Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bưu tá
(đổi hướng từ Người phát thư)
Một người đưa thư ở Úc đang làm nhiệm vụ, năm 2020

Bưu tá (còn gọi là người phát thư, người đưa thư, bưu tá viên; tiếng Anh postman và nhiều từ đồng nghĩa khác) là người thuộc cơ quan bưu chính hoặc các doanh nghiệp bưu chính thực hiện công việc tiếp xúc với khách hàng để phát các bưu gửi đến khách hàng hoặc tiếp nhận các bưu gửi do khách hàng chuyển đi. Công việc chính của bưu tá là hàng ngày nhận các bưu gửi đến (tài liệu hoặc hàng hóa) thuộc khu vực phát của mình phụ trách, sắp xếp chúng theo một hành trình (tuyến phát) hợp lý và đi phát đến các địa chỉ nhận. Mặc dù việc di chuyển theo các tuyến phát là chủ yếu nhưng nếu như trong hành trình của bưu tá có những khách hàng lại có nhu cầu gửi một vài bưu gửi cho người khác thì bưu tá sẽ tiếp nhận, mang trở về giao cho bưu cục để chuyển đi trong mạng lưới bưu chính.

Tùy theo cách thức tổ chức mạng phục vụ bưu chính mà mỗi ngày bưu tá đi phát bưu gửi theo các tuyến phát từ một đến hai lần, tương ứng với tần suất của các chuyến thư đi và đến bưu cục nơi bưu tá làm việc. Thường thì mỗi ngày khi chuyến thư đến, bưu tá nhận những bưu gửi có địa chỉ nhận thuộc khu vực của mình phụ trách, đi phát cho khách hàng và quay trở về với những bưu gửi tiếp nhận của khách hàng vừa kịp để chuyển tiếp theo các chuyến thư đi.

Phương tiện đi lại của bưu tá rất đa dạng tùy thuộc vào đặc điểm bưu gửi và đặc điểm địa lý, đặc điểm giao thông trong khu vực. Nếu chủ yếu là phát thư và những bưu gửi nhỏ thì bưu tá thường sử dụng xe đạp hoặc xe máy, và sẽ sử dụng ô tô chuyên dụng nếu phát những kiện hàng nặng. Ở một số nơi trên thế giới, bưu tá có thể cưỡi lạc đà, chèo thuyền, lái ca nô để phát bưu gửi.

Mặc dù bưu tá là một vị trí công việc không đòi hỏi trình độ cao nhưng vẫn có các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ cần đáp ứng. Những tiêu chuẩn này do các tổ chức bưu chính quy định cụ thể và thường có các tiêu chuẩn sau: Nắm vững các tuyến vận chuyển và tuyến phát thuộc khu vực quản lý; Nắm vững các quy định, quy trình nghiệp vụ khai thác bưu chính, đặc biệt là tại công đoạn do bưu tá trực tiếp đảm nhiệm; Hiểu về hệ thống tổ chức hành chính trong nước (vd. tên, vị trí địa lý của quận, huyện...) đặc biệt là địa bàn hành chính nơi bưu tá đang hoạt động; Nắm được tình hình giao thông trên tuyến phát được giao quản lý và các tuyến giao thông dự phòng khi cần thiết phải thay thế; Nắm vững địa chỉ của khách hàng thuộc tuyến phát được giao quản lý; Sử dụng được các phần mềm ứng dụng và các thiết bị được trang bị phục vụ công việc của bưu tá; Có kỹ năng giao tiếp tốt với khách hàng.

Các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động của bưu tá trên thế giới gồm: Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU); Hiệp hội Bưu chính Quốc tế (IPC).

Lịch sử[sửa]

Các khái niệm và chức năng được gắn với công việc của bưu tá cũng có những biến đổi qua các thời kỳ. Ở Anh vào thế kỷ XIX, những người đánh xe ngựa chuyên chở bưu gửi được gọi là postman, còn những người trực tiếp giao phát thư đến địa chỉ nhận được gọi là letter carrier. Đến năm 1883 thì những người trực tiếp giao phát thư được đổi cách gọi thành postman. Ban đầu những người làm công việc này ban đầu chủ yếu là nam giới, nhưng từ đầu thế kỷ XX có khá nhiều nữ giới tham gia, vì thế những danh xưng trung tính như mail carrier đã được sử dụng nhiều hơn.

Tại Việt Nam dưới thời quân chủ, bắt đầu từ triều Lý Thái Tông, công việc vận chuyển thư từ, công văn giữa các địa phương được giao cho những người lính trạm và phu trạm. Đến thời Pháp thuộc, từ cuối thế kỷ 19 đến trước tháng 8/1945, hệ thống thông tin liên lạc của nước ta do người Pháp quản lý. Hai chữ bưu điện cũng xuất hiện từ thời kỳ này, khi có những người phu chạy bộ đưa thư (bưu chính) và những nhà dây thép (điện tín) đầu tiên ra đời. Những người phu chạy bộ đưa thư là nguồn gốc của chức danh bưu tá sau này. Theo suốt lịch sử của ngành bưu điện Việt Nam, bắt đầu từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập Ban giao thông chuyên môn (1945), Nha Bưu điện - Vô tuyến điện (1951) rồi đến Tổng cục Bưu điện (1992), Bộ Bưu chính Viễn thông (2002) và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông, thuật ngữ nhân viên giao bưu và sau này là bưu tá được sử dụng để chỉ những người đảm nhiệm việc chuyển phát công văn, tài liệu của cơ quan Đảng và Nhà nước.

Theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức (1998) và sau đó là Luật Cán bộ, công chức (2008), bưu tá là chức danh công việc thuộc nhóm cán bộ không chuyên trách cấp xã, được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng. Đến năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2009/NĐ-CP trong đó nêu rõ: các chức danh của những người hoạt động không chuyên trách do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quy định nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc bưu tá không còn là chức danh bắt buộc trong hệ thống cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách cấp xã của tổ chức chính quyền Việt Nam. Tên gọi bưu tá được công nhận rộng rãi ngoài xã hội và được cả các doanh nghiệp bưu chính áp dụng trọng hệ thống chức danh công việc của mình.

Theo Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), hiện nay trên thế giới có 661.000 bưu điện và 1.400.000 nhân viên bưu tá, đây là một trong những cơ chế nhân sự lớn nhất trên thế giới, tạo ra một hệ thống gồm khoảng 2.000.000 điểm liên lạc.

Xu thế[sửa]

Nghề bưu tá sẽ có nhiều thay đổi trong một tương lai mà công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong đó nổi bật là việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực giao hàng chặng cuối (last mile). Một số thay đổi trong vai trò và hoạt động của bưu tá dưới tác động của công nghệ có thể nhận định được dưới đây: Bằng sự hỗ trợ của phần mềm và kỹ thuật số, khách hàng có thể cài đặt các tùy chọn phát trên ứng dụng của nhà cung cấp dịch vụ bưu chính hoặc của nhà bán hàng thương mại điện tử (vd. khách hàng muốn giao hàng nhanh với chuyến phát riêng hay giao hàng chậm, khách hàng muốn giao hàng tại địa chỉ linh hoạt hay cố định, ngày giờ cụ thể muốn nhận bưu gửi cho thuận tiện v.v.). Trên cơ sở những yêu cầu này, tuyến phát tối ưu sẽ do phần mềm gợi ý thay vì sự tính toán của bưu tá như trước đây, khái niệm “tuyến phát bưu tá” có thể không còn tồn tại, và kỹ năng sử dụng máy tính, vận hành các chương trình phần mềm và sử dụng các thiết bị chuyên biệt trong khâu phát là yêu cầu bắt buộc của bưu tá. Dịch vụ chuyển phát bưu gửi bằng phương tiện bay không người lái, robot đi bộ, hoặc bằng xe tự hành đang được nghiên cứu và đưa vào thí điểm rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khi những công nghệ này phát triển, bưu tá có thể không phải làm việc ở những địa hình khó di chuyển như núi cao, rừng sâu, hoặc nhưng nơi có hạ tầng giao thông kém phát triển.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Luật Bưu chính (2010).
  2. Luật Cán bộ, công chức (2008).
  3. Lê Nguyễn, Bưu chính Việt Nam từ thời quân chủ đến thời Pháp thuộc, Văn hóa Nghệ An, 2016;
  4. Daniel Nieto Corredera, Tafesse Bayissa Leta, The digital economy and digital postal activities - a global panorama, International Bureau of the UPU, 2019.