Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nghề đan lưới

Nghề đan lưới là một nghề truyền thống của cư dân vùng biển và các vùng chiêm trũng nhằm phục vụ cho nhu cầu đánh bắt cá.

Tập tin:Dan Luoi 2 - OK.jpg
Ông Nguyễn Quốc Nghị và bà Lê Thị Diệp - khu 3, xã Vĩnh Lại đều có gần 80 năm làm lưới gai

Nghề đan lưới có lịch sử hàng trăm năm, trải dài trên các vùng miền tổ quốc.Với ngư trường rộng lớn của nghề khai thác, đánh bắt thủy hai sản ở Việt Nam, nghề đan lưới cũng phát triển để phục vụ cho nghề đánh bắt cá. Tại mỗi địa phương, mỗi làng nghề đan lưới lại có lịch sử hình thành khác nhau. Ví dụ, tại làng nghề đan lưới Trần Phú (Hà Nội), nghề đan lưới có từ thế kỷ XIV với truyền thuyết bà Thánh Mẫu Trần Thị A là người có công truyền nghề. Tại làng nghề Vân Trình (Huế), nghề đan lưới có bề dày hơn 500 năm, phát triển cùng với quá trình mở rộng bờ cõi vào phía nam của cư dân ven biển. nghề đan lưới có mặt ở khắp các vùng miền từ Bắc vào Nam, phát triển đặc biệt ở các vùng ven biển, hay vùng đồng bằng chiêm trũng nơi có nghề đánh bắt cá. Tiêu biểu có các làng nghề: Làng nghề đan lưới Trần Phú (Hà Nội), Làng nghề đan lưới Vân Trình (Huế), Làng nghề đan lưới Kim Thái, Làng nghề đan lưới Thơm Rơm (Cần Thơ)… Đặc biệt ở các tỉnh ven biển miền trung (Thanh Hóa, Nghệ An, đến Quảng Bình, Đà Nẵng, Quy Nhơn…) hay các tỉnh phía Nam như Cà Mau, Cần Thơ…nơi có các bờ biển và sông ngòi dày đặc, nghề đan lưới đặc biệt phát triển.

Trước đây, nguyên liệu để đan lưới được lấy từ những sợi chỉ tơ tự nhiên (tách từ tơ nén ra) rồi đan thành lưới, thắt phao, kẹp chỉ, hoàn chỉnh thành một tấm lưới đánh cá. Mặt lưới được đan bằng những chiếc kim đan làm bằng cây tre, những thỏi chỉ tán mỏng để gắn vào dây gất đòn ở phía tay lưới, cùng với dãy hàng phao phía trên giữ thăng bằng dưới nước để đánh bắt cá. Phao được làm từ cây tre. Người ta dùng trái cây dành dành hoặc lá, vỏ một số loại cây rừng nấu lên để nhuộm phao nhằm phân biệt màu và đảm bảo độ bền khi sử dụng. Nghề đan lưới trước đây làm hoàn toàn bằng thủ công. Để đan lưới người ta phải mắc sợi gai (sợi tơ) vào “ghim” (vót bằng tre, dài khoảng 22cm, đầu nhọn rỗng giữa…) để tiện thao tác và một tấm gỗ mỏng hình chữ nhật gọi là “cữ” để tính khoảng cách giữa các mắt lưới. Người thợ dùng 3 ghim để đan, ghim ở giữa đan theo lối 1 xỏ, 2 vắt, 2 ghim hai bên đan theo lối 2 xỏ, 2 vắt. Cứ thế từ cuộn tơ dài, qua bàn tay của người đan lưới sẽ dần hình thành lên tấm lưới đánh cá. Để đan được một tấm lưới mất rất nhiều công đoạn và thời gian. Theo kinh nghiệm của những người làm nghề, muốn có tấm lưới tốt, người đan lưới không những khéo léo mà còn phải nhẫn nại. Khi đan lưới tuyệt đối không được đan lỗi, vì khi đã bị lỗi thì khó gỡ ra được. Trong quá trình gắn phao và chỉ, cần phải có kỹ thuật, đòi hỏi phải khéo tay và đặc biệt là khoảng cách mắt lưới phải đều nhau để khi thả lưới đánh bắt cá, gặp dòng nước chảy lưới vẫn không có kẽ hở khiến cá lọt ra ngoài. Vào mùa nước lớn, người đan lưới có thể gắn thêm ống ganh bằng phao, hoặc bằng xốp để tăng độ nổi của nước. Sau khi đan lưới xong là đến công đoạn kéo lưới. Người ta reo lưới đã đan và đổ nước sôi từ trên xuống, sau đó kéo 2 đầu cho thẳng, căng. Khoảng 10 phút sau, lưới được rải xen kẽ một đầu phao, một đầu chì. Tiếp theo là nhặt lần lượt theo đồi phao, đầu chì để thu gom cả tấm lưới.

Ngoài việc đan lưới mới, người thợ đan lưới còn làm nhiệm vụ ráp và vá lưới. Thông thường, sau mỗi chuyến ra khơi, bộ lưới đánh bắt cá sẽ được các ngư dân thay đổi bộ khác. Bộ lưới đánh cá từ ngoài biển về sẽ được thợ đan lưới kiểm tra vá lại những nơi bị rách, hư hỏng. Ngoài vá lưới, người thợ còn đấu ráp các mảnh lưới thành một tấm lưới thành phẩm. Thông thường một tấm lưới đánh bắt cá trên biển thường rộng từ 130 đến 150m, chiều dài trên 800m. Khi đâu ráp xong phần lưới, người thợ tiến hành đâu, tóm phao, xỏ khoen, kẹp chỉ. Đây là những khâu rất quan trọng vì nó quyết định cho dàn lưới có độ nổi, độ chìm và độ căng vừa phải khi thả xuống biển. Xỏ khoen phải cùng chiều để khi kéo lưới lên không bị vướng, bị kẹt dây. Công việc ráp lưới đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, kinh nghiệm, kỹ thuật và quan trọng nhất là lưới phải có độ chùng, độ giãn, mềm mại để khi cá vào vòng vây không quậy, không phá lưới thoát ra ngoài.

Tùy thuộc vào đặc thù đánh bắt cá mà người ta đan các loại lưới khác nhau. Có loại lưới phù hợp với đánh bắt cá đàn trên biển, có loại lưới phù hợp với đánh bắt cá ở sông, có loại lưới phù hợp với việc đánh bắt cá ở tầng sâu, có loại lưới phù hợp với việc đánh bắt ở tầng nông…Cụ thể, cơ bản có các dạng lưới đánh bắt cá như sau:

Lưới vây (hay còn gọi là lưới bao, lưới rút, lưới rút chỉ). Lưới vây được thả từ tàu và kéo lên tàu. Loại lưới này chủ yếu để đánh bắt cá theo đàn. Lưới vây thường không bao vây đàn cá hết độ sâu nơi khai thác mà thông qua giềng rút chì để chặn cá thoát xuống phía dưới. Loại lưới này phù hợp cho việc khai thác cá với những tàu khai thác lớn.

Lưới rung cấu tạo tương tự lưới vây nhưng không có giềng rút chì. Lưới được thả từ bờ và kéo lên bờ. Lưới hoạt động ở ven bờ (biển hoặc sông) nơi có nền đáy tương đối bằng phẳng. Do hoạt động ven bờ nên lưới rung đánh cá từ tầng mặt đất đến sát đáy. Điển hình cho loại lưới này là lưới rung bờ biển và lưới rung tàu nhỏ.

Lưới kéo hay còn gọi là lưới cào. Cá bị lùa vào lưới dưới sức kéo đi tới của tàu và lưới. Lưới kéo có thể làm việc ở mạn hoặc đuôi tàu. Có loại lưới kéo tầng đáy, lưới kéo tầng giữa và lưới cào rường, lưới cào đôi.

Lưới nâng là loại lưới được thả ngầm dưới nước và được kéo nâng lên khỏi mặt nước để đánh bắt những loại cá ở dưới. Lưới nâng thường kết hợp với nguồn sáng để tạo sự tập trung của đàn cá. Lưới nâng có thể phân loại thành: lưới vó cất tay, lưới vó khung, lưới vó mạn tàu. Loại lưới vó này phù hợp với việc đánh bắt cá ở các vùng sông nước hoặc các vùng đồng bằng chiêm chũng.

Lưới chụp là loại lưới được thả chụp từ trên xuống, cá bị giữ lại trong lưới bởi sự gom tụ lại của giềng chỉ, rồi được kéo lên khỏi mặt nước. Lưới chụp có thể kết hợp với ánh sáng điện để tăng hiệu quả đánh bắt. Điển hình loại này là chài quăng, chài rà, chụp mực…

Lưới rê và lưới đóng là loại lưới được thả chặn ngang đường di chuyển của cá. Cá sẽ bị vướng vào mang hoặc bị giữ lại bởi tấm lưới khi tìm cách vượt qua lưới. Lưới có thể được thả cố định hoặc thả trôi.

Nghề đan lưới diễn ra quanh năm và cao điểm là vào lúc mùa nước nổi. Tuy công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người thợ phải cần cù, chịu khó, khéo tay. Nghề đan lưới trở thành một nghề quen thuộc đối với ngư dân vùng chiêm chũng và vùng biển. Gần như phụ nữ vùng biển, vùng sông nước ai cũng biết đan lưới. Người đàn ông đi biển, người phụ nữ ở nhà đan lưới, đó là hình ảnh truyền thống của các làng ngư dân ven biển.

Trong quá trình đan lưới, có một số điều cấm kị không được nói ra. Cụ thể, khi dùng cây kim đan lưới, ngư dân tránh được nói “luồn qua luồn lại” mà phải nói “bỏ qua bỏ lại, bỏ lên bỏ xuống”. Mục đích là để cho người ngư dân sau này dùng lưới đánh bắt cá được thuận lợi.

Trước đây, quá trình đan lưới trải qua nhiều gian đoạn và hoàn toàn được làm bằng thủ công. Mỗi tấm lưới dù là đơn giản cũng phải cần từ 4 đến 5 người đan và mỗi người chỉ chuyên thao tác một khâu nào đó. Ngày nay, do máy móc phát triển, người ta ít đan lưới bằng lối thủ công mà đã nhập máy móc để đan lưới. Hiện nay, lưới được làm từ nguyên liệu đa dạng hơn, từ sợi cước đến sợi nhựa tổng hợp, sợi pha ni-long. Chiếc ghim tre ngày trước đã được thay bằng ghim nhựa với đầy đủ kích thước, màu sắc. Trước đây, lưới chủ yếu được sử dụng cho đánh bắt cá, tôm. Ngày nay, sản phẩm này được dùng nhiều trong đời sống xã hội. Ngoài để đánh bắt cá, lưới còn được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, làm bảo hiểm cho các công trình xây dựng, hoặc làm dụng cụ cho một số bộ môn thể thao, lưới quây cho các trang trại nuôi gà, thả vịt… Chính nhu cầu ổn định của thị trường đã giúp cho nghề đan lưới vẫn phát triển ổn định.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nhiều tác giả, Hà Tây làng nghề làng văn, tập 1: Làng nghề, Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao Hà Tây, Hà Tây, 1992.
  2. Đỗ Thị Hảo, Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001
  3. Trương Minh Hằng, Làng nghề thủ công mỹ nghệ miền Bắc, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, 2006
  4. Vũ Từ Trang, Nghề cổ nước Việt: khảo cứu, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
  5. Đỗ Đình Thọ, Lưu Tuấn Hùng, Ngọc Văn Nhiên…, Nghề và làng nghề truyền thống ở Nam Định, NXB Lao động, Hà Nội, 2010
  6. Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 5, Nghề đan lát…, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.