chuẩn quốc tế về điều trị rối loạn sử dụng ma túy”.