Ngạch dự bị là hình thức (loại) phục vụ quân sự ngoài biên chế của quân đội thường trực để phân biệt với phục vụ tại ngũ.
Ngạch dự bị được áp dụng ở nhiều nước nhằm mục đích xây dựng lực lượng dự bị động viên, tạo nguồn bổ sung trực tiếp cho quân đội thường trực (lực lượng vũ trang) khi xảy ra chiến tranh. Xu hướng chung hiện nay ở nhiều nước trên thế giới là cắt giảm quân số của quân đội thường trực để giảm chi phí quốc phòng, đồng thời nâng cao chất lượng của lực lượng dự bị động viên, tối ưu hoá việc quản lý huấn luyện và động viên Ngạch dự bị nhằm duy trì tiềm lực quân sự, quốc phòng, chủ động sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra.
Ở VN, Ngạch dự bị được quy định rõ ràng, cụ thể trong một số luật do Quốc hội và văn bản pháp quy do Nhà nước ban hành (Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam 2019, Luật lực lượng dự bị động viên năm 2019...). Nguyên tắc tổ chức xây dựng Ngạch dự bị: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Xây dựng lực lượng lực lượng dự bị động viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, bảo đảm trình độ chiến đấu theo yêu cầu và được quản lý chặt chẽ. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xây dựng, huy động đơn vị dự bị bảo đảm đủ quân số, phương tiện kỹ thuật dự bị; đúng tiêu chuẩn, thời gian; bảo đảm bí mật, an toàn theo quy định của pháp luật và kế hoạch được phê duyệt. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, huy động lực lượng Ngạch dự bị.
Đối tượng trong Ngạch dự bị: là quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị Ngạch dự bị sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân. Các trường hợp huy động lực lượng Ngạch dự bị là: khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ; khi thi hành lệnh thiết quân luật; khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; khi phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức: cơ quan, tổ chức nơi quân nhân trong Ngạch dự bị đang lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; tiếp nhận, bố trí công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ. Nguồn kinh phí bảo đảm xây dựng Ngạch dự bị: trích từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi hằng năm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và sử dụng từ các nguồn thu hợp pháp khác. Quân nhân phục vụ ở Ngạch dự bị khi hết hạn tuổi theo quy định được “giải ngạch” đưa ra khỏi danh sách quân nhân dự bị. Những công dân được giải ngạch dự bị sẽ không gọi vào quân đội trong trường hợp có lệnh động viên. Việc tổ chức xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng trong Ngạch dự bị được quy định cụ thể trong Luật lực lượng dự bị động viên. Việc duy trì, nâng cao chất lượng Ngạch dự bị giữ vị trí quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; là một trong những hình thức cơ bản nhất để xây dựng và huy động lực lượng Ngạch dự bị, góp phần xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, bảo đảm nguồn nhân lực bổ sung, mở rộng lực lượng quân đội khi chuyển đất nước sang trạng thái chiến tranh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân độ nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.506.
- Luật Sĩ quan Quân độ nhân dân năm 2014.
- Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
- Luật Quốc phòng năm 2018.
- Luật lực lượng dự bị động viên năm 2019.