Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nghệ thuật dân gian

Nghệ thuật dân gian là tổng thể những hình thức nghệ thuật hình thành và tồn tại trong đời sống dân gian. Chủ thể sáng tạo, thực hành, thụ hưởng nghệ thuật dân gian là từng cộng đồng người, từng dân tộc tại từng địa phương. Không xác định được cá nhân tác giả, người đầu tiên sáng tạo hình thức nghệ thuật dân gian là ai.

Mỗi một nghệ thuật dân gian là một thực thể nhân tạo (dù là vật thể như một nhà rông, hay phi vật thể như một bài ca dao), được làm từ những chất liệu nhất định. Những chất liệu nghệ thuật không sinh ra tự nhiên, chúng được con người lựa chọn từ những nguyên liệu sẵn có trong đời sống hàng ngày. Mỗi hình thức nghệ thuật là kết quả của một quá trình sáng tạo với 3 giai đoạn: 1) Lựa chọn nguyên liệu; 2) Chế biến nguyên liệu thành chất liệu nghệ thuật; 3) Dùng chất liệu xây dựng thành hình thức nghệ thuật. Đôi khi giai đoạn 1 và giai đoạn 2 khó phân tách; có những trường hợp nguyên liệu được lựa chọn đồng thời là chất liệu nghệ thuật, không cần phải “chế biến”. Chẳng hạn, với trò diễn dân gian, những “tích truyện” là nguyên liệu, cũng đồng thời là chất liệu. Giai đoạn 3 quyết định sự hình thành hình thức nghệ thuật, đòi hỏi chủ thể sáng tạo phải kiên trì thực hành, tỉ mỉ, tinh tế, khéo léo và đam mê với chất liệu nghệ thuật.

Yếu tố hình thành[sửa]

Thời gian của quá trình sáng tạo hình thức nghệ thuật dân gian có thể rất ngắn, cũng có thể rất dài, tùy thuộc vào hình thức đó là gì, tùy thuộc vào mức độ cảm xúc, nhu cầu và năng lực thực hành của chủ thể sáng tạo.

Nguyên liệu nghệ thuật dân gian là những hiện tượng tự nhiên hay xã hội, những hoạt động sống gần gũi, thường xuyên, gắn bó với chủ thể, phát sinh cảm xúc, ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Quá trình sáng tạo nghệ thuật luôn xuất phát từ một ý tưởng, có động cơ là cảm xúc của con người, nảy sinh trước một hiện thực được coi như một loại nguyên liệu nghệ thuật. Nguyên liệu có thể là con gà, có thể là mặt trời, có thể là tiếng ầu ơ của người mẹ dỗ bé ngủ, có thể là tiếng chày giã lúa, giã gạo, có thể là tiếng chim, có thể là bông hoa, có thể là cô gái, có thể là cung tên, vũ khí, có thể là động tác bắn cung tên, động tác giã gạo, động tác chèo thuyền, có thể là hình ảnh một vị thần trong tín ngưỡng, có thể là một câu chuyện cổ tích, truyền thuyết v.v..,

Chất liệu nghệ thuật hình thành từ 3 yếu tố cơ bản, liên quan mật thiết với nhau. Thiếu một trong 3 yếu tố đó không thể hình thành chất liệu nghệ thuật, đó là: cảm xúc, đối tượng gây cảm xúc và ý tưởng sáng tạo (diễn đạt gọn lại, đó là sự lựa chọn của chủ thể). Hiện tượng hiện thực, đối tượng gây cảm xúc là nguyên liệu, nhưng nó mãi chỉ là nguyên liệu nếu không được chủ thể sáng tạo lựa chọn và chế biến bởi một ý tưởng sáng tạo (có thể bất chợt, có thể thường xuyên thôi thúc) để trở thành chất liệu nghệ thuật.

Hình thức nghệ thuật dân gian là tổ chức, cấu trúc chất liệu nghệ thuật theo phương pháp nhất định, với các điều kiện và những phương thức biểu hiện khác nhau. Đối với nghệ thuật dân gian, chất liệu nghệ thuật xuất phát từ ý tưởng sáng tạo ban đầu của một cá nhân được sự chấp nhận, tiếp thu và cộng hưởng của cả cộng đồng. Sau quá trình cùng tham gia thực hành sáng tạo từ chất liệu nghệ thuật đó, cộng đồng tạo nên hình thức nghệ thuật.

Theo thời gian, hình thức nghệ thuật dân gian được sử dụng hoặc được thực hành thường xuyên, trở thành những khuôn mẫu nghệ thuật. Từ đó, không ai nhớ tác giả ý tưởng nghệ thuật, không ai quan tâm chất liệu nghệ thuật sinh ra từ đâu, người ta chỉ việc sử dụng khuôn mẫu nghệ thuật dân gian và từ khuôn mẫu đó, tiếp tục tái sáng tạo hình thức nghệ thuật theo những ý tưởng mới phù hợp với những nhu cầu mới trong sự vận động không ngừng của cuộc sống; không thể xác định đâu là bản gốc nghệ thuật dân gian, tức là cũng không nên nghĩ sản phẩm nghệ thuật dân gian là dị bản của một bản gốc nào đó.

Cho dù hết sức đa dạng, có thể phân loại các nguyên liệu và chất liệu nghệ thuật dân gian vào các nhóm loại cơ bản sau: 1) Âm thanh, 2) Động tác, 3) Nét, hình, 4) Ngôn ngữ/lời nói, 5) Thơ văn và sự kiện. Từ nguyên liệu âm thanh, được chủ thể lựa chọn sẽ trở thành chất liệu âm thanh để xây dựng nên các hình thức nghệ thuật âm nhạc. Từ nguyên liệu động tác, được chủ thể lựa chọn sẽ trở thành chất liệu động tác, xây dựng nên các hình thức nghệ thuật múa. Từ nguyên liệu nét, hình, được chủ thể lựa chọn sẽ trở thành chất liệu nét, hình, làm nên những hình thức nghệ thuật tạo hình. Từ nguyên liệu ngôn ngữ/lời nói được chủ thể lựa chọn sẽ trở thành chất liệu câu từ, tạo nên những hình thức nghệ thuật thơ, văn; Từ hình thức thơ văn nếu được chủ thể lựa chọn lại trở thành chất liệu thanh điệu và ngữ điệu câu từ làm nên hình thức nghệ thuật diễn xướng). Từ nguyên liệu sự kiện nào đó trong đời sống, được chủ thể lựa chọn sẽ trở thành chất liệu sự kiện, thành tích truyện, làm nên hình thức nghệ thuật trò diễn, sân khấu dân gian.

Như thế, những hình thức nghệ thuật dân gian được xây dựng bởi chất liệu nghệ thuật chắt lọc từ đời sống dân gian. Mỗi chất liệu nghệ thuật đều là kết quả của sự giao thoa giữa cảm xúc với hiện thực đời sống và với nguyên liệu mà chủ thể sáng tạo lựa chọn. Đặc điểm kết cấu của chất liệu nghệ thuật do nguyên liệu và ý tưởng sáng tạo quyết định. Vì thế có thể gọi tên chất liệu nghệ thuật cùng tên với nguyên liệu hình thành nó. Chất liệu nghệ thuật là yếu tố vật chất có vai trò khởi nguồn, định hình cho một loại hình nghệ thuật, giúp cho nhận thức phân biệt, phân loại nghệ thuật dân gian thành các loại hình khác nhau.

Phân loại[sửa]

Căn cứ vào phương thức tồn tại, có thể phân chia nghệ thuật dân gian thành 2 nhóm loại: Nghệ thuật tạo hình dân gian và Nghệ thuật biểu diễn dân gian. Căn cứ vào chất liệu nghệ thuật và phương pháp sáng tạo, mỗi nhóm loại nghệ thuật dân gian lại có thể phân biệt thành một số loại hình nghệ thuật khác nhau.

Nghệ thuật tạo hình dân gian là những hình thức nghệ thuật được sáng tạo từ chất liệu nét hoặc hình bằng những phương pháp nhất định, thể hiện trên những nền tảng vật chất nhất định theo nhiều phương thức khác nhau. Khi đã hình thành, một hình thức nghệ thuật tạo hình không thay đổi, trở thành vật thể tồn tại độc lập với con người.

Nghệ thuật tạo hình dân gian[sửa]

Nghệ thuật tạo hình dân gian bao gồm các loại hình:

Kiến trúc dân gian là loại hình thức nghệ thuật được sáng tạo từ chất liệu khuôn hình gợi ý từ tự nhiên (có thể là hình mai rùa, hình tổ chim, tổ sâu...), theo phương pháp khớp nối các vật liệu đã chọn lọc thành một cấu trúc vật thể, vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực của đời sống vật chất vừa thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ văn hóa của con người.

Điêu khắc dân gian là loại hình thức nghệ thuật được sáng tạo từ chất liệu nét, hình được lựa chọn trong tự nhiên và đời sống của con người; theo phương pháp đục, đẽo loại bỏ những chỗ thừa trên vật liệu đã lựa chọn (gỗ hoặc đá) để tạo hình, biến chất liệu nghệ thuật thành một thực thể nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng hoặc nhu cầu thẩm mỹ của con người.

Hội họa dân gian là hình thức nghệ thuật được sáng tạo từ chất liệu liệu nét, hình được lựa chọn trong tự nhiên và đời sống của con người, theo phương pháp vẽ hoặc in lên mặt phẳng của vật thể (giấy, vải, miếng đan, tấm gỗ ...), đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng hoặc nhu cầu thẩm mỹ của con người.

Trang trí dân gian là loại hình thức nghệ thuật được sáng tạo từ chất liệu nét, hình được lựa chọn trong tự nhiên và đời sống của con người; theo phương pháp tổ chức chất liệu thành hệ thống lặp lại lên bề mặt vật thể rồi cố định hệ thống đó bằng phương thức thêu, dán, vẽ hoặc xăm hay chạm khắc (hoa văn trên vải/trên trang phục, trên người, trên đồ vật, vũ khí...).

Nghệ thuật biểu diễn dân gian[sửa]

Nghệ thuật biểu diễn dân gian là những hình thức nghệ thuật được sáng tạo từ các chất liệu âm thanh, động tác, ngôn từ, thơ văn và tích truyện..., bằng những phương pháp nhất định. Khi đã hình thành, mỗi hình thức trở thành một khuôn mẫu nghệ thuật tồn tại trong trí nhớ của con người. Phương thức biểu hiện, cũng là phương thức tồn tại của nhóm loại hình nghệ thuật dân gian này luôn là sự thực hành biểu diễn của con người. Nếu không có sự thực hành biểu diễn thường xuyên (có thể hàng ngày, hàng tháng hay hàng năm), hình thức nghệ thuật sẽ bị rơi vào lãng quên.

Nghệ thuật biểu diễn dân gian bao gồm các loại hình:

Âm nhạc dân gian là hình thức nghệ thuật được sáng tạo từ chất liệu âm thanh, theo phương pháp tổ chức các chất liệu trong sự vận hành theo thời gian; được biểu diễn bằng nhạc cụ và bằng giọng người với nhiều phương thức khác nhau.

Múa dân gian là hình thức nghệ thuật được sáng tạo từ chất liệu động tác, theo phương pháp tổ chức chất liệu để tạo hình trong không gian nhờ sự chuyển động trên nền âm nhạc; được biểu diễn bằng cơ thể con người với nhiều phương thức khác nhau (một người, một cặp nam nữ, nhiều người, có đạo cụ hoặc không có đạo cụ...) Diễn xướng dân gian là hình thức nghệ thuật được sáng tạo từ chất liệu thanh điệu và ngữ điệu câu từ (trong đời thường, tín ngưỡng hoặc trong thơ,văn), theo phương pháp xướng lời tùy thuộc cách lựa chọn âm hình cao độ của một cá nhân người diễn, lặp đi lặp lại cho đến hết nội dung cần truyền tải. Phương thức biểu hiện của hình thức nghệ thuật này luôn luôn bằng giọng người.

Trò diễn, sân khấu dân gian là hình thức nghệ thuật được sáng tạo từ sự kiện hoặc tích truyện lưu truyền trong đời sống dân gian được tổ chức thành kịch bản. Phương thức biểu hiện là dùng các vai diễn thực hiện trong bối cảnh không gian nhất định

Trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, có quan điểm cho rằng nghệ thuật dân gian đồng nghĩa văn hóa dân gian được tiếp cận theo giác độ thẩm mỹ để trở thành văn hóa dân gian theo nghĩa hẹp; theo đó, văn hóa dân gian là một nghệ thuật nguyên hợp. Quan điểm đó khiến cho rất khó để phân biệt văn hóa dân gian với nghệ thuật dân gian khi cần. Trên thực tế không phải tất cả các hiện tượng văn hóa dân gian đều có thể coi là nghệ thuật dân gian, chẳng hạn như luật tục, gia đình, tang lễ, thờ cúng tổ tiên, bài thuốc lá cây chữa ngứa, những kinh nghiệm dự báo thời tiết.... Như thế, văn hóa dân gian rộng hơn nghệ thuật dân gian rất nhiều. Một hiện tượng văn hóa dân gian không thể trở thành nghệ thuật chỉ bằng cách “tiếp cận thẩm mỹ”, tức là chỉ cần nghĩ về nó, coi nó như một nghệ thuật, thì nó sẽ thành nghệ thuật.

Tổng kêt[sửa]

Nghệ thuật dân gian khởi nguồn và gắn với đời sống dân gian nên nó thuộc về văn hóa dân gian, là một phần gắn bó nhưng hoàn toàn có thể phân biệt được với văn hóa dân gian. Trong thực tế đời sống văn hóa dân gian, nghệ thuật dân gian bao gồm những sản phẩm, bài bản nghệ thuật cụ thể, được sử dụng như là công cụ, phương tiện để con người thực hiện những hoạt động văn hóa xã hội nhất định. Múa dân gian để thực hiện nghi lễ thờ thần, thánh; Ca hát để giao duyên, để ru con; Tranh thánh, tượng Phật để thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo...

Nghệ thuật dân gian Việt Nam đa dạng, độc đáo. Đặc trưng này có được nhờ sự đa dạng chất liệu và hình thức nghệ thuật, xuất phát từ đa dạng điều kiện tự nhiên, xã hội của từng vùng miền; sự đa dạng và độc đáo còn có nguyên nhân từ đa dạng các chức năng của nghệ thuật dân gian, phù hợp với điều kiện sống, phù hợp với tư tưởng và gu thẩm mỹ của từng dân tộc (đất nước Việt Nam đa dạng điều kiện tự nhiên, có 54 dân tộc, mỗi dân tộc một bản sắc riêng). Vì thế, nghệ thuật dân gian luôn là sự lựa chọn để biểu hiện bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc, quốc gia, khi cần đến.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đinh Gia Khánh, “Việc nghiên cứu nghệ thuật biểu diễn dân gian trong chỉnh thể nguyên hợp của văn hóa dân gian”, Tạp chí Văn hóa dân gian số 4, 1984, tr.9-12.
  2. Đinh Gia Khánh, Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.
  3. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn hóa dân gian, Quan niệm về folklore, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
  4. Nguyễn Thụy Loan, Lược sử Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội – Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, 1993.
  5. Tú Ngọc, Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994.
  6. V.E. Guxep, Mỹ học Folklore, Hoàng Ngọc Hiến dịch, Nxb Đà Nẵng, 1998.
  7. Tô Ngọc Thanh, Âm nhạc dân gian Thái, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1998.
  8. Denis Huisman, Mỹ học (Huyền Giang dịch từ nguyên bản tiếng Pháp L’esthestique, (Sách xuất bản lần thứ nhất năm 1954 tại Paris), Nxb Thế Giới, Hà Nội, 1999.
  9. Nguyễn Huy Hồng, Lịch sử nghệ thuật múa rối Việt Nam, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2005.
  10. Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan chủ biên, Folklore thế giới – Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
  11. Trần Đình Ngôn chủ biên, Sơ thảo lịch sử sân khấu Việt Nam, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2006.
  12. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Đình Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.