Nghệ nhân dân gian những người ưu tú nổi trội trong làng xã, trong phường hội, trong từng lĩnh vực của văn hóa dân gian. Cụ thể hơn, họ là những người quy tụ gần như toàn bộ vốn liếng và tài năng sáng tạo của một cộng đồng về một (hay một vài) lĩnh vực nhất định của văn hóa dân gian, trở thành đại diện của cộng đồng về lĩnh vực đó. Nhờ họ mà bản sắc văn hóa cộng đồng được thể hiện tập trung, sắc nét và vốn liếng của cộng đồng được lưu truyền cho thế hệ sau. Ngoài ra, bằng tài năng, tâm huyết và trình độ nghề nghiệp của mình, những người này đã tự mình sáng tạo hoặc chắt lọc sáng tạo của cả cộng đồng, góp phần bổ sung, làm giàu đẹp thêm cho truyền thống và bản sắc văn hóa cộng đồng.
Năm 1967, Đinh Gia Khánh là một trong số những người đầu tiên dùng cụm từ “nghệ nhân dân gian” qua bài viết “Văn học dân gian các địa phương và vai trò của nghệ nhân dân gian” trên Tạp chí Văn học số 1 năm 1967. Sau đó, nhiều học giả (như Ninh Viết Giao, Nguyễn Xuân Kính,…) sử dụng thuật ngữ này và xác định rõ hơn những đặc điểm chung của nghệ nhân dân gian. Ở Việt Nam, các nghệ nhân dân gian sống ở các địa phương khác nhau, ở những thời gian khác nhau, có những cảnh ngộ riêng tư khác nhau, có người được lưu danh, có người không còn được nhắc nhớ nhưng giữa họ đều có những điểm chung. Thứ nhất, họ đều là những người có năng khiếu, có khả năng hơn người. Dù cho những hoạt động văn nghệ như kể chuyện, kể vè, ca hát, nói vần… không xa lạ với số đông dân chúng nhưng nghệ nhân dân gian là những người nổi trội hơn cả. Họ có trí nhớ phi thường, có giọng hát hay, có tài ứng đối linh hoạt. Thứ hai, ở họ thường có sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ trong một gia đình, dòng họ. Ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian nào (từ hát giặm, hát kể sử thi… cho đến nghề thêu, đúc đồng, điêu khắc, dệt tơ tằm…) cũng đều thấy có sự kế thừa, tiếp nối truyền thống nghệ nghiệp qua nhiều đời nghệ nhân. Thứ ba, họ là những người có lòng say mê nghề nghiệp, có lương tâm nghề nghiệp, có phẩm chất tốt được cộng đồng mến phục, tin yêu. Dù đời sống vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, song lòng nhiệt huyết mãnh liệt với nghề ở nhiều nghệ nhân đã khiến họ trở thành những người tinh hoa, đi đầu trong lĩnh vực của mình, và sẵn sàng dành cả cuộc đời để bảo vệ, quảng bá kho tàng văn hóa dân gian.
UNESCO gọi các nghệ nhân là các “báu vật nhân văn sống” (living human treasures). Trong các năm 1998, 1999, tổ chức này khuyến nghị các quốc gia có chính sách tôn vinh và đãi ngộ thỏa đáng đối với các nghệ nhân. Luật Di sản văn hóa (được Quốc hội thông qua tháng 6/2001) ghi rõ ở điều 26 rằng Nhà nước tôn vinh các nghệ nhân. Tuy nhiên, cho đến khi Bộ luật này được phê chuẩn, ở Việt Nam vẫn chưa có danh hiệu cao quý nào được ghi nhận tương xứng với cống hiến của các nghệ nhân trừ danh hiệu “bàn tay vàng” (dành cho nghệ nhân trong nghề thủ công) mà theo Tô Ngọc Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) là không đủ sức thể hiện trí tuệ và tài năng của nghệ nhân mọi ngành. Điều 65, Luật Thi đua khen thưởng (được Quốc hội thông qua tháng 11/1983) có ghi danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú để tặng cho các nghệ nhân thuộc ngành nghề thủ công mĩ nghệ truyền thống. Theo đó, những nghệ nhân ở các ngành nghề, lĩnh vực khác đã bị bỏ sót, chưa được tôn vình.
Từ năm 2003, Cục Di sản văn hóa đã triển khai thí điểm việc phong tặng nghệ nhân đối với những cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy di sản Quan họ Bắc Ninh. Trong năm 2007, Cục này phối hợp với UNESCO triển khai phong tặng nghệ nhân trong loại hình nhã nhạc hoặc cồng chiêng, sau đó sẽ xây dựng tiêu chuẩn chung và lộ trình phong tặng nghệ nhân cấp nhà nước.
Đáng chú ý hơn cả là sự kiện Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thông qua Quy chế công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian vào tháng 6/2002. Việc công nhận này nhằm tôn vinh tài năng sáng tạo, công lao giữ gìn, thực hành, truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian các tộc người Việt Nam. Theo đó, nghệ nhân dân gian là người: nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những giá trị, kĩ năng, bí quyết văn hóa, văn nghệ dân gian; sẵn sàng và có khả năng truyền dạy toàn bộ hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ; khi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam yêu cầu, sẵn sàng cung cấp, thực hành, trình diễn những vốn hiểu biết của mình về văn hóa, văn nghệ dân gian để Hội tiến hành sưu tầm, lưu giữ. Tính đến nay, Hội đã công nhận 606 nghệ nhân dân gian. Việc làm này của Hội đã góp phần thúc đẩy Nhà nước đi đến quyết định xét tặng và trao danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho các cá nhân có những đóng góp quan trọng với nền văn nghệ dân gian của nước nhà.
Hiện nay, hầu hết các nghệ nhân dân gian đều đã cao tuổi, một số loại hình văn hóa dân gian đứng trước nguy cơ mai một do chỉ còn rất ít nghệ nhân nắm giữ. Vì vậy, bên cạnh ý nghĩa ghi nhận và đãi ngộ đối với những “báu vật nhân văn sống”, việc phong tặng các danh hiệu còn hướng đến mục đích đẩy mạnh việc trao truyền di sản cũng như khích lệ thế hệ trẻ gắn bó hơn với văn hóa dân tộc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đinh Gia Khánh, “Văn học dân gian các địa phương và vai trò của nghệ nhân dân gian”, Tạp chí Văn học, số 1, 1967.
- Ninh Viết Giao, “Nghệ nhân dân gian trong làng hát ví dặm ở Nghệ Tĩnh”, Tạp chí Văn học, số 4, 1978.
- Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nghệ nhân dân gian, Nxb. Khoa học xã hội, 2007.
- Nguyễn Xuân Kính, “Nghệ nhân dân gian”, trong Người Việt trong dòng lịch sử văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, 2019.
- Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tập 2, Nxb. Lao động, 2020.