Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nghề pháo Bình Đà
Đền Nội Bình Đà thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân (Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia)

Nghề pháo Bình Đà nghề làm pháo ở làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Trước năm 1995, làng Bình Đà chuyên sản xuất và phân phối các loại pháo trong phạm vi cả nước.

Lịch sử việc dùng pháo ở Việt Nam có thể kể từ các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm như nhà Trần chống quân Nguyên – Mông thế kỷ XIII, Hồ Nguyên Trừng thế kỷ XV chống nhà Minh hay ở thế kỷ XVIII Nguyễn Huệ dùng “hỏa hổ” trong các trận chiến với quân triều đình nhà Thanh. Cùng với việc sản xuất phục vụ quân sự là nghề làm pháo thủ công. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú ghi lại rằng: “Đời Dụ Tông năm Thái Bảo thứ 5 (1724) có chiếu chỉ của nhà vua đánh thuế nghề làm pháo”. Tuy nhiên, đến năm 1919 Bình Đà mới sản xuất pháo và nổi tiếng nhất với nhãn hiệu “Nam Hải hoàng hoa”. Pháo Bình Đà được đánh giá là kêu to, nổ giòn, xác pháo đẹp như cánh hoa đào nên được khách hàng rất ưa thích.

Pháo nổ từ lâu đã có vai trò trong đời sống tâm linh của người Việt. Đối với cư dân nông nghiệp, tiếng pháo ngày Tết có ý nghĩa xua đuổi tà ma và mong ước một năm mùa màng tốt tươi và sinh sống suôn sẻ. Trong những ngày quan trọng như đám cưới, mừng nhà mới, khai trương, người ta cũng thường đốt pháo để xua đi tà khí và hình ảnh xác pháo hồng được xem như mang lại may mắn, hạnh phúc cho gia chủ.

Lễ hội Bình Đà (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia)
Đốt pháo trong lễ hội Bình Đà

Từ khi bắt đầu làm pháo cho đến những năm 1926, 1927, số hộ dân làm pháo ở làng Bình Đà đã lên tới 100 nhà. Nếu như mỗi nhà có 4 lao động lớn, nhỏ cùng làm việc thì mỗi ngày có thể sản xuất được 20 mét pháo với mỗi mét khoảng từ 250 đến 270 quả pháo. Nếu tính trung bình một mét pháo lãi 17 xu thì mỗi người một ngày thu được khoảng 85 xu. So với thợ cấy lúc đó công khoảng 20 xu/ngày thì công làm pháo gấp 4 lần công làm ruộng. Người làng Bình Đà rất tự hào vì nghề này đã giúp nơi đây trở thành làng giàu nhất, nhì huyện Thanh Oai lúc đó. Người xưa vẫn thường truyền nhau rằng “Nhất pháo Bình Đà, nhất gà Đông Tảo” để nói về sản phẩm nổi tiếng này của làng. Nhận thấy nghề làm pháo mang lại lợi nhuận cao, chính quyền thực dân Pháp đã ban hành sắc lệnh cấm làm pháo ký ngày 22 tháng 11 năm 1930 và kiểm soát hoạt động làm pháo bằng một nghị định năm 1931 cho phép một người Pháp mở xưởng làm pháo ngay ở đất Bình Đà. Năm 1935, nhà tư sản Phú Mỹ được Pháp đỡ đầu đã mua 20 mẫu ruộng ở Bình Đà để lập xưởng pháo với quy mô 500 công nhân. Quá trình này đã biến những người nông dân thành những người thợ làm thuê cho các xưởng pháo của Tây.

Sau khi giải phóng miền Bắc năm 1954, nghề làm pháo được phát triển thành một nghề chính trong làng, hầu như gia đình nào cũng biết cách làm pháo và tìm được nguồn nguyên liệu cố định, thường xuyên. Dịp gần Tết Nguyên đán, làng Bình Đà tấp nập người ra vào để mua bán pháo. Thời kỳ mô hình hợp tác xã còn đang phát triển, pháo được đưa vào hợp tác xã, nên nhà nhà, người người đi làm pháo. Năm 1983, nghề làm pháo chiếm một tỉ trọng lớn trong 58% thu nhập ngành nghề của Hợp tác xã Bình Minh. Khi mô hình hợp tác xã giải tán, pháo được sản xuất tại các gia đình. Bởi thế, người dân Bình Đà đều có việc làm và cuộc sống rất khá giả. Nhiều đứa trẻ còn thích ở nhà làm pháo hơn đi học.

Ngoài việc làm và bán pháo đi các địa phương, các thôn còn làm pháo để thi với nhau vào dịp hội làng Bình Đà diễn ra từ mùng 1 đến mùng 6 tháng Ba âm lịch hàng năm. Pháo thi gồm có pháo cây, pháo bông, pháo hoa và đặc biệt nhất là loại pháo 16 quả nổ một tiếng (pháo bèo). Chi phí làm ra một cây pháo để các thôn thi với nhau rất tốn kém, nhưng nếu thôn nào được giải Nhất thì rất vinh dự, dù phần thưởng chỉ là vài phẩm oản, vài quả chuối.

Tuy tiếng pháo giúp cho thêm tiếng vang cho những dịp vui như đám cưới, mừng nhà mới, khai trương hay ngày Tết Nguyên đán, nhưng những hệ lụy và tai nạn do nghề làm pháo là rất nhiều khiến Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 406/CT-TTg về cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ có hiệu lực từ năm 1995. Không chỉ thanh niên mà tầng lớp lão niên cũng đồng ý với chủ trương cấm pháo vì trong làng đã xảy ra quá nhiều tai nạn thương tâm. Từ đó, nghề làm pháo ở làng Bình Đà kết thúc, người dân Bình Đà cũng đã năng động tìm ra những ngành nghề mới phù hợp như thêu ren, buôn bán, làm thuê, phụ hồ, xây dựng để mưu sinh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tạ Phong Châu, Nguyễn Quang Vinh, Nghiêm Đa Văn, Truyện các ngành nghề, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1977.
  2. Trương Xuân Trường, “Ghi chép về Pháo Tết Bình Đà”, Tạp chí Xã hội học, số 1, 1985, tr. 50-54.
  3. Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý, “Làng pháo Bình Đà”, Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 6: Nghề chế tác đá, nghề sơn, nghề khác, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr. 1002-1012.