Nghề đóng thuyền nghề thủ công truyền thống được phát triển sớm trong lịch sử Việt Nam. Việt Nam có đặc điểm địa hình nhiều sông ngòi, kênh rạch, lại có đường bờ biển dọc theo chiều dài hơn 3000km của đất nước. Vì thế thuyền bè là một phương tiện giao thông được phát triển sớm và thiết yếu của người dân, và nghề đan thuyền, đóng thuyền, đóng tàu bè ở Việt Nam do đó phát triển rất sớm.
Cùng với sự phát triển của ngành nghề thủ công này, trong các làng ngư nghiệp ven sông hay ven biển có các nhóm thợ chuyên nghề đóng tàu thuyền. Hoặc có những làng trở thành làng thủ công chuyên làm nghề đóng thuyền. Nhiều làng nghề đóng thuyền nổi tiếng như làng Cống Mương (phường Phong Hải, TX Quảng Yên, Quảng Ninh), làng Trường Xuân thuộc xã Trường Sơn (Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), làng Trung Kiên (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) hay làng đóng xuồng Rạch Bà Đài xã Long Hậu, huyện Lai Vung Đồng Tháp,...
Do sự phong phú về địa hình, lề thói sinh hoạt và truyền thống văn hóa phong phú của các vùng miền mà các ở mỗi vùng những người thợ thủ công chế tạo những kiểu dạng thuyền khác nhau. Chẳng hạn các kiểu thuyền lưới ở Vịnh Hạ Long, thuyền thúng chài hay ghe câu ở tỉnh Quảng Bình, thuyền kiểu ghe nang ở Đà Nẵng, ghe bầu ở các tỉnh miền Trung, hay thuyền độc mộc của các dân tộc ở Tây Nguyên. Những kiểu thuyền bè này là những sản phẩm phong phú của nghề đóng thuyền ở các vùng miền ở Việt Nam.
Nghề và kỹ thuật đóng thuyền ở Việt Nam phát triển dần cùng với lịch sử Nam tiến của dân tộc. Nếu từ thời kỳ Đông Sơn đến thời Tây Sơn, nghề đóng thuyền chủ yếu phát triển ở các loại thuyền bè cho môi trường sông hồ thì sau đó cùng quá trình Nam tiến đã tăng dần kỹ thuật đóng thuyền cho môi trường biển. Sự phát triển mạnh của các loại thuyền biển trong khoảng cuối thế kỷ XVIII là chuyển biến quan trọng trong sự phát triển và mở rộng của nghề đóng thuyền ở Việt Nam. Về đại thể, nghề đóng thuyền ở Việt Nam được chia thành hai vùng lớn có những đặc điểm khác nhau về kỹ thuật, loại hình thuyền bè được đóng gồm khu vực phía Bắc và phía Nam của đèo Hải Vân. Ở khu vực từ đèo Hải Vân trở ra Bắc, do ở khu vực này do các hoạt động nội vùng mạnh hơn đánh bắt thủy sản hay buôn bán xa khơi nên thuyền bè ở đây chịu ảnh hưởng của thuyền bè Trung Quốc. các thuyền ở vịnh Bắc Bộ có nhiều đặc điểm giống với thuyền bè ven biển nam Trung Quốc về kết cấu vỏ tròn, mũi nhọn, bánh lái, buồm, buồng lái cạo, và xiến mũi. Trong khi đó, các thuyền ở khu vực Nam đèo Hải Vân, với xu hướng lấn biển và hướng biển mạnh nên thiên về các thuyền lớn đóng ván, kiểu buồng lái cao, nhô hẳn ra phía sau, và có buồm hình tam giác giống với đặc điểm chung của thuyền bè khu vực Ả Rập - Ấn Độ là khu vực có quan hệ hải thương lâu đời với khu vực miền Nam Việt Nam. Ngoài hai vùng mà nghề đóng thuyền có những đặc điểm chính trên, nghề đóng thuyền ở khu vực miền Trung có một sản phẩm độc đáo là Ghe Bầu. Đây là loại thuyền ghe đóng ván, có khoang giữa lớn chứa được nhiều hàng hóa, trọng tải lớn, chạy bằng buồm. Loại thuyền này có trọng tải lớn lại di chuyển linh động trong các sông cũng như dọc ven biển nên là phương tiện vận chuyển hàng hóa phổ biến, là sản phẩm đặc trưng của nghề đóng thuyền truyền thống ở các tỉnh miền Trung Việt Nam như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, hay Bình Định.
Là một nghề truyền thống lâu đời, sản xuất phương tiện đi lại và đánh bắt cho ngành nghề có môi trường hoạt động nhiều bấp bênh và may rủi, nghề đóng thuyền cũng có những phong tục tập quán riêng của ngành nghề này. Chẳng hạn suốt quá trình đóng thuyền, nhóm thợ đóng thuyền kiêng không cho những người có tang, đau yếu, hay phụ nữ lại gần thuyền. Đến khi hạ thuyền, thợ cùng chủ thuyền cũng phải chọn ngày tốt, cúng thủy thần để hạ thủy. Hoặc một số làng nghề đóng thuyền có tục mời người xông ghe hoặc xông lưới để mong cho thuyền mới được đóng gặp may mắn. Những kiêng kỵ và phong tục này đã trở thành những tri thức bản địa về khai thác tài nguyên thiên nhiên hay phong tục tập quán đặc trưng của làng nghề vùng ven sông hồ hay ven biển.
Ngày nay, nghề đóng thuyền truyền thống ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng mai một. Xu hướng hiện nay là hình thành các xưởng và các công ty đóng các tàu có trọng tải lớn, có công suất lớn, trang bị hiện đại bằng vỏ thép thay vì các làng nghề đóng thuyền vỏ gỗ. Nhu cầu thuyền vỏ gỗ ngày càng ít khiến các thợ thủ công và làng nghề chuyên đóng thuyền dần không còn việc làm. Ở nhiều làng đóng thuyền truyền thống, thợ đóng thuyền phải chuyển nghề khác, hoặc chuyển sang sản xuất mộc dân dụng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Viện Sử học, Tìm hiểu khoa học kỹ thuật trong lịch sứ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979.
- Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Việt, “Thuyền bè truyền thống Việt Nam (đặt một sô vấn đề dưới góc độ Dân tộc học)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6/1984, tr.48.
- Cao Xuân Phổ, “Văn hoá biển Dông Nam á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, tháng 4/1994, tr. 102.
- Bùi Thiềm, Cao Kim Phụng, Sông và giao thông dường sông Việt Nam, Nxb.Giao thông vận tải, Hà Nội, 1996.
- Bộ giao thông vận tải Việt Nam, Lịch sử giao thông vận tải Viêt Nam Nxb.Giao thông vận tải, Hà Nội, 1999.
- Piétri (Đỗ Thái Bình dịch), Thuyền buồm Đông Dương, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2015.
- Vũ Từ Trang, Nghề cổ đất Việt, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2007.