Nghề chạm khắc bạc là nghề thủ công truyền thống của Việt Nam gắn với việc chế tác trên chất liệu bạc. nghề chạm khắc bạc có ở dân tộc Kinh và một số dân tộc thiểu số như Mông, Dao v.v. Chạm là kỹ thuật chạm trổ các hình vẽ, họa tiết, hoa văn trên mặt bạc, dùng trong chế tác các đồ vật hay trang sức. Đây là một trong ba kỹ thuật quan trọng của quy trình chế tác sản phẩm bạc, bao gồm chạm, đậu, trơn. Một số trung tâm nổi tiếng gắn với nghề này là làng Đồng Xâm (Thái Bình), làng Định Công (Hà Nội), phố Hàng Bạc (Hà Nội). nghề chạm khắc bạc xưa đa phần được duy trì theo kiểu “cha truyền, con nối”.
Nghề chạm khắc bạc có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Những ghi chép từ sử liệu Trung Hoa cho biết, nghề bạc đã có từ sớm trên đất Việt. Từ những năm 187 - 226 SCN, trong các cống phẩm được thái thú Sĩ Nhiếp gửi từ Giao Châu sang Trung Hoa có nhiều đồ vật bằng bạc, và Giao Châu được ca tụng là nơi có việc khai thác, chế tác vàng bạc khá phát triển. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thời Tiền Lê, có những đồ vàng bạc tinh xảo được đem làm cống phẩm cho phương Bắc. nghề chạm khắc bạc rất được ưa chuộng trong thời phong kiến, với việc chạm trổ đồ dùng của vua chúa, quan lại và chạm khắc các đường nét trong những cung điện nguy nga, tráng lệ. Đầu thế kỷ XIX, hoạt động buôn bán xung quanh nghề chạm bạc ở Thăng Long diễn ra nhộn nhịp. Ba làng nổi tiếng về kim hoàn miền Bắc là Đồng Xâm, Định Công, Châu Khê cùng quy tụ lập ra phường Đông Các (nay là phố Hàng Bạc, Hà Nội), được coi là trung tâm kim hoàn của Thăng Long bấy giờ. Thời Pháp thuộc, có những nhà tư sản kinh doanh vàng bạc và đồ mỹ nghệ bán cho người Việt và người nước ngoài. Sau năm 1954, có một khoảng thời gian Nhà nước đứng ra thống nhất quản lý vàng bạc, nghề chạm khắc bạc từ chỗ phát triển tự phát theo hình thức tư gia, chịu hạn chế từ các chính sách cấm lưu thông vàng bạc, trở nên quy về các hợp tác xã, được cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, chính sách của Nhà nước có nhiều đổi mới, nghề kim hoàn cũng phát triển theo định hướng kinh tế thị trường, mở cửa ra thế giới.
Quy trình chế tác trong nghề chạm khắc bạc bao gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật khéo léo, óc thẩm mỹ và sự tỉ mỉ. Trước tiên người thợ phải học cách xem bạc, chế bạc cho đúng tuổi. Loại bạc tốt được coi là bạc chín tuổi. Bước tiếp theo là dát bạc, tức là dùng búa tay để làm mỏng miếng bạc. Người thợ bạc ưa dùng loại búa 2kg, thời gian dát mỏng 300g bạc thành bề dày 0.5mm phải mất một công. Sau khi dát bạc, người ta đem gò thành đồ và chạm khắc. Tùy theo tính chất đồ vật, người thợ chọn cách gò trước, chạm sau như khi làm các loại ấm, nậm, hoặc chạm xong mới gò như chế tác hộp vuông. Khâu chạm bạc được đánh giá là khó và tỉ mỉ nhất. Chạm bạc gồm nhiều bước như ve thúc, ve hạt, ve nét, ve vụn v.v. Các kỹ thuật khó thể hiện độ tinh xảo của nghề chạm khắc bạc, như chạm ám (chạm trơn), chạm nổi hay chạm chồng (tạo ra mấy lớp cánh hoa trên một điểm). Phương pháp tạo độ tương phản sáng, tối trên nền bạc cũng là kỹ thuật thường thấy trong nghệ thuật chạm khắc bạc của nhiều dân tộc, làm nên hiệu quả thẩm mỹ độc đáo. Khâu cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm chạm khắc là mài, cườm và đánh bóng. Đồ bạc được xoa bằng cát trải trên một dung dịch gồm bồ tạt và vôi rồi hơ qua lửa. Khi đã nguội, người ta lại ngâm sản phẩm vào phèn đun sôi, rồi dùng cát và mảnh chai cọ lại một lượt, như vậy mới ra được sản phẩm bóng mốt.
Sản phẩm của nghề chạm khắc bạc thường thấy ở hai dạng đồ chạm và hoa văn khắc chạm, sự ưa chuộng của người dùng đối với mỗi mặt hàng cũng có sự biến đổi theo thời gian. Trước đây, đồ chạm thường là các loại vòng, khánh, kiềng, ống nhổ, ống vôi, hay phần đỉnh chóp của một số loại nón. Ngày nay sản phẩm chạm khắc bạc gồm các mặt hàng đồ thờ cúng, đồ trang sức và hàng mỹ nghệ. Hàng khảm thường thấy trên các loại ống điếu, tráp; hàng đậu có trâm cài đầu v.v. Các đồ dùng thủ công mỹ nghệ như bát đĩa, khay ấm mang nhiều mẫu chạm khắc tinh tế, đa dạng. Trên một chiếc đĩa bạc có thể chạm đủ bốn mùa với nhiều loại chim và hoa. Một loại hoa lại có đến hàng chục kiểu chạm đa dạng. Sự khéo léo, tinh xảo của nghề đạt đến độ khi nhìn lướt qua, cành hoa bạc thoáng có màu sắc của hoa lá thật, còn trên chiếc chén uống trà loại nhỏ hay trên miệng ấm pha trà, lại có thể chạm trọn vẹn một tích truyện cổ, như “Lưu Bình Dương Lễ”, “Truyện Kiều”. Một số chủ đề cũng thường thấy trên sản phẩm chạm khắc bạc xưa nay là “lưỡng long tranh châu”, “long hàm thọ”, “long ẩn”, “ngư long hí thủy”, “lưỡng long chầu nguyệt”, hay bộ tứ linh “long, lân, quy, phượng”, bộ bát vật gồm thêm ngủ, phú, hạc, hổ v.v. Đồ chạm bạc xưa thường là cống phẩm cho vua chúa, quý tộc, ngày nay chúng được biết đến như một mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị cao.
Nghề chạm khắc bạc còn gắn với tín ngưỡng thờ tổ nghề, các quy ước trong việc làm nghề, truyền nghề và những điều kiêng kỵ cần tuân thủ. Làng Định Công thờ tổ nghề chạm bạc là ba anh em họ Trần. Làng Đồng Xâm tôn vinh tổ sư Nguyễn Kim Lâu. Đền thờ tổ ở Đồng Xâm còn lưu giữ đạo sắc phong niên hiệu Bảo Đại cho tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu. Lễ giỗ tổ nghề thường được tổ chức hàng năm, như làng Đồng Xâm lấy ngày mồng năm tháng Giêng âm lịch. Đây là dịp để người làm nghề ở bốn phương tụ về cúng bái tế tổ, kiểm điểm với nhau về công việc làm ăn trong năm qua. Hình thức hành nghề có hai dạng tập trung và cá thể. nghề chạm khắc bạc có các dòng họ hành nghề theo hình thức gia truyền, hoặc trong làng lập ra các phường nghề, có chức trách bảo toàn nghề và thợ nghề. Đứng đầu mỗi phường là thợ cả lo việc sắp xếp, phân công công việc, các thợ phường chia theo thứ bậc. Người trong phường có sự giúp đỡ, tương trợ nhau lúc khó khăn. Nghề chạm bạc coi trọng chữ tín. Các quy ước, điều lệ của làng nghề được coi là điều linh thiêng và bắt buộc phải tuân thủ. Người trong nghề có những lời thề độc liên quan đến điều luật của phường. Những người làm ăn trí trá, không giúp đỡ thợ bạn khi hoạn nạn, ảnh hưởng đến danh tiếng thợ làng sẽ bị truy cứu, trừng phạt nghiêm khắc. Tùy mức độ mà có các hình thức khiển trách, đánh đòn hay cấm hành nghề. Việc truyền nghề chạm bạc ở các làng nghề thường theo phương pháp truyền thống, dạy bằng tay và thực tiễn làm nghề. Các phường nghề có quy ước nghiêm ngặt, cụ thể trong việc truyền nghề chạm khắc bạc. Nội dung quy ước gồm việc khuyến khích phát triển tài năng, đồng thời đặc biệt chú trọng rèn luyện tư cách đạo đức của lớp thợ mới. nghề chạm khắc bạc coi trọng các bí mật chuyên môn, do đó có quy định chỉ được truyền cho thợ cùng phường hội hay người trong dòng họ. Nghề không truyền cho nữ, một số kỹ thuật đặc biệt chỉ thợ cả là nắm được, thợ phó cũng không thành thạo hết nghề.
Nghề chạm khắc bạc cho thấy sự tài hoa của người Việt, cũng như những nét tinh hoa trong văn hóa dân tộc Việt. Đây là một nghề đòi hỏi tay nghề, kỹ xảo cao, minh chứng cho các phẩm chất kiên trì, thông minh, khéo léo và óc sáng tạo của người thợ kim hoàn Việt Nam. Họa tiết, hoa văn trên sản phẩm chạm khắc bạc có nhiều điểm gần gũi với nghệ thuật tạo hình trên gốm sứ cổ, đồ điêu khắc gỗ hay khảm trai truyền thống. Các mảng chạm được kết tinh từ cuộc sống đời thường và văn hóa dân gian của dân tộc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trần Quốc Vượng, Tìm hiểu di sản văn hóa dân gian Hà Nội, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 1994.
- Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998.
- Vũ Từ Trang, Nghề cổ nước Việt, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002.
- Trương Minh Hằng (Chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, Tập 2: Nghề chế tác kim loại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.
- Trần Hùng (sưu tập, giới thiệu), Nghề truyền thống ở một số địa phương, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012.