Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nghề khảm trai

Nghề khảm trai nghề thủ công truyền thống sử dụng mảnh vỏ trai, ốc để tạo hình và gắn lên đồ gia dụng, đồ thờ cúng với mục đích trang trí, làm đẹp bề mặt. Khảm trai còn được gọi là cẩn trai, khảm xà cừ, cẩn xà cừ.

Sử sách cho biết nghề khảm trai có lịch sử lâu đời. Dưới thời Bắc thuộc, khoảng thế kỷ III đến thế kỷ V, nghề khảm trai đã tồn tại. Những nghệ nhân giỏi tay nghề đã làm ra những sản phẩm khay, cơi trầu khảm trai, được người phương Bắc xem như báu vật.

Câu chuyện tổ nghề khảm trai có nhiều ghi chép. Thôn Ngọ (thôn Chuôn Ngọ), xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là cái nôi ra đời của nghề khảm trai. Bản thần tích lưu giữ ở đền thờ tổ cho biết nghề khảm trai có từ thời Lý, do Trương Công Thành, người thôn Ngọ, sau khi từ quan dưới thời Lý Nhân Tông, đã về làng dạy dân cách khảm trai lên đồ thờ cúng. Để tưởng nhớ công ơn, dân làng thờ Trương Công Thành là thành hoàng và tổ nghề. Tuy nhiên, trong dân gian lưu truyền câu chuyện vào thời Lê Hiển Tông, tổ nghề Nguyễn Kim, người làng Thuận Nghĩa, tỉnh Thanh Hoá, đến cư trú tại thôn Ngọ và dạy dân làng nghề khảm trai. Nhiều thợ khảm trai Chuôn Ngọ ra Thăng Long lập nghiệp ở phố Thợ Khảm, có tài liệu ghi là Hàng Khảm, nay là phố Hàng Khay, đã dựng đền thờ tổ nghề Nguyễn Kim ở làng Cựu Lâu, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương (khu vực phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Hà Nội). Khi làng Cựu Lâu bị phá để mở phố Tràng Tiền, đền thờ tổ cũng bị phá bỏ. Ở giai đoạn muộn hơn, thế kỷ XIX, người làng nhắc đến tổ nghề Vũ Văn Kim vốn dòng Nho học, đã nghĩ ra cách dùng vỏ trai, ốc có màu đẹp khảm trên lược sừng, hộp, khay, từ đó hình thành nghề khảm trai.

Lệ làng không cấm các nghệ nhân truyền nghề cho người ngoài họ tộc hoặc ngoài làng, vì vậy nghề khảm trai Chuôn Ngọ được các nghệ nhân tài hoa truyền cho người dân các làng trong xã Chuyên Mỹ, làng sơn Cát Đằng ở tỉnh Nam Định hay làng mộc Đồng Kỵ ở tỉnh Bắc Ninh. Nghệ nhân khảm trai thường liên kết với các làng có nghề sơn, nghề mộc tạo thành mạng lưới sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có chất lượng và giá trị thẩm mỹ. Trên con đường xuôi về phương Nam lập nghiệp, thợ khảm Phú Xuyên tiếp tục có mặt và tạo lập nghề khảm trai ở nhiều vùng đất. Làng Bao Vinh, tỉnh Thừa Thiên - Huế; thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang; phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, là những trung tâm phát triển nghề khảm trai, sản phẩm chủ yếu phục vụ vua chúa, quan lại, các gia đình giàu có.

Nghệ nhân thường khảm trai trên các vật dụng gỗ mun, gỗ trắc bởi chất gỗ mịn, sắc gỗ đen làm nổi bật hình khảm trai lấp lánh; trên các đồ bằng đồng, sừng, tạo ra vô vàn các sản phẩm đồ thờ như hoành phi, câu đối, án thư, hòm sắc, ống quyển, bao kiếm; trên đồ gia dụng như đĩa, khay, cơi trầu, hộp mỹ phẩm, lọ hoa, bàn cờ, bình phong, sập gụ, tủ chè, tranh sơn mài, bàn, ghế, đũa…

Cùng sử dụng nguyên liệu từ vỏ trai cánh mỏng, trai thịt, trai nứa, trai ngọc môi vàng, vỏ ốc đỏ, hay vỏ trai, ốc nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Indonesia cũng như các kỹ thuật đã được truyền dạy rộng rãi, song những sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ luôn đạt tới độ tinh xảo trong từng đường nét hoa văn và màu sắc khiến nhiều người nghĩ rằng thợ khảm Chuôn Ngọ có những bí quyết nào đó khó lý giải. Người sành chơi đồ khảm trai đánh giá đồ khảm của người thợ Chuôn Ngọ có vẻ đẹp tinh xảo không đâu sánh bằng. Nét tài hoa của thợ khảm trai là dùng các nguyên liệu thô cứng diễn tả những hoa văn, hoạ tiết có đường nét nhỏ mảnh tinh vi, uốn lượn phức tạp. Họ sử dụng màu ánh sắc tài tình như người thợ thêu phối chỉ màu hay người hoạ sĩ dùng màu vẽ. Kỹ năng này hình thành từ kinh nghiệm làm nghề lâu năm và sự truyền thừa qua nhiều thế hệ.

Tất cả các công đoạn khảm trai đều làm thủ công, từ khâu cưa, cắt, chẻ dóc miệng để tách lấy lớp xà cừ óng ánh; ngâm nước hoặc rượu, hơ lửa, nắn phẳng mảnh trai bằng tay; dùng giũa để mài, cắt mảnh trai thành hình hoa văn, hoạ tiết; dùng keo, sơn ta gắn cẩn hoạ tiết đó lên trên bề mặt vật được khảm. Công việc của người thợ khảm trai cần mẫn với các công cụ đơn giản, thô sơ như cưa, đục, mỏ kẹp, bàn cưa, dao khắc, giấy ráp, bút chì, giấy nhưng lại làm được những hoạ tiết khảm trai tinh tế, lấp lánh ẩn vào trong gỗ, tăng thêm vẻ sang quý cho vật dụng. Ngày nay, nghệ nhân khảm trai sử dụng máy ép để giảm bớt sự vất vả khi sơ chế vỏ trai, máy khắc laser trong khâu tạo hình hoạ tiết. Tuy vậy, một sản phẩm hoàn mỹ không thể thiếu bàn tay và con mắt tinh nghề của người thợ thủ công.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
  2. Trương Duy Bích, “Tranh khảm xà cừ và làng khảm Chuyên Mỹ”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, 1989, số 3.
  3. Đặng Đức, “Nghệ thuật khảm trai”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, 1989, số 2.
  4. Đỗ Thị Hảo (Chủ biên), Đất Phú Xuyên, người Phú Xuyên, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây xb, 2005.
  5. Đỗ Thị Hảo, “Chuôn Ngọ, làng khảm trai truyền thống”, in trong: Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr.619.