Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nghề tạc tượng
Tập tin:Nghệ nhân đắp tượng chuột bằng đất sét.jpg
Nghệ nhân đắp tượng chuột bằng đất sét
Tập tin:Một thợ nữ chà nhám cho bức tượng nai bằng xi măng.jpg
Một thợ nữ chà nhám cho bức tượng nai bằng xi măng

Nghề tạc tượng là nghề thủ công truyền thống sử dụng các kỹ thuật chế tác đá, gỗ để tạo nên các hình khối người, vật có không gian đa chiều, thuật ngữ chuyên môn gọi là tượng tròn. nghề tạc tượng còn gọi là nghề tạo tác tượng, đục tượng.

Nghề tạc tượng có dấu tích lịch sử lâu đời. Những tư liệu khảo cổ học cho biết, giai đoạn văn hoá Đông Sơn đã xuất hiện tượng đá, tượng gỗ, tượng sừng. Thời Bắc thuộc còn lưu giữ tượng thú cổ tạc bằng đá với kích thước lớn, đó là dấu tích cho thấy nghề tạc tượng đã manh nha hình thành, mặc dù chưa rõ nét để rồi sau đó định hình ở thời Lý, khi nghệ nhân chế tạc tượng Phật thờ cúng trong các ngôi chùa cổ.

Đá và gỗ là hai chất liệu chính được sử dụng để tạc tượng, hình thành các làng nghề tạc tượng độc lập theo chất liệu. Làng nghề tạc tượng gỗ liên quan đến các vùng phát triển nghề mộc, trong khi làng nghề tạc tượng đá phân bổ theo khu vực khai thác, chế tác đá.

Nghề tạc tượng đá không có vị tổ chung. Làng An Hoạch, nay là phường An Hoạch, thành phố Thanh Hoá thờ tổ nghề Lê Khắc Phục, giỗ ngày 15 tháng Giêng. Một số nghệ nhân làng An Hoạch đi khắp nơi hành nghề, truyền nghề và trở thành tổ nghề ở các địa phương khác: Làng Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình thờ tổ nghề Hoàng Sùng, đến truyền dạy nghề vào thế kỷ XVI, lễ tế tổ vào ngày 15 tháng 8 âm lịch; làng Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng thờ tổ nghề là cụ Huỳnh Bá Quát; làng Trung Phường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có tổ nghề Cố Chổm.

Nghề tạc tượng gỗ có nhiều vị tổ được thờ khác nhau ở mỗi làng. Làng Hà Cầu, Bảo Động, Mai Yên, cùng xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng thờ tổ nghề Nguyễn Công Huệ, sống dưới thời Lê, thế kỷ XV. Ngày tế tổ mùng 7 tháng giêng; làng Bảo Hà, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng thờ tổ nghề là Tô Phú Vượng (cha) và Hoàng Đình Ức (con rể), sống dưới thời vua Lê Cảnh Hưng, giữa thế kỷ XVII; làng Thiết Ứng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội thờ tổ nghề Lỗ Ban. Làng La Xuyên, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định thờ tổ nghề Ninh Hữu Hưng với danh hiệu Lão La đại thần, sống ở thế kỷ X; làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế thờ tổ nghề Nguyễn Văn Thọ, sống dưới thời vua Tự Đức, thế kỷ XIX.

Các nhà nghiên cứu khẳng định Việt Nam có truyền thống tạc tượng lâu đời. Người xưa làm tượng rất nhiều nhưng tư liệu thư tịch ghi chép quá ít, lại đơn giản nên hậu thế ít có thông tin về các bậc tiền nhân. Phần lớn các vị tổ nghề thờ phụng tại các làng không phải là những người khai sơn phá thạch của nghề tạc tượng ở Việt Nam, bởi trước thời gian sinh sống của các vị tổ nhiều thế kỷ, nghề tạc tượng đã ra đời và để lại những pho tượng đẹp, đến nay vẫn còn tồn tại như những biểu tượng mẫu mực.

Từ đá, gỗ, nghệ nhân tạc ra nhiều thể loại tượng với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Tượng mỹ nghệ dùng để chơi, trang trí nhà cửa, kích thước nhỏ và đa dạng các hình thức thể hiện. Tượng rối làm bằng gỗ, cung cấp cho các làng có nghề rối. Tượng nhà mồ, tượng lăng mộ phục vụ nghi lễ tang ma. Tượng thờ đa dạng chủng loại, phục vụ cho đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của xã hội.

Nghệ thuật tạo tượng được đánh giá là cốt lõi của nghệ thuật tạo hình cổ Việt Nam. Các pho tượng cổ phần nhiều có liên quan tới đời sống tín ngưỡng và hoạt động lễ hội, tồn tại trong các không gian thờ cúng.

Một số công trình nghiên cứu cho biết, việc tạo tác Tượng Phật, tượng Bồ Tát, La Hán phỏng theo quy chuẩn về tỷ lệ, đặc điểm tướng mạo ghi chép trong các sách cổ Trung Quốc nhưng có sự điều chỉnh theo thẩm mỹ dân tộc. Tuy nhiên nghệ nhân làng nghề hiện nay không sở hữu hoặc không biết tới các sách cổ đó. Họ chủ yếu kế thừa kinh nghiệm từ thế trước qua truyền khẩu, truyền tay. Trong quá trình làm nghề lại tự quan sát, học hỏi, sao chép theo mẫu cũ, hoặc làm theo sự thuận tay, quen mắt, vì thế mỗi thời, mỗi hiệp thợ lại tạo ra những tượng có phong cách riêng.

Tượng thờ thường làm bằng gỗ mít, thếp vàng, phủ sơn. Tượng đá thường chọn loại đá ngọc, đá cẩm thạch trắng, đá xanh, đó là những nguyên liệu thiêng, quý để tỏ lòng tôn kính. Nghệ nhân tạc tượng thường có lòng thành kính với các pho tượng thờ, gọi là tượng ông hay tượng ngài. Trước khi tạc tượng thờ, nghệ nhân thường khấn xin các ngài cho phép được tạc tượng. Tượng thờ luôn được tạc toàn thân, tránh tạc bán thân, khiếm khuyết, thiếu trọn vẹn. Tượng thờ không được có nét hài hước mà phải hiền từ, đôn hậu, trang nghiêm, có chiều sâu nội tâm. Trong quá trình tạc tượng, nghệ nhân thường phải lật, trở pho tượng, tỳ tay, đè chân, ngồi lên hoặc bước qua pho tượng, đó là sự mạo phạm khó tránh nên khi hoàn thiện, nghệ nhân dùng rượu gừng để tắm tượng, đồng thời dâng sớ khấn xin sám hối trong lễ hô thần nhập tượng ở cơ sở thờ tự.

Nghệ nhân giỏi nghề được vua hoặc Nhà nước phong tước Bá hộ kỹ nghệ, danh hiệu Kỳ Tài, nghệ nhân để vinh danh tài năng nghệ thuật. Nghệ nhân tạc tượng thường tập trung theo phường nghề, hiệp thợ. Phương thức truyền nghề theo lối thực hành truyền tay, truyền kinh nghiệm. Thợ học việc xưa thường có cơi trầu, nậm rượu tới xin thợ cả được theo học.

Nghề tạc tượng ngày nay vẫn tồn tại và phát triển ở một số làng nghề vùng đồng bằng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo đang phát triển trong xã hội, trong khi ở cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, nghề tạc tượng mồ đang lụi tàn do đời sống phong tục có nhiều thay đổi. Nghệ nhân luôn mong muốn nghề tồn tại, phát triển song việc khai thác nguyên liệu làm nghề dẫn đến huỷ hoại rừng và môi trường tự nhiên đang trở thành thách thức lớn đối với nghề tạc tượng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Ngọc Khánh, Lược truyện thần tổ các ngành nghề, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
  2. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo chủ biên, Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1996.
  3. Chu Quang Trứ, Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2001.
  4. Trương Minh Hằng, Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.