Nghề điêu khắc là nghề thủ công truyền thống sử dụng các kỹ thuật chuyên biệt để tạo hình khối thẩm mỹ trên các loại chất liệu, làm ra những sản phẩm có tính nghệ thuật.
Khó có thể xác định được nghề điêu khắc có từ bao giờ, song những hiện vật điêu khắc đá, đồng còn lưu giữ đến ngày nay cho thấy nghề điêu khắc có lịch sử lâu đời. nghề điêu khắc liên quan đến các làng nghề mộc, nghề chế tác đá, nghề đúc đồng. nghề điêu khắc phát triển khắp từ Bắc đến Nam với sự có mặt của nhiều làng nghề, mỗi làng chuyên môn hoá một loại chất liệu và có một vị tổ nghề khác nhau.
Các làng điêu khắc gỗ như làng Hà Cầu, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng thờ vị tổ Nguyễn Công Huệ. Làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh suy tôn hai vị tổ nghề là Lỗ Ban và Nguyễn An. Làng Dư Dụ, xã Thanh Thuỳ, huyện Thanh Oai, Hà Nội thờ tổ nghề là Lỗ Ban. Thợ điêu khắc làng Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội lưu truyền câu chuyện vị hiệp chưởng đầu tiên là cụ phó Sần. Làng La Xuyên, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định thờ tổ nghề Ninh Hữu Hưng với danh hiệu Lão La đại thần. Làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế ghi nhận nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ là người truyền nghề. Làng Thiết Ứng thờ Tổ sư nhưng không rõ danh xưng.
Làng điêu khắc đá An Hoạch, nay là phường An Hoạch, thành phố Thanh Hoá thờ tổ nghề Lê Khắc Phục. Sau khi được vị tổ truyền nghề, một số thợ An Hoạch toả đi khắp nơi hành nghề, truyền nghề, tiếp tục trở thành vị tổ của một số cộng đồng dân cư như tổ nghề Hoàng Sùng của làng Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; tổ nghề Cố Chổm của làng Trung Phường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; tổ nghề Huỳnh Bá Quát của làng Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. nghề điêu khắc đá An Hoạch lan toả theo chân các vị tổ nghề tạo ra các trung tâm mang phong cách điêu khắc đá Thanh Hoá, trong sự phân biệt với phong cách điêu khắc đá của thợ làng Kính Chủ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương vốn cũng rất nổi tiếng.
Các làng nghề gò, đúc đồng như làng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thờ tổ nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền. Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, nay là phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội thờ tổ nghề Nguyễn Minh Không. Làng Tống Xá, xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định thờ tổ nghề Nguyễn Chí Thành, pháp danh Minh Không. Làng Đồng Xâm, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có tổ nghề đúc đồng Nguyễn Kim Lâu. Làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá thờ tổ Khổng Minh Không. Thuỷ tổ nghề đúc đồng làng Phường Đúc, phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế là Nguyễn Văn Lương. Làng Phước Kiều, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thờ tổ nghề là Dương Không Lộ.
Các làng nghề thực hành việc giỗ tổ với những nghi thức, nghi lễ từ đơn giản đến phức tạp. Dân làng Đại Bái kỵ huý tên của tổ nghề, không nhắc tới chữ “truyền”. Nghệ nhân lão luyện trong làng tự coi mình là người dìu dắt hậu thế chứ không coi mình là thầy truyền nghề. Danh hiệu “thầy” cao quý chỉ dành riêng cho tổ nghề. Vào ngày giỗ tổ, nghệ nhân dâng lên án vật phẩm do chính tay mình làm. Suốt trong năm, những người đến tuổi 49 ra thắp hương ở đền thờ tổ đều đặn mỗi ngày. Người làm ăn xa nhờ bạn bè đồng trang lứa thắp hộ. Theo lệ xưa, người làng khi lập gia đình thường được nhận của hồi môn là một cái búa, một cái đe, bên cạnh đó họ nộp cheo cho làng là một đôi mâm đồng tự tay mình làm.
Ở làng Trà Đông, ngoài việc thờ cúng tổ nghề, người làng có tục tôn thờ màu đỏ để cầu khước cho mỗi mẻ đồng. Họ kiêng kỵ việc cho lửa trong khi đúc đồng, nhất là khi bắt đầu chập lò.
Do nghề đúc đồng có nhiều công đoạn phức tạp, thậm chí nguy hiểm nên nghệ nhân có những thực hành tâm linh liên quan tới nghề. Trước khi đốt lò, nung khuôn, đổ đồng, nghệ nhân làm lễ cúng lò cầu bình an cho người thợ và mẻ đồng suôn sẻ. Đặc biệt khi đúc các sản phẩm liên quan đến thần linh, người làm nghề ăn chay, nằm đất, kiêng không gần gũi phụ nữ để giữ thanh sạch. Nghệ nhân giữ bí quyết nghề nghiệp nên cấm cản người ngoài gia tộc vào khu vực đổ đồng rót khuôn, đặc biệt là những bí quyết về tỉ lệ pha chế đồng, yếu tố tạo ra sự khác biệt của sản phẩm ở từng lò, từng dòng họ, từng làng nghề.
Nghệ nhân điêu khắc gỗ có những bí quyết về kỹ thuật và tỷ lệ tạc tượng được học qua kinh nghiệm truyền khẩu, truyền tay. Họ có những kiêng kỵ khi làm đồ thờ cúng hay tạc tượng thờ. Trước khi tạc tượng Phật, thánh, Mẫu, nghệ nhân thắp hương khấn xin được tạc tượng ngài. Trong quá trình tạc, nghệ nhân để tượng ở nơi sạch sẽ, khô ráo, tuy vậy không tránh khỏi việc mạo phạm như lật trở pho tượng, đè, tỳ tay, ngồi lên, bước qua… nghệ nhân làm lễ mộc dục, tẩy uế cho tượng bằng rượu gừng trước khi chuyển giao tượng đến nơi thờ tự. Khi tham dự lễ khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng tại nơi thờ tự, nghệ nhân cũng có giấy sớ xin mong sám hối.
Bên cạnh các làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời, khoa điêu khắc của các trường mỹ thuật đào tạo những người làm nghề điêu khắc có bằng cấp chuyên nghiệp, trong sự phân biệt với nghệ nhân dân gian. Họ làm các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc với đa dạng chất liệu như gỗ, đá, đồng, sắt, thép, gang, nhôm, inox, thuỷ tinh, sáp, thạch cao, xi măng, bê tông, composit, tác phẩm có cá tính sáng tạo, có bản quyền tác giả, trưng bày hoặc tham gia các triển lãm của khoa học chuyên ngành, trong khi ở các làng nghề dân gian, nghệ nhân chủ yếu sản xuất sản phẩm điêu khắc có tính ứng dụng trên các chất liệu gỗ, đá, đồng, ngà, xương, sừng dưới dạng tượng tròn, phù điêu.
Nghề điêu khắc sử dụng kỹ thuật tạc, đắp, nặn, đúc, gò, chạm trổ cùng công cụ lao động bao gồm cả thô sơ và máy móc. Sự kết hợp của búa, đục, chàng, dao khắc, dao trổ với máy cắt vi tính, máy cắt 3D, máy cưa, máy mài, máy đánh bóng cầm tay giúp nghệ nhân tăng năng suất lao động, tăng độ chính xác cho các sản phẩm.
Nghề điêu khắc hiện nay vẫn duy trì hoạt động ở các làng nghề, cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội, cho dù nguồn nguyên liệu khan hiếm có ảnh hưởng ít nhiều tới sự phát triển của làng nghề. Phương tiện lao động dần cơ giới hoá, giảm bớt sự nhọc nhằn và công lao động, song đối với nghệ nhân cũng như người tiêu dùng, các sản phẩm thủ công làm tay vẫn có giá trị riêng đáng trân quý, bởi ở đó có dấu ấn của đôi bàn tay tài khéo biết truyền thần thái cho gỗ đá.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Ngọc Khánh, Lược truyện thần tổ các ngành nghề, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
- Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo chủ biên, Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1996.
- Trương Minh Hằng, Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.