Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bưu chính

Bưu chính (tiếng Anh post) là lĩnh vực thuộc hạ tầng của nền kinh tế, bao gồm các hoạt động cụ thể như: đầu tư, kinh doanh, cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Hệ thống bưu chính là hệ thống nhận gửi, chuyển và phát thư, gói, kiện hàng hoá từ người gửi đến người nhận. Một hệ thống bưu chính có thể do Nhà nước hay tư nhân quản lý, trong đó cơ quan bưu chính thuộc tổ chức Nhà nước hoạt động để hướng tới các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia, doanh nghiệp bưu chính hoạt động để cung cấp dịch vụ bưu chính cho các tổ chức, cá nhân khác.

Bưu chính và chuyển phát là hai khái niệm có phạm vi chồng lấn nhau. Một số quốc gia phân định bưu chính với chuyển phát theo tiếp cận độc quyền và cạnh tranh, trong đó bưu chính thuộc lĩnh vực được pháp luật quy định là độc quyền của cơ quan bưu chính quốc gia (Postal Monopoly), còn chuyển phát là các hoạt động mà các nhà cung cấp dịch vụ (công và tư) đang cạnh tranh (Competitive Delivery Services). Tại Mỹ, chính phủ quy định bưu chính Mỹ độc quyền trong chuyển phát các vật phẩm được quy định là “thư”, và việc sử dụng sai hộp thư (bỏ một vật không phải là thư vào hộp thư) cũng là xâm phạm độc quyền bưu chính và luật pháp Mỹ. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phân biệt dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát trong bảng “Phân loại sản phẩm chính của Liên hiệp quốc” (UNCPC). Dịch vụ bưu chính được diễn giải tại tiểu mục 7551 bao gồm: các dịch vụ bưu chính liên quan tới thư tín; các dịch vụ bưu chính liên quan tới bưu kiện; các dịch vụ tại quầy bưu cục như bán tem, xử lý thư và bưu phẩm xác nhận hoặc đăng ký, và các dịch vụ bưu chính tại quầy khác; các dịch vụ bưu chính khác. Giả định của UNCPC là tất cả các dịch vụ bưu chính đều do cơ quan bưu chính quốc gia của các nước thành viên WTO cung cấp. Dịch vụ chuyển phát được diễn giải tại tiểu mục 7552 bao gồm các dịch vụ chuyển tin đa phương thức và các dịch vụ chuyển phát khác. Cũng theo UNCPC, dịch vụ chuyển phát do các cơ sở chuyển phát cung cấp và sử dụng một hoặc nhiều hơn các phương thức vận chuyển, không phải theo mạng lưới bưu chính quốc gia.

Tại Việt Nam, ngành “Bưu chính và chuyển phát” thuộc mã ngành 53, và bưu chính được phân vào nhóm 531, chuyển phát được phân vào nhóm 532 trong danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (QĐ số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/07/2018). Các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến bưu chính chuyển phát ở Việt Nam gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Phân ngành[sửa]

Nhóm ngành bưu chính gồm:

  • Hoạt động bưu chính sử dụng cơ sở hạ tầng chung để thực hiện việc nhận, phân loại, đóng gói và chuyển thư, bưu thiếp, báo, tạp chí, ấn phẩm quảng cáo, bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa hoặc tài liệu theo các tuyến và khu vực;
  • Các dịch vụ khác nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động này như: nhận, phân loại, vận chuyển và phân phối (trong nước hoặc quốc tế) thư, bưu phẩm, bưu kiện bằng dịch vụ bưu chính qua mạng lưới bưu điện được quy định bằng các giao ước dịch vụ thống nhất. Hoạt động này có thể sử dụng một hoặc nhiều phương thức vận tải, có thể sử dụng phương tiện vận tải thuộc sở hữu của bưu điện hoặc phương tiện vận tải công cộng; Nhận thư hoặc bưu phẩm, bưu kiện từ các hòm thư công cộng hoặc cơ sở bưu điện; Phân phối và phân phát thư, bưu phẩm, bưu kiện.

Nhóm ngành chuyển phát gồm:

  • Nhận, phân loại, vận chuyển và phân phối (trong nước/quốc tế) thư, bưu phẩm, bưu kiện của các doanh nghiệp không hoạt động theo giao ước dịch vụ chung. Hoạt động này có thể sử dụng một hoặc nhiều phương thức vận tải của doanh nghiệp hoặc các phương tiện vận tải công cộng;
  • Phân phối và phân phát thư, bưu phẩm, bưu kiện;
  • Dịch vụ giao hàng tận nhà.

Độc quyền bưu chính[sửa]

Cơ hội phát triển của bưu chính

Trong tương lai, việc bãi bỏ độc quyền bưu chính là xu hướng phổ biến trên toàn cầu. Xét về nền tảng thị trường và năng lực, lĩnh vực bưu chính có cơ hội phát triển vượt ra ngoài phạm vi sản phẩm cốt lõi của mình, điều này phụ thuộc vào định hướng và chính sách của các quốc gia. Xu hướng dịch chuyển từ lĩnh vực bưu chính sang lĩnh vực vận tải hoặc lĩnh vực phân phối được mô tả trong hình bên.

Tại Việt Nam, lĩnh vực bưu chính được điều chỉnh bởi Luật bưu chính (2010). Các định nghĩa dịch vụ bưu chính, mạng bưu chính được quy định rõ trong luật này. Vd. tại Điều 2 Luật bưu chính quy định: Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử. Mạng bưu chính là hệ thống cơ sở khai thác bưu gửi, điểm phục vụ bưu chính được kết nối bằng các tuyến vận chuyển và tuyến phát để cung ứng dịch vụ bưu chính.

Các vấn đề liên quan đến độc quyền bưu chính và quản lý lĩnh vực hoạt động bưu chính phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước được khái quát như sau:

  • Nhà nước đầu tư mạng bưu chính công cộng và giao cho doanh nghiệp được chỉ định quản lý, khai thác. Doanh nghiệp được chỉ định thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng; cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao. Hiện nay doanh nghiệp được chỉ định là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (QĐ 41/2011/QĐ-TTg ngày 03/8/2011).
  • Phạm vi và loại hình dịch vụ bưu chính công ích bao gồm:
    • Dịch vụ bưu chính phổ cập: là dịch vụ thư cơ bản, có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 ki-lô-gam (gồm dịch vụ thư cơ bản trong nước, dịch vụ thư cơ bản từ Việt Nam đi các nước, dịch vụ thư cơ bản từ các nước đến Việt Nam);
    • Dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh;
    • Các nhiệm vụ đặc thù khác trong lĩnh vực bưu chính (QĐ 45/2015/QĐ-TTg ngày 24/9/2015).

Các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến bưu chính chuyển phát trên thế giới gồm: Liên minh bưu chính Thế giới (UPU); Hiệp hội bưu chính Quốc tế (IPC - International Post Corporation).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Những định hướng đổi mới Bưu chính, Nxb Bưu điện, 2005.
  2. Quốc hội, Luật Bưu chính - Luật số: 49/2010/QH12, 2010;
  3. Trần Thị Thập, Bưu chính Việt Nam với nghĩa vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, ISSN 0866-7039; Số 358, tr 38, 2009.
  4. Michael A. Crew, Paul R. Kleindorfe, Competitive Transformation of the Postal and Delivery Sector; 2012;
  5. UPU, Development strategies for the postal sector: an economic perspective, 2014.